(HNMO) - Có tới 14,2% người lao động trả lời không đủ sống và 33,8% nói họ vừa đủ trang trải - đó là một vài chỉ số thu được qua khảo sát điều tra tiền lương, thu nhập đời sống của người lao động (NLĐ) trong năm 2016 mà Tổng LĐLĐVN vừa thực hiện tại 60 doanh nghiệp thuộc 4 vùng lương.
Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Lao động. |
Việc thực hiện cuộc khảo sát này nhằm gíup Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam nắm được tình hình đời sống, việc làm, thu nhập của người lao động ở các Khu công nghiệp. Trên cơ sở các số liệu đó, TLĐLĐVN sẽ đưa ra đề xuất phù hợp về mức tiền lương tối thiểu (LTT) năm 2017 lên Hội đồng tiền lương Quốc gia.
Kết quả khảo sát cũng cho thấy rằng mức lương cơ bản của NLĐ tại các doanh nghiệp nằm trong diện khảo sát đã cao hơn từ 33 đến 44% so với mức lương tối thiểu vùng năm 2016 do Chính phủ quy định. Đa số NLĐ đều có mức lương cơ bản kề cận với mức lương tối thiểu vùng, nghĩa là vẫn không cao lắm. Đáng tiếc, trong quá trình triển khai LTT vùng thì một số doanh nghiệp đã thực hiện không đúng quy định, chưa điều chỉnh kịp thời và không công khai, minh bạch, lại giảm chi phí thưởng, phụ cấp... Có 5% NLĐ cho biết họ bị cắt giảm một số trợ cấp khi doanh nghiệp điều chỉnh lương tối thiểu. Tuy nhiên, so với kết quả khảo sát năm 2015 đời sống của người lao động nhìn chung đã được cải thiện hơn.
Khảo sát cũng cho thấy, tại các doanh nghiệp, người lao động ngoài tiền lương cơ bản họ còn nhận được tiền làm thêm giờ, tiền chuyên cần và các khoản phụ cấp, trợ cấp, hỗ trợ khác từ doanh nghiệp. Đối với tiền làm thêm giờ, có 75,5% NLĐ trực tiếp trả lời có tiền làm thêm giờ (vùng I chiếm 86,8%; vùng II chiếm 71,9%; vùng III là 68,2%; vùng IV là 63,7%), trung bình mỗi người 29,2 giờ/tháng, trong đó có 20,0% lao động sản xuất trực tiếp phải làm thêm trung bình 30 giờ/tháng. Với số tiền làm thêm giờ đã được nhân với hệ số theo quy định, trung bình là 939.000 đồng/tháng.
Khảo sát cũng đã đưa ra tình trạng doanh nghiệp “lách luật” trong vấn đề thực hiện chế độ tiền lương. Nó thể hiện ở chỗ, tỉ lệ tăng LTT năm 2016 quy định là 12,4% so với năm 2015 nhưng tỉ lệ tăng tiền lương thực tế mà NLĐ thực hưởng chỉ được khoảng 10%. Trong khi đó kết quả khảo sát cho thấy có 85%-90% số DN (có tổ chức CĐ) đã điều chỉnh tăng LTT.
Như vậy, có nghĩa nhiều DN đã “lấy tiền túi này, bỏ sang túi kia” bằng cách cắt giảm một số phụ cấp khi tăng lương LTT để doanh nghiệp không phải chi thêm tiền trong khi đó sự tăng đã làm cho tiền lương cơ bản tăng giúp NLĐ yên tâm làm việc, góp phần ổn định cuộc sống và tăng năng suất lao động.
Việc này cũng rất dễ chỉ ra vì hiện tình trạng doanh nghiệp (DN) làm hai 2 bảng lương đang tồn tại ở nhiều nơi, điều này khiến NLĐ bị thiệt thòi. Nhận xét việc này, đại diện TLĐLĐVN cho biết, thực tế “thu nhập của công nhân ngành da giày đạt từ 6-7 triệu đồng/tháng nhưng chủ DN chỉ đóng BHXH ở mức từ 3,6 triệu đến 3,7 triệu đồng/tháng. Khoản chênh lệch còn lại được DN “lách” bằng tiền nhà ở, xăng xe, điện thoại, chuyên cần... nhưng khi quyết toán với cơ quan thuế, DN lại nộp bảng lương ở mức 6-7 triệu đồng”.
Qua khảo sát lần này cho thấy bức tranh đời sống của NLĐ vẫn đang khó khăn nếu so sánh thu nhập với chi tiêu của gia đình. Thực tế chỉ có 14,2% trả lời họ “có dư dật và tích luỹ", đến 14,2% NLĐ trả lời “không đủ sống”; 37,8% phải chi tiêu “tằn tiện và kham khổ”; 33,8% “vừa đủ trang trải”.
Tiền lương tối thiểu 2017 là bao nhiêu? Đó là vấn đề mà Hội đồng tiền lương Quốc gia phải quyết định trong những phiên họp tới. Với bức tranh đời sống đó thì với sự khởi sắc của các doanh nghiệp trong năm 2016 hy vọng sự đồng thuận mức tăng LTT. Dự báo, mức tăng sẽ không cao bằng năm trước nhưng sẽ có những thay đổi về cách tiếp cận lương tối thiểu khoa học hơn, sát với thực tế hơn. Bằng cách nào thì cái cơ bản nhất vẫn làm sao tăng được mức sống của người lao động.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.