(HNM) - Màu lịch 2012 rực rỡ trên nhiều con phố lớn của Hà Nội, trong những cửa hàng sách và văn phòng phẩm ở đâu cũng có, mang theo cảm nhận đầu tiên về hương vị Tết 2012. Sự phong phú về mẫu mã, chủng loại không hề giảm sút dù tình hình kinh tế chung còn không ít khó khăn.
Ra quân sôi động
Năm nay, không còn cuộc "chung mâm" của 55 NXB với một tổng đại lý phát hành. Không ít NXB đã ra làm riêng, từ đầu tháng 10 đã thấy những "nhà" làm lịch quen thuộc như Trí Đức, An Hảo, Văn Lang… ra quân. Vẫn hết sức đa dạng về hình thức, mẫu mã, lịch 2012 phục vụ người dân từ các loại lịch bloc (tiểu, trung, đại, siêu đại đến cực đại), lịch bàn, lịch tờ, lịch sổ… Nội dung phong phú từ thông tin chính trị, khoa học công nghệ, văn hóa, nghệ thuật đến lịch sử, địa lý… Có thể thấy tình hình kinh tế chung trên thế giới được dự báo là khó khăn, nhưng món hàng thời vụ này vẫn xuất hiện không hề dè dặt. Các đơn vị phát hành đều khẳng định giá lịch tăng từ 15% đến 20% so với năm ngoái (do giá giấy và công in tăng), nhưng sẽ không quá ảnh hưởng đến sức mua của người dân (?).
Nhiều nhà xuất bản đã liên kết với các nhà sách và mở rộng hệ thống đại lý để phát hành lịch. Ảnh: Viết Thành |
Sản phẩm nhìn thấy là vậy, nhưng phía sau đó là cả một câu chuyện về "thế trận" năm nay. Savina, tổng đại lý phát hành lịch (cho 55 NXB) năm ngoái, nay đã không còn giữ được vị trí ấy nữa. Đại diện đơn vị này cho biết: Nếu như năm ngoái có 5 NXB làm riêng thì năm nay con số đó đã là 15 NXB. Thị phần thực tế đã giảm đáng kể nhưng đơn vị này khẳng định với người tiêu dùng rằng Savina vẫn sẽ là một thương hiệu phát hành lịch, địa chỉ tin cậy cho người mua. Bên cạnh website savina.com.vn, Savina đã có thêm kênh quảng bá mới là thegioilich.blogspot.com.
Còn nhớ mùa lịch năm ngoái, trên cơ sở tổng kết phương thức xuất bản lịch bloc theo kiểu "mạnh ai nấy làm" trong 4 năm trước đó (2005-2009), Hội Xuất bản Việt Nam đã kêu gọi các NXB ngồi lại với nhau, bắt tay làm lịch để bảo đảm sự bình đẳng giữa các đơn vị về số lượng, chủng loại, cân đối cung - cầu, tránh in lậu, thất thoát nguồn thu thuế của Nhà nước… Hướng đi ấy đã thành hiện thực và sau một "vụ" với kẻ thua, người thắng, tổng kết mùa lịch 2011 có thể thấy ưu điểm lớn nhất là chất lượng sản phẩm và độ an toàn kinh doanh của các NXB. Song, trong thực tế, cuộc liên kết lớn này cũng bộc lộ những hạn chế, mà rõ nhất là độ nhạy bén thị trường cũng như khả năng ứng biến linh hoạt trong cả việc in ấn lẫn tổ chức phát hành. Quả thật, những "nhà" thiếu vốn, chưa quen "chiến trận" đã lộ rõ sự lúng túng, thua đứt phía tư nhân vốn nhiều năm lăn lộn với thương trường.
Bởi thế, mặc dù cuối năm ngoái, phương hướng xuất bản lịch 2012 vẫn nêu rõ "tích cực vận động, thuyết phục để 100% NXB tự nguyện tham gia các nhóm liên kết với tinh thần vì lợi ích chung của cộng đồng, vì sự tồn tại và phát triển của ngành xuất bản" nhưng sự thật là đến năm nay, non nửa NXB đã từ bỏ cuộc chơi chung, bán giấy phép cho các đơn vị liên kết. Với mức trần số lượng mà ngành xuất bản đặt ra là 280 nghìn bản lịch bloc cho một NXB, có nhiều đơn vị liên kết đã bắt tay một lúc với nhiều NXB để có đủ số lượng lịch phát hành như mong muốn. Ví như Văn Lang xin giấy phép ở hai NXB Y học và Thanh Hóa, nâng tổng số lịch lên 560 nghìn bản. Nhiều đơn vị còn liên kết với các nhà sách để mở rộng kênh phát hành. Đa số các đơn vị làm lịch đã chuẩn bị số lượng theo các hợp đồng đặt hàng của các cơ quan, tổ chức, chứ lịch bán lẻ gần như không phải là mối quan tâm lớn của họ.
Nói một cách công bằng thì người mua không quan tâm nhiều đến liên kết nhóm lớn, hay nhóm nhỏ. Họ cần bảo đảm lịch đừng sai ngày tháng, in ấn đẹp và giá cả đừng quá "trên trời". Nhưng đối với Nhà nước thì có quá nhiều việc phải quan tâm.
Lịch bloc có nội dung phong phú, in ấn đẹp. Ảnh: Viết Thành |
Rủi ro vẫn rình rập
Năm nay, người mua sẽ thấy trên mỗi bản lịch bloc có tem chống giả do Cục Xuất bản (Bộ TT-TT) phát hành. Mỗi tem có một mã số, sau khi cào lấy số có thể kiểm tra thật - giả. Song, chính những người trong giới làm lịch cho rằng chưa vào lúc mùa lịch rộ thì chưa thể khẳng định là đủ hay thiếu hàng, cũng chưa thể chắc chắn là liệu năm nay có xuất hiện hàng giả hay không. Những người mau mắn còn đặt vấn đề, rằng nếu có hàng giả thì liệu phương án xử lý có bảo đảm tính răn đe, có đủ để bảo vệ quyền lợi chính đáng của phía "làm ăn tử tế". Họ lo là phải, bởi nhìn lại vẫn còn "nhức đầu" với bản tổng kết mùa lịch 2011 của Hội Xuất bản Việt Nam, rằng "việc xử lý các hành vi vi phạm theo kết quả kiểm tra còn chưa kiên quyết, kịp thời dẫn đến những diễn biến phức tạp ở giai đoạn cuối vụ, làm ảnh hưởng đến kết quả chung của vụ lịch".
Kinh doanh lịch cũng có sự cạnh tranh quyết liệt, trong đó chiết khấu là một thứ vũ khí lợi hại, nơi nào sử dụng linh hoạt thứ vũ khí ấy thì dễ thắng to. Nói vậy là bởi bên cạnh chất lượng, giá cả bao giờ cũng là yếu tố quan trọng, tác động mạnh mẽ tới thành bại.
Muốn rẻ thì phải có chiết khấu cao, đủ để đưa giá về gần với mức giá của dân buôn hàng giả, hàng nhái, hàng in lậu; nhưng cao quá, đến 40-50% thì hết lãi.
Có thể nói món hàng văn hóa không thể thiếu mỗi dịp năm hết Tết đến này có thể mang lại "mùa vàng" cho người kinh doanh, nhưng tính chất thời vụ của nó cũng chứa đầy sự rủi ro. Và từ "thế trận" mới, mỗi năm một khác sẽ tiếp tục vỡ ra những bài học mới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.