Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mua giấy phép lái xe giả: Tiền mất, tật mang!

Ngân - Hiệp| 02/06/2020 06:15

(HNM) - Đánh vào tâm lý của một bộ phận người dân muốn có giấy phép lái xe nhưng không phải học, trên nhiều trang web, mạng xã hội đăng công khai dịch vụ làm giấy phép lái xe giả các loại, giống thật 100% với mức giá rẻ. Đây là việc làm vi phạm pháp luật và để tránh "tiền mất, tật mang", người dân cần nêu cao cảnh giác.

Người dân có nhu cầu hãy thận trọng, không làm giấy phép lái xe giả từ quảng cáo trên mạng xã hội. Ảnh: Linh Ngọc

Dịch vụ trái phép, mua bán công khai

Chỉ cần gõ từ khóa "làm bằng lái xe" trên Google sẽ có cả danh sách dài các địa chỉ làm bằng lái xe giả giá rẻ, như “muabanggiare.vn”, “bangcapuytin247.com”, “chuyenbangtoanquoc.net”, “lambanggap”... Nội dung quảng cáo của các trang web này na ná giống nhau như làm bằng lái ô tô, xe máy theo yêu cầu, siêu tốc, uy tín, bảo mật, cam kết dịch vụ làm bằng lái xe chuẩn xịn, giống thật 100%...

Thay vì phải tham gia khóa đào tạo lái xe kéo dài vài tháng, dịch vụ làm giấy phép lái xe giả nhận cung cấp ngay trong ngày khi khách hàng có nhu cầu với quy trình đơn giản. Trong vai người có nhu cầu "mua" giấy phép lái xe ô tô, phóng viên Báo Hànộimới gọi điện thoại đến số 093xxxx998 ghi trên trang web “lambangsieutoc”, chúng tôi được hướng dẫn các thao tác: Cung cấp ảnh thẻ, thông tin cá nhân hoặc chụp chứng minh nhân dân hai mặt, gửi qua tin nhắn Zalo rồi chờ nhận hàng qua chuyển phát nhanh hoặc shipper. Khách hàng không cần đặt cọc, khi nhận hàng được kiểm tra thoải mái, ưng mới trả tiền. Giá cả làm giấy phép lái xe giả cũng đa dạng tùy theo hạng giấy phép, trung bình 2-4 triệu đồng/giấy phép lái xe, càng làm nhiều thì càng rẻ.

Anh Nguyễn Hữu Trường (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) chia sẻ: “Tôi vừa học xong khóa đào tạo lái xe ô tô hạng B2 có thời gian gần 4 tháng. Trước đó, tôi cũng nhận được nhiều tin nhắn quảng cáo dịch vụ làm giấy phép lái xe mà không cần học và thi, nhưng tôi nghĩ phải chấp hành pháp luật, trên hết là sự an toàn của bản thân và nhiều người khác”.

Trung tá Thiều Mạnh Ngọc, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 5 (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội) cho biết: “Vì dễ mua, không phải thi nên nhiều người đã liều mua giấy phép lái xe trên mạng để sử dụng. Trong quá trình xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, chúng tôi đã phát hiện các trường hợp sử dụng giấy phép lái xe giả và đã lập biên bản thu giữ”.

Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội tăng cường kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện và xử lý những lái xe sử dụng giấy phép lái xe giả. Ảnh: Phạm Đông

Xử lý nghiêm cả người mua và người bán

Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thành phố Hà Nội Bùi Danh Liên nhận định, sử dụng giấy phép lái xe giả giống như không có giấy phép lái xe, vì người điều khiển phương tiện chưa qua kỳ thi sát hạch để được công nhận tay lái. Việc không học các kỹ năng cơ bản về điều khiển phương tiện, quy tắc lái xe an toàn hay nắm rõ các quy định của Luật Giao thông đường bộ, các tình huống xử lý thực tế sẽ gây nguy cơ mất an toàn giao thông, gây hậu quả nặng nề cho xã hội.

Theo Trung tá Thiều Mạnh Ngọc, sử dụng giấy phép lái xe không do cơ quan có thẩm quyền cấp sẽ bị xử lý phạt tiền 800.000-6.000.000 đồng tùy từng phương tiện sử dụng. Trường hợp tài xế cố tình sử dụng giấy phép lái xe giả để qua mắt cơ quan chức năng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 341, Bộ luật Hình sự 2017 về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức với mức phạt tù từ cải tạo không giam giữ đến 7 năm.

Theo Đại úy Tạ Xuân Hậu, Đội Cảnh sát giao thông số 14 (Tổ trưởng tổ công tác Y24/141, Công an thành phố), có nhiều cách phân biệt giấy phép lái xe giả, từ vật liệu làm ra, cho đến tem kiểm định nên không dễ gì qua mặt được lực lượng chức năng. Người dân cũng dễ dàng nhận biết giấy phép lái xe giả bằng cách tra cứu theo hướng dẫn của ngành Giao thông - Vận tải.

Luật sư Nguyễn Hồng Thái, Công ty Luật Hilap, cho biết: Tuy chưa có thống kê cụ thể về các trường hợp mua bán giấy phép lái xe giả bị bắt giữ, nhưng những thông tin trên thực tế cho thấy rất cần sự quan tâm sát sao của các cơ quan chức năng. Được biết, để xử lý tình trạng rao bán giấy phép lái xe, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã thống nhất với Cục Cảnh sát giao thông về chia sẻ dữ liệu quản lý để tiện tra cứu khi xử lý vi phạm. Chỉ cần đánh thông tin trên giấy phép lái xe là có thể phát hiện giấy phép lái xe thật hay giả, làm căn cứ để xử lý.

Về vấn đề này, Trung tá Trần Quang Vinh, Đội trưởng Đội Tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội) cho biết: Đợt tổng kiểm tra phương tiện giao thông cơ giới đường bộ lần này là cơ hội để kiểm tra, phát hiện người tham gia giao thông sử dụng giấy phép lái xe giả và không hợp lệ, điều mà trước đây nếu không phát hiện vi phạm thì không được dừng phương tiện để kiểm tra. Để chấm dứt tình trạng mua bán giấy phép lái xe công khai trên mạng, đơn vị sẽ tham mưu, đề xuất phương án xây dựng chuyên đề điều tra truy vết đối tượng giao dịch để xử lý nghiêm cả người bán và người mua giấy phép lái xe giả.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mua giấy phép lái xe giả: Tiền mất, tật mang!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.