(HNM) - Đang có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh quan điểm của Bộ GTVT không cho phép xe khách giường nằm chạy trên những tuyến đường đèo núi, đặc biệt là sau khi xảy ra vụ tai nạn thảm khốc tại Sa Pa (Lào Cai).
Các chuyên gia cho rằng, cả nước đang có hơn 4.500 XKGN, đáp ứng khá hiệu quả nhu cầu đi lại của người dân, do đó cần làm rõ nguyên nhân của các vụ tai nạn giao thông (TNGT) có liên quan đến XKGN. Việc siết chặt quản lý XKGN là cần thiết nhằm bảo đảm an toàn, nhưng cần có lộ trình cụ thể trong việc hạn chế hoạt động đối với loại hình này để không gây ảnh hưởng đến lợi ích của các DN.
Hạn chế hoạt động của xe khách giường nằm trên đường đèo dốc để bảo đảm an toàn là cần thiết nhưng cần có lộ trình cụ thể. |
Tại xe hay tại người điều khiển?
Sau vụ TNGT nghiêm trọng ở Lào Cai, đã có nhiều câu hỏi đặt ra về độ an toàn của XKGN. Tuy nhiên, theo PGS-TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Giao thông (Trường Đại học Bách khoa TP Hồ Chí Minh), về độ dài, rộng, XKGN không khác xe khách thông thường là bao nhiêu (đều dài 12m). Về phương diện kỹ thuật, kích thước như nhau thì độ an toàn như nhau. Tính an toàn và dễ lật đổ của XKGN và xe khách thông thường có độ chênh lệch trọng tâm tương đương nhau, nằm trong phạm vi cho phép của quy chuẩn thiết kế ô tô Việt Nam. Như vậy, có thể nói độ an toàn của XKGN và xe khách là tương đương nhau, tai nạn xảy ra với XKGN không phải do yếu tố kỹ thuật. Thực tế cho thấy, trong số 44 vụ tai nạn XKGN nghiêm trọng nhất trong 3 năm gần đây, chỉ có 3 vụ xe lật đổ ngang, điều này chứng tỏ, sự thăng bằng của XKGN so với xe khách thông thường không có nhiều khác biệt. Cũng qua phân tích các vụ tai nạn XKGN cho thấy, 30% tai nạn xảy ra trên đường đèo dốc, 70% trên đường đồng bằng, như vậy tai nạn cũng không phải do đường sá, mà do quá trình điều khiển phương tiện.
Ông Nguyễn Quốc Mạnh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Điện Biên cho rằng, XKGN có nhiều ưu việt, thuận tiện và được người dân ưa thích. Ngoài sự kết hợp hợp lý giữa vận tải hành khách với hành lý, hàng hóa, xe chạy ban đêm tiết kiệm triệt để thời gian cho khách. Do đó, nếu cấm hoặc hạn chế thì cần phải có những tính toán, cơ sở rõ ràng. Tuy nhiên, cần phải nghiêm túc xem xét lại khâu quản lý, đào tạo sát hạch cho lái xe. Khâu này đang còn nhiều bất hợp lý. Lái xe giường nằm có kích thước rất dài nhưng khi đào tạo, giấy phép đào tạo chủ yếu cấp theo chỗ ngồi. Đến thời điểm này, tai nạn xe khách chủ yếu do tài xế chưa có đủ kỹ năng.
Một yếu tố quan trọng khác cũng được đề cập tới, đó là hiệu quả kiểm soát của thiết bị giám sát hành trình. XKGN chủ yếu hoạt động vào ban đêm, nhưng hiện chưa có quy định nào yêu cầu thiết bị giám sát hành trình phải hoạt động trực tuyến 24/24h. Bộ phận quản lý an toàn của các DN vận tải vào ban đêm hầu hết đều không làm việc. Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng có quy định lái xe không được điều khiển xe liên tục quá 4 giờ nhưng thực tế vẫn có nhiều lái xe lái suốt 8-10 giờ, chạy xuyên đêm.
Cần có lộ trình cụ thể
Cả nước đang có 4.500 XKGN chủ yếu là xe 2 tầng, chỉ có khoảng 80 xe 1 tầng. Các xe được sản xuất lắp ráp trong nước khoảng 3.000, khoảng 800 xe hoán cải, còn lại là xe nhập từ Trung Quốc. Từ một số vụ TNGT thảm khốc liên quan đến XKGN, lãnh đạo Bộ GTVT đã chỉ đạo phải rà soát, chấn chỉnh một cách toàn diện từ thủ tục và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, đồng thời rà lại cả sự tuân thủ của DN vận tải, lái xe. Bộ GTVT cũng yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam rà soát việc cấp phép các tuyến cố định để bảo đảm các luồng tuyến hoạt động an toàn.
Một số ý kiến nhấn mạnh, với điều kiện Việt Nam, vận tải đường bộ đang chiếm 84% tổng vận tải, do đó để bảo đảm nhu cầu đi lại tăng rất cao trong thời gian qua chủ yếu vẫn là vận tải đường bộ. Với đặc thù này, với những tuyến có lộ trình 500-1.000km, thậm chí 2.000km thì vận tải đường bộ vẫn phổ biến, trong khi ở các nước chỉ quãng đường từ dưới 300km mới có vận tải đường bộ. Do đó, cần phải xem xét, tính đến thực tế này và nhu cầu đòi hỏi của thị trường khi đưa ra quyết định có nên để XKGN tồn tại hay không. Từ thực tế quản lý cũng như hoạt động vận tải thời gian qua cho thấy, để hạn chế TNGT nói chung và TNGT liên quan đến XKGN nói riêng, cần phải nâng cao hiệu quả công tác quản lý từ người lái đến phương tiện, thiết bị giám sát hành trình và tăng cường tuần tra kiểm soát, tránh gây tổn hại cho xã hội.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ khẳng định, không thể ngay lập tức cấm, ngược lại cũng không thể để xe chạy trong tình trạng an toàn không cao. Vì thế, cần tập trung nghiên cứu để đưa ra giải pháp hợp lý và hiệu quả nhất, với mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn và tính mạng cho người dân và hành khách. Để làm được điều này, trước hết phải đưa ra được quy hoạch luồng tuyến hợp lý, sau đó đánh giá mức độ an toàn của nó. Ví dụ như một con đèo thì cần những điều kiện như thế nào, đơn vị quản lý phải làm gì, xe đến đỉnh đèo có phải dừng nghỉ để kiểm tra an toàn hay không? Tất cả những điều đó chúng ta đều phải nghiên cứu và tính toán kỹ. Về thiết kế xe và bố trí hàng hóa trên xe cũng cần phải tuân thủ nghiêm hơn các loại xe khác. Tuy nhiên, dù triển khai thế nào thì cũng cần có lộ trình.
Ông Nguyễn Văn Quyền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam: Tổng cục đang nghiên cứu theo hướng đề xuất với Bộ GTVT không cho phép xe giường nằm đi trên cấp đường thấp; những tuyến đường đã cải tạo nâng cấp nhưng có địa hình quanh co, đèo núi dốc thì phải có biển hạn chế tốc độ với XKGN. Bảo đảm an toàn giao thông vẫn là ưu tiên số một, nhưng Bộ cũng luôn quan tâm đến lợi ích chính đáng của DN và nhu cầu của hành khách. Chúng tôi sẽ sửa đổi theo hướng có lợi cho cả hai đối tượng trên, chứ không phải nói cấm là cấm. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.