(HNM) - Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 75/2021/TT-BTC (ngày 9-9-2021) quy định về quản lý tài chính thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030.
Về mức chi thúc đẩy đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ ở trong và ngoài nước, Điều 6 của Thông tư quy định như sau:
1. Về đăng ký bảo hộ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu; đăng ký bảo hộ, công nhận giống cây trồng mới: Đối với đơn đăng ký bảo hộ sáng chế và đăng ký bảo hộ, công nhận giống cây trồng mới là 30 triệu đồng/đơn, đối với đơn đăng ký bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu là 15 triệu đồng/văn bằng bảo hộ; Đối với đăng ký bảo hộ ở nước ngoài cho các đối tượng quy định tại Điểm a, Khoản 1 Điều này: 60 triệu đồng/đơn được chấp nhận hợp lệ, các văn bản tương ứng theo quy định của tổ chức quốc tế hoặc quốc gia nộp đơn; Đối với nhiệm vụ do các bộ, cơ quan trung ương quản lý, mức kinh phí quy định tại Điểm a và Điểm b khoản này là mức hỗ trợ tối đa từ ngân sách nhà nước, trong trường hợp phát sinh thêm các chi phí khác (nếu có), các đơn vị tham gia chương trình tự bảo đảm; Đối với nhiệm vụ do địa phương quản lý, căn cứ vào các công việc có liên quan, điều kiện cụ thể của từng địa phương, UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh quyết định mức hỗ trợ cụ thể.
2. Về đăng ký bảo hộ trong và ngoài nước đối với chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm quốc gia, sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù của địa phương, sản phẩm gắn với Chương trình OCOP hoặc biểu tượng chỉ dẫn địa lý quốc gia: Dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Thông tư liên tịch số 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN và các quy định hiện hành.
Thông tư số 75/2021/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 25-10-2021, thay thế Thông tư số 14/2019/TT-BTC ngày 15-3-2019.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.