(HNM) - Với khoảng hơn 3 triệu bản sách đã được bán ra, tổng doanh thu tạm tính hơn 12 tỷ đồng, Hội sách tại Công viên Thống Nhất - Hà Nội do Bộ Thông tin - Truyền thông tổ chức trong những ngày vừa qua được xem là thành công.
Không chỉ là bán - mua sách
Nhiều NXB, đơn vị phát hành cho rằng, với một hội sách dù là do Cục Xuất bản - In - Phát hành (Bộ TT-TT) tổ chức, việc có khá nhiều đơn vị tham gia là tín hiệu đáng mừng. Công chúng có dịp tiếp xúc với nhiều loại sách, giá cả hợp lý, bạn đọc cũng có dịp được giao lưu với tác giả... Bên cạnh những tên tuổi trong làng xuất bản, đáng chú ý là sự xuất hiện của nhiều đơn vị mới, những hình thức kinh doanh phát hành sách điện tử mang đến cảm giác một đời sống xuất bản sống động hơn. Nhưng, đúng như bà Hoa Phượng - Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Phụ nữ - nhận định thì hội sách không chỉ đáng chú ý bởi tạo cơ hội kinh doanh. Thành công quan trọng là ý thức định hướng bạn đọc, xây dựng môi trường văn hóa đọc đã được các đơn vị chú ý hơn nhiều ở hội sách này, thể hiện qua hàng loạt sự kiện giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm đọc sách, tiếp cận phương thức đọc mới.
Khách tham quan một gian hàng tại Hội chợ sách. Ảnh: Tùng Mai |
Có thể thấy trong buổi giao lưu của nhà văn Trang Hạ, ngoài việc chia sẻ những vấn đề về phụ nữ và cuộc sống, cây bút này cũng trả lời bạn đọc về việc cuốn truyện "Ngôn tình" tác động hay dở thế nào đối với bạn trẻ, nên lựa chọn sách thế nào trong từng giai đoạn trưởng thành. Thống kê của một số đơn vị cho thấy các đầu sách lịch sử, sách kỹ năng... bán chạy nhất ở hội sách. Điều này phản ánh phần nào xu hướng đọc sách có chọn lọc thông qua các hoạt động giao lưu, trò chuyện có tính định hướng. Muốn phát triển bền vững thì NXB phải xây dựng cộng đồng bạn đọc, góp phần phát triển văn hóa đọc, đó không chỉ là quan điểm riêng của NXB Phụ nữ, mà là mục tiêu chung của các đơn vị làm sách nghiêm túc trong giai đoạn hiện nay.
Nếu có điều gì còn cấn cá ở hội sách này thì có lẽ là việc quy hoạch, bố cục các gian hàng chưa chặt chẽ, hợp lý khiến hiệu quả kinh doanh của các đơn vị không đều nhau. Hội sách được triển khai trên một mặt bằng có quá nhiều lối rẽ, cảm giác ngóc ngách khiến người mua sách "toát mồ hôi" vì tìm kiếm gian hàng mình quan tâm. Một hội sách được quy hoạch rõ ràng không chỉ là câu chuyện hình thức, nó phản ánh mức độ chuyên nghiệp trong khâu tổ chức, tác động đến hiệu quả bán - mua - đọc sách và chất lượng các hoạt động mang tính cộng đồng khác.
Mua rồi, đọc thế nào cho hiệu quả?
Đọc sách như thế nào là vấn đề đặc biệt quan trọng. Nếu không có mục tiêu và phương pháp cụ thể, dẫu có sách, sự đọc chắc chắn chưa thể trọn vẹn.
Ngày 23-4, Bộ VH,TT&DL đã tổ chức buổi giao lưu thú vị giữa một nhà tiên phong của phong trào cổ súy cho văn hóa đọc tại Hàn Quốc với bạn đọc và giới truyền thông Việt Nam. Từ đây, thấy rõ các hoạt động xoay quanh việc phát hành sách và đọc sách đều phải hướng đến những mục tiêu cụ thể... Trong cuộc trò chuyện, ông Park Chul Won - Chủ tịch trụ sở Phong trào văn hóa đọc Hanuri cho rằng: "Đọc sách là để phát triển nhân tài cho quốc gia". Theo ông, đọc sách đúng nghĩa là phải tuân thủ phương thức "5 trong 1", trong đó nhất thiết cần có hỏi đáp, viết luận, trình bày... Qua cách đọc này, bạn đọc, nhất là trẻ nhỏ sẽ hình thành năng lực tư duy tổng hợp cùng nhiều kỹ năng quan trọng khác để phát triển bản thân, từ đó mới có thể đóng góp cho cộng đồng, đất nước. Mặc dù vậy, đáng tiếc là phần nhiều phụ huynh chưa được trang bị kỹ năng cùng trẻ đọc sách, không dành nhiều thời gian cho công việc quan trọng này. Ông cũng cho rằng các thư viện không thể chỉ là nơi xếp sách và cho mượn sách, nó phải là trọng tâm, là linh hồn phát động phong trào đọc sách. 25 năm làm công việc khơi dòng văn hóa đọc một cách có mục tiêu cụ thể như trên, ông cho biết đã có hơn 100 nghìn em nhỏ và trên 63 nghìn phụ huynh Hàn Quốc tham gia đọc sách hoặc theo các khóa học tại đây.
Thật ra nguyên lý đọc sách nói trên không hẳn mới. Ai đã đọc Nguyễn Duy Cần (hiệu Thu Giang/1907-1998), học giả nổi tiếng với bộ biên khảo triết học, sách về phương pháp học tập, tư duy đều biết ông từng nhấn mạnh nguyên lý này. Rằng, đọc sách nhiều mà không chọn lọc cũng như đọc sách không đúng cách, không có phản biện, suy nghĩ thì đọc cũng vô ích.
Rõ ràng, kinh doanh sách là kinh doanh một thứ hàng hóa đặc biệt và vì thế, cách đưa nó đến với bạn đọc cũng như yếu tố "hướng dẫn sử dụng" cũng phải được coi trọng ngang tầm. Gần đây, ngay trong lực lượng làm công tác xuất bản, ngày càng thấy có nhiều người quan tâm đến vấn đề này. TS Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Thái Hà Books là người say sưa tham gia nói chuyện về văn hóa đọc bên cạnh việc tìm kiếm sách hay. Một trong những thành công đáng nói từ hội sách vừa rồi, theo người viết không phải chỉ ở số đầu sách bán ra mà là ở tinh thần quảng bá và đón nhận sách. Alphabooks tổ chức cuộc tọa đàm "Tuổi trẻ đọc gì?", một câu hỏi tưởng dễ nhưng để trả lời cho hết nhẽ thì cần một thái độ đọc đúng đắn. Thái Hà Books tổ chức chung kết cuộc thi "Tôi đọc sách", không có gì ngoài mục tiêu tạo dựng cơ sở cần thiết cho sự đọc đúng đắn. Bên cạnh đó, một chuyển động đáng chú ý khác là hội sách gắn liền với các hoạt động vì cộng đồng. Mô hình "Sách hóa nông thôn" của Nguyễn Quang Thạch vẫn thu hút bạn đọc, một lần nữa cho thấy việc bán sách, mua sách, đọc sách cùng điểm chung không thể khác là nhằm phát triển cộng đồng, nâng cao đời sống tinh thần xã hội.
Nếu như từ việc chọn sách, đọc sách đúng cách, các giá trị tốt đẹp chuyển hóa vào hành động hằng ngày của mỗi người thì quả thật thành công của các hoạt động như hội sách vừa qua chắc chắn lớn hơn rất nhiều con số 3 triệu bản sách đã được bán ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.