Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mức lương tối thiểu phải gắn với mức sống tối thiểu

Vân An| 22/11/2011 16:17

(HNMO) – Đại biểu Bùi Sỹ Lợi - Thanh Hoá cho rằng, việc quy định tiền lương tối thiểu hiện nay theo 4 vùng là không đạt được yêu cầu, cần phải xác định mức lương tối thiểu gắn với mức sống tối thiểu thì mới có thể giải quyết được những bất cập về tiền lương...


Mức lương tối thiểu phải gắn với mức sống tối thiểu


Đại biểu Bùi Mạnh Hùng - Bình Phước cho rằng, vấn đề tiền lương nói chung, tiền lương tối thiểu nói riêng là tiêu chuẩn quan trọng nhất trong các quan hệ lao động. Thực tế hiện nay, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đều lấy lương tối thiểu để xác định thang bảng lương cho công nhân và xác định đây là cơ sở pháp lý chủ yếu để trả lương cho công nhân. Do đó, việc xác định mức lương tối thiểu là rất quan trọng, ảnh hưởng đến đời sống của người lao động.

“Trong dự thảo luật, Quốc hội giao cho Chính phủ quy định mức lương tối thiểu theo đề nghị của Hội đồng tiền lương quốc gia để đảm bảo sự hài hòa trong quan hệ lao động và lương phù hợp với tình hình thị trường. Tôi nhất trí phương án đó. Song, tôi đề nghị Quốc hội quy định chặt chẽ hơn, quy định rõ hơn các căn cứ để làm cơ sở cho quyết định của Chính phủ và làm căn cứ để Quốc hội giám sát Chính phủ trong việc quy định mức lương tối thiểu”, đại biểu Hùng nói.

Chung quan điểm, đại biểu Đặng Ngọc Tùng - Đồng Nai nhận xét, tiền lương các doanh nghiệp trả cho người lao động, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI, hiện không bám sát với thực tế của xã hội và giá cả của thị trường, xây dựng thang lương, bảng lương xoay quanh lương tối thiểu và nộp bảo hiểm xã hội trên cơ sở đó, không nộp đến lương thực tế, gây thiệt hại rất lớn cho người lao động khi hưởng bảo hiểm xã hội và là gánh nặng cho xã hội, cho Nhà nước khi người lao động về nghỉ hưu, nhưng lại được đóng bảo hiểm xã hội trên toàn bộ những lương xấp xỉ lương tối thiểu như hiện nay.

“Chúng tôi thấy cần phải kiến tạo lại lương tối thiểu cho sát với thực tế. Tôi rất tán thành chương trình làm luật của Quốc hội kỳ này là sẽ thông qua tiền lương tối thiểu”, đại biểu Tùng nói.

Đại biểu Tùng đề nghị, khi đã thống nhất được mức lương tối thiểu, trên cơ sở mức lương này, hàng năm tính thêm với mức trượt giá, như vậy thu nhập của người lao động thực tế mới tăng được.

Đại biểu Nguyễn Trung Thu - Long An cho rằng, việc dự thảo luật quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động là chưa đủ sức nặng để các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc việc xây dựng thang lương, bảng lương.

“Thực tế trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp không xây dựng thang lương, bảng lương, trả lương cho lao động rất tùy tiện. Tiền lương người lao động mới tuyển dụng và người lao động lâu năm, lương của lao động có đào tạo và không qua đào tạo lại tương đương nhau, không có sự chênh lệch cần thiết dẫn đến thiếu công bằng trong tiền lương làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người lao động”, đại biểu Thu nêu dẫn chứng.

Do đó, đại biểu Thu đề nghị luật cần quy định rõ, người sử dụng lao động phải xây dựng thang lương, bảng lương, định mức lao động.

Theo đại biểu Bùi Sỹ Lợi - Thanh Hoá, việc quy định tiền lương tối thiểu hiện nay theo 4 vùng là không đạt được yêu cầu. Luật cần xác định mức tiền lương tối thiểu phải gắn với mức sống tối thiểu thì mới có thể giải quyết được những bất cập về tiền lương.

“Thực chất trong 4 năm vừa qua, hơn 3.000 cuộc đình công xảy ra thì 90% các cuộc đình công xuất phát từ tiền lương... Tôi cho rằng đây là vấn đề rất quan trọng chúng ta phải lưu ý”, đại biểu Lợi nhấn mạnh.


Để giải quyết thực trạng mà đại biểu Lợi đề cập, đại biểu Trần Thanh Hải - TP Hồ Chí Minh cho rằng, Quốc hội nên nghiên cứu cơ chế thương lượng tập thể giữa người sử dụng lao động và tập thể lao động thông qua tổ chức công đoàn. Mục đích chính của cơ chế đó là xác lập điều kiện lao động mới, chủ yếu là vấn đề tiền lương, đặc biệt cơ chế thỏa thuận này sẽ được xác định trong khoảng thời gian ngắn, chậm nhất không quá 7 ngày làm việc sau khi phía người lao động thông qua tổ chức công đoàn đề nghị vấn đề mặt bằng tiền lương mới. Kết quả của việc thương lượng đó phải thể hiện bằng văn bản và được người sử dụng lao động công bố cho người lao động.

Nhất trí tăng thời gian nghỉ thai sản cho lao động nữ

Góp ý về chế độ nghỉ thai sản với lao động nữ, nhiều đại biểu đều nhất trí đề nghị, luật nên tăng thời gian nghỉ thai sản cho tất cả lao động nữ lên 6 tháng, thay vì mức 4 tháng như hiện nay. Theo phân tích của các đại biểu Nguyễn Thúy Hoàn - Thái Bình, Nguyễn Minh Phương - TP Cần Thơ, quy định như vậy đảm bảo mục đích bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em và đảm bảo để trẻ được bú mẹ hoàn toàn từ 0 - 6 tháng tuổi.

“Nếu thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ đều như nhau là 6 tháng, theo tính toán của bảo hiểm xã hội, quỹ bảo hiểm xã hội cũng có thể cân đối được... Do đó, tôi đề nghị tăng nghỉ thai sản cho phụ nữ lên đồng đều như nhau là 6 tháng”, đại biểu Phương nói.

Đặc biệt, đại biểu Phương cũng đề nghị, để đảm bảo công bằng với phụ nữ khi thực hiện thiên chức của mình, thời gian nghỉ thai sản của phụ nữ phải được tính vào thời gian xét thi đua khen thưởng và luật nên bổ sung quy định là trong thời gian nghỉ thai sản, nếu mẹ hoặc bé bị bệnh, bố có thể được nghỉ thêm 3 ngày nữa để chăm sóc mẹ và bé ngoài thời gian nghỉ chăm sóc vợ khi sinh.

Cũng nhất trí với việc tăng thời gian nghỉ thai sản với lao động nữ, đại biểu Đặng Thuần Phong - Bến Tre, Nguyễn Thị Thanh Hòa - Bắc Ninh đề nghị thêm, luật nên linh hoạt đưa ra mức sàn là 4 tháng, mức trần là 6 tháng để người phụ nữ nuôi con có thể chọn nghỉ 4 tháng hay 6 tháng, nếu đi làm sớm thì được hưởng lương.

Tuy nhiên, đại biểu Cù Thị Hậu - Hưng Yên cho rằng, không nên cào bằng về chế độ nghỉ thai sản giữa những người lao động mệt nhọc, độc hại với những người lao động bình thường đều 6 tháng như nhau.

“Nếu kéo dài lên 6 tháng, những người lao động độc hại, mệt nhọc nên được nghỉ 7 tháng để bảo vệ sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em chứ không chỉ bảo vệ riêng trẻ em”, đại biểu Hậu nói.

Cùng mối quan tâm, đại biểu Triệu Thị Nái (Triệu Mùi Nái) - Hà Giang ủng hộ quy định trong dự thảo luật là thời gian nghỉ thai sản là 5 tháng trước và sau khi sinh đối với lao động nữ bình thường, còn đối với các lao động nữ làm các công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và làm chế độ 3 ca, làm việc ở nơi có phụ cấp hệ số 0,7 trở lên, nữ quân đội, công an, nữ khuyết tật thì được nghỉ 6 tháng. Tuy nhiên, với các lao động nữ thuộc diện được nghỉ 6 tháng, đại biểu Nái đề nghị cần có sự cân nhắc thêm về chế độ với các đối tượng này. Đồng thời, đại biểu Nái đề nghị bổ sung quy định cho phép người chồng được nghỉ tối đa là 10 ngày hưởng nguyên lương và phụ cấp trước khi lao động nữ sinh con để phù hợp với quy định của Luật bình đẳng giới.

Băn khoăn về việc nâng tuổi nghỉ hưu cho lao động nữ

Đại biểu Trần Ngọc Vinh - TP Hải Phòng đề nghị, nên giữ như quy định hiện hành về tuổi nghỉ hưu đối với nam là 60, nữ là 55 trong điều kiện lao động bình thường. Đồng thời, giao cho Chính phủ quy định về tuổi nghỉ hưu đối với một số loại lao động đặc biệt như trong môi trường lao động nặng nhọc, độc hại, lao động có trình độ chuyên môn cao, người làm công tác quản lý.

Quan điểm này cũng được đại biểu Thích Thanh Quyết (Lương Công Quyết) - Quảng Ninh ủng hộ. Theo phân tích của đại biểu Quyết, quy định như vậy là phù hợp với thể chất, tập tục văn hóa của người Việt Nam, đảm bảo sự kế thừa lao động.

“Tôi không tán thành với cách bố trí tuổi nghỉ hưu của lao động nam và nữ đều 55 tuổi, hoặc đều 60 tuổi như một số nước khác. Theo phong tục của người Việt, thông thường chồng hơn vợ khoảng vài ba tuổi, nếu như vậy thì chồng sẽ về hưu trước vợ, mà vợ vẫn đi làm, thì không thuận mắt. Bao giờ vợ cũng phải về hưu sớm hơn chồng mấy năm để chuẩn bị chăm sóc việc nhà "nữ chủ nội, nam chủ ngoại" thì hợp tình, hợp lý hơn”, đại biểu Quyết phân tích.

Đại biểu Quyết cũng ủng hộ, đối với một số người lao động trong môi trường nặng nhọc, độc hại thì quyền nghỉ hưu có thể trước 55 tuổi đối với nữ, trước 60 tuổi đối với lao động nam theo quy định của Chính phủ.

Tuy nhiên, đại biểu Bùi Thị An - TP Hà Nội cho rằng, trước đây, việc quy định tuổi nghỉ hưu của nam là 60, nữ là 55 là hợp lý do điều kiện sống, điều kiện chiến tranh, sức khỏe của nữ kém. Nhưng hiện nay điều kiện sống đã thay đổi, cách mạng đã làm cho đất nước ta đổi thay thì phải chỉnh Bộ luật lao động về tuổi nghỉ hưu.

“Tôi không cào bằng, nhưng mà có những cơ sở khoa học như sau: Một, cùng nằm trong bụng mẹ 9 tháng 10 ngày đấy là điều kiện bình thường. Hai, cùng lớn lên vào lớp một từ khi 6 hoặc 7 tuổi. Tuổi thọ trung bình của phụ nữ hiện nay cao hơn nam 3 tuổi: nữ khoảng 74, nam 71. Theo y tế tổng kết ,hội chứng chuyển hóa của nam sau tuổi 50 là cao hơn nữ, cho nên khả năng mắc bệnh rất cao. Chính vì lẽ đó tôi xin đề nghị trong Bộ luật lao động phải thể hiện sự bình đẳng nam và nữ cùng nghỉ như nhau, trừ những trường hợp lao động trong loại hình đặc biệt độc hại, nặng nhọc... thì ưu tiên cho nữ nghỉ trước 5 năm và cộng thêm 5 năm bảo hiểm, như vậy mới là ưu tiên”, đại biểu An phân tích.

Mặc dù ủng hộ quy định về tuổi nghỉ hưu như trong dự thảo luật là hợp lý bởi lẽ nó đã phù hợp với số đông và đã giải quyết được vấn đề bất hợp lý lâu nay về cán bộ nữ ở các cấp, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương - Quảng Bình cũng đề nghị, Chính phủ, Ban soạn thảo nên lưu ý đến đề nghị tăng tuổi nghỉ hưu.

“Nếu thực sự tuổi thọ tăng, quỹ bảo hiểm có nguy cơ bị phá vỡ thì nhất thiết phải có lộ trình tăng tuổi hưu, tất nhiên phải tăng đều cả nam và nữ”, đại biểu Phương nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mức lương tối thiểu phải gắn với mức sống tối thiểu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.