(HNMO) - Thu nhập của người lao động (NLĐ) trong các doanh nghiệp (DN) năm 2015 so với mức sống tối thiểu đang vênh nhau khá xa. Đó là kết luận rút ra từ báo cáo mới nhất của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam qua khảo sát về tiền lương, thu nhập, mức sống tối thiểu của người lao động.
Ảnh minh họa. Nguồn: http://vneconomy.vn/ |
Báo cáo này đã được Tổng liên đoàn lao động Việt Nam (LĐLĐVN) công bố vào ngày 13/8/2015. Nếu kết quả khảo sát năm 2015 này đủ cơ sở tin cậy thì chắc chắn nó sẽ làm nóng việc tranh luận giữa người người lao động và sử dụng lao động về mức lương tối thiểu năm 2016.
Các con số đáng chú ý nhất của báo cáo chính là mức chi tiêu trung bình của người lao động (có nuôi con, tại các ngành nghề, lĩnh vực khảo sát) với mức 4,247 triệu đồng/tháng. So với năm 2014 thì mức này đã tăng 3,6%. Còn mức chi tiêu cụ thể ở các vùng như sau: Vùng 1: 4,910 triệu đồng; vùng 2: 4,290 triệu đồng; vùng 3: 3,950 triệu đồng; vùng 4: 3,510 triệu đồng. Sở dĩ mức chi vùng 1, vùng 2 lớn bởi đó là nơi tập trung các khu công nghiệp, chế xuất. Người lao động ở đây phải chi tương đối nhiều khoản như tiền thuê nhà mỗi tháng rẻ nhất cũng mất 700.000 đồng cho 3 người ở, tiền điện trung bình 50.000 đồng/người (15kW); tiền nước 100.000 đồng/người (8m3); gửi con nhà trẻ 1,5 triệu đồng/tháng. Giá cả các dịch vụ và đồ dùng thiết yếu, lương thực, thực phẩm tại đây đều tăng hơn khu vực khác từ 7-10%.
Khi trả lời các câu hỏi bằng phiếu trả lời trực tiếp từ công nhân, kết quả nhận được cho thấy có 19,9% công nhân trả lời thu nhập “không đủ sống”; 31,3% phải chi tiêu tằn tiện và rất tiết kiệm; 40,7% vừa đủ trang trải cho cuộc sống. Có khoảng 8,0% phiếu cho biết có dư dật để tích luỹ. Trả lời câu hỏi “có tiền tiết kiệm không?” thì 62,2% NLĐ trả lời “không có”; 37,8% trả lời “có” tiền tiết kiệm, nhưng số tiền không cao. Đánh giá mức độ hài lòng với việc làm và thu nhập hiện tại, có 34,0% NLĐ “không hài lòng”; 51,2% “tạm hài lòng” và 14,9% “hài lòng”. Ở vùng I, mức độ “hài lòng” đạt 6,7%; vùng II là 17,1%; vùng III là 20,6%; vùng IV là 10,6%.
Với những số liệu đó cùng với quan sát từ thực tế đời sống người lao động, Tổng LĐLĐ VN đã đề nghị Chính phủ khẳng định lộ trình điều chỉnh tiền lương tối thiểu bảo đảm mức sống tối thiểu của công nhân vào năm 2017 (hiện lương tối thiểu mới chỉ đáp ứng được 78-83%). Đồng thời, Tổng LĐLĐ VN đã quyết tâm đề nghị điều chỉnh mức tăng tiền lương tối thiểu vùng năm 2016, bình quân từ 350.000-550.000 đồng/người/tháng (tùy theo vùng), tức điều chỉnh tăng khoảng 16,8% so với năm 2015. Theo quan điểm của Tổng LĐLĐ VN thì đời sống của người lao động hiện nay vẫn đang rất khó khăn, nên với mức tăng đó là hợp lý.
Phía đại diện người sử dụng lao động chỉ đề nghị mức điều chỉnh tăng 7% và sau đó lên 10% cho năm 2016. Phản biện lại đề nghị đó, Tổng LĐLĐ VN đã đưa số liệu khảo sát từ các doanh nghiệp thuộc diện phải điều chỉnh mức lương tối thiểu năm 2015. Kết quả cho thấy với mức tăng bình quân lương các vùng là 14,3% so với năm 2014 thì tỉ lệ tăng tiền lương thực tế tương ứng của NLĐ chỉ khoảng 12%.
Điều đó nói lên việc tăng tiền lương tối thiểu theo đề nghị của người lao động năm 2016 sẽ không hề gây đột biến về chi phí cho doanh nghiệp như cách nói của người sử dụng lao động. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp FDI có hạch toán từ công ty mẹ ở nước ngoài còn cho thấy việc tăng mức tiền lương tối thiểu năm 2015 không ảnh hưởng nhiều đến sản xuất kinh doanh. Vì thế các doanh nghiệp trên còn cam kết chấp hành nghiêm khi Nhà nước công bố mức lương tối thiểu của năm 2016.
Còn lo ngại về mức đóng BHXH cho người lao động tăng lên kể từ ngày 1/1/2016 thì theo phân tích của bộ phận kỹ thuật TLĐLĐ, mức tăng này không đáng kể. Đây cũng là điều đáng quan tâm vì cách tính của cả hai bên đang khác nhau kể cả công thức tính mức sống tối thiểu. Tính mức sống tối thiểu cần phải dựa trên ba yếu tố là lương thực (53 mặt hàng chủ lực), phi lương thực (như nhu cầu văn hóa, tinh thần…), liên quan tới đảm bảo cuộc sống cho con cái (nuôi con nhỏ). Đây là yếu tố làm cho mức điều chỉnh tăng lương tối thiểu của cả ba bên đang còn cách nhau khá xa.
Để dung hòa đề xuất của cả hai bên, bộ phận kỹ thuật của Hội đồng lương quốc gia đang đề xuất 3 phương án điều chỉnh tăng mức lương tối thiểu là 10%, 11%, 12% so với năm 2015. Trong khi đó, phía Tổng LĐLĐ VN vẫn kiên quyết bảo vệ phương án tăng 16,8%.
Như vậy, các đề xuất của người sử dụng lao động và người lao động vẫn đang khó gặp nhau ở kỳ họp tới. Tuy nhiên, nếu không thể thống nhất được ý kiến giữa hai bên thì ông Chủ tịch Hội đồng lương quốc gia phải đưa ra quyết định cuối cùng. Và mức điều chỉnh tăng 12% so với lương tối thiểu năm 2015 nên là giới hạn đỏ cho cả hai bên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.