Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mua bán đúng chỗ - phố xá văn minh

Thanh Hiền| 11/10/2018 05:52

(HNM) - Sau hơn một năm triển khai, Đề án “Thí điểm quản lý các cửa hàng kinh doanh trái cây trên địa bàn các quận nội thành của TP Hà Nội” đã đạt được kết quả rõ nét.


Thời gian gần đây, ai đi trên các tuyến đường như Nguyễn Thị Định, Trần Duy Hưng, Trung Kính, Cầu Giấy... thuộc địa bàn quận Cầu Giấy đều nhận thấy sự thay đổi rõ rệt. Chủ các cửa hàng không bày bán hàng trên vỉa hè, không có người dừng đỗ bán hàng sai quy định…

Người tiêu dùng mua hoa quả có đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ tại cửa hàng số 72 Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy).


Ông Trần Việt Hà, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy cho biết, triển khai chủ trương của thành phố thí điểm mỗi quận có một tuyến phố không kinh doanh trái cây dưới lòng đường, vỉa hè, đến nay quận đã xây dựng được 8 tuyến phố. Theo đó, tại các phường khi triển khai đã tổ chức tuyên truyền, ký cam kết, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm và xóa bỏ các điểm kinh doanh trái cây lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, nơi công cộng...

Tại quận Long Biên, lực lượng chức năng thường xuyên tuần tra trên các tuyến đường Ngọc Lâm, Nguyễn Văn Cừ, Ngô Gia Tự, khiến ý thức người dân có sự thay đổi rõ rệt. Trong khi đó, tại quận Thanh Xuân, đến nay trên 11 tuyến phố đăng ký không kinh doanh trái cây dưới lòng đường đã cơ bản giải quyết tình trạng vi phạm trật tự đô thị, bảo đảm văn minh thương mại.

Để duy trì tốt kết quả trên, tránh tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trần Việt Hà cho biết, ngoài thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền, quận đã ứng dụng thiết bị thông minh được thiết lập từ tổ dân phố để giám sát và phát hiện các trường hợp vi phạm trật tự đô thị, vệ sinh môi trường. Mỗi người dân khi phát hiện trường hợp vi phạm có thể chụp ảnh và gửi qua mạng internet về cơ quan chức năng để kịp thời xử lý.

Trong khi đó, theo chị Nguyễn Nguyệt Anh (quận Hoàn Kiếm): “Tôi rất ủng hộ đề án của thành phố. Tuy nhiên, cũng cần phải xây dựng hoặc quy hoạch những điểm bán trái cây tập trung để người bán hàng có nơi buôn bán, cơ quan quản lý kiểm soát được dễ dàng chất lượng, nguồn gốc hàng hóa”.

Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Lê Hồng Thăng cho biết, đến thời điểm hiện tại, thành phố đã xây dựng được 33 tuyến phố không kinh doanh trái cây dưới lòng đường, vỉa hè. UBND các quận đang tiếp tục rà soát, bố trí các vị trí kinh doanh trái cây tại các chợ xây dựng mới trên địa bàn để giới thiệu cho các hộ có nhu cầu vào kinh doanh.

"Đến nay, người tiêu dùng đã dần hình thành thói quen mua sắm tại các cửa hàng kinh doanh trái cây được cấp biển nhận diện. Tuy nhiên, vẫn còn không ít người giữ thói quen mua sắm tại các cửa hàng kinh doanh trái cây lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, không có trang thiết bị bảo quản, chất lượng trái cây không bảo đảm" - ông Lê Hồng Thăng nhấn mạnh.

Từ nay đến cuối năm 2018, Chi cục Quản lý Thị trường Hà Nội tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm tình trạng kinh doanh dưới lòng đường, vỉa hè đối với các tuyến phố còn lại của 12 quận, phấn đấu hết năm 2018 không để tiếp diễn và tái phạm. Về phía các quận, cần tiếp tục rà soát quỹ đất trống, nhất là tại các chợ dân sinh để giới thiệu, bố trí các hộ kinh doanh trên lòng đường, vỉa hè vào vị trí đúng quy định, bảo đảm an toàn thực phẩm...

Cùng với sự vào cuộc của các sở, ngành chức năng, đề án chỉ thực sự mang lại hiệu quả khi người tiêu dùng hiểu được ý nghĩa của việc mua trái cây tại các cửa hàng kinh doanh được cấp phép đúng quy định. Qua đó nâng cao nhận thức trong vấn đề bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình cũng như góp phần gìn giữ cảnh quan, văn minh đô thị.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mua bán đúng chỗ - phố xá văn minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.