(HNM) - Danny Jordaan đã phải mất 16 năm để cùng nhân dân nước ông và Nelson Mandela đưa giải bóng đá thế giới đến với đất nước Nam Phi. Trong niềm xúc động vô bờ, vị Chủ tịch Chấp hành Ban Tổ chức World Cup 2010 đã nói: "Tôi tin chắc đây sẽ là một giải vô địch bóng đá thế giới ngoạn mục mà cả thế giới được chứng kiến".
Jordaan cười khản cả giọng khi nhớ lại những năm tháng buồn tủi dưới thời Apartheid, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc hoành hành. Ông nói: "Dạo đó kinh tế kiệt quệ, tội ác và an ninh không thể kiểm soát nổi. Rồi tới những ngày tranh đấu. Chúng tôi có biết bao hy sinh mất mát. Chúng tôi vẫn nghĩ "Ơn Chúa! Chúng con sẽ được chứng kiến ngày giải phóng đất nước này". Chúng tôi không hoài nghi vào chiến thắng của nền dân chủ. Chúng tôi không hoài nghi vào sự cáo chung của Apartheid. Ngay sau khi lên nắm quyền, điều đầu tiên Mandela nói với tôi: "Chúng ta bắt đầu mơ ước về một giải vô địch bóng đá thế giới diễn ra ở Nam Phi". Chúng tôi làm theo mơ ước của Mandela và mơ ước đã biến thành sự thật".
Câu chuyện của Jordaan bắt đầu khi ông mới 16 tuổi, bị xếp vào diện những người da đen và da màu. Ông bị trục xuất tàn nhẫn khỏi hải cảng Port Elizabeth. Đó là năm 1968, theo hiệp ước của các nhóm chính trị, những người không phải da trắng đều bị trục xuất khỏi quê hương. Họ chứng kiến cảnh sát bao vây các căn nhà, cướp đi của cải. Nhà của họ bị xe ủi húc đổ. Cha mẹ, chị em họ bất lực. Jordaan kể về những ngày đầu tiên làm theo hướng dẫn của Mandela chuẩn bị cho World Cup 2010. Đầu tiên, FIFA nói thẳng, tổ chức World Cup là sự sống còn của bóng đá thế giới và nước xin đăng cai phải tổ chức thật tốt, bán được vé và phần của FIFA là 3 tỷ đôla! "Mandela đã giải thích cho chúng tôi biết khoản tiền ấy có từ đâu và sẽ thu được bằng cách nào. Thế là chúng tôi càng quyết tâm xin được tổ chức" - Jordaan nói.
Bằng ánh mắt tràn đầy hạnh phúc, người đàn ông da đen này nhìn World Cup đang diễn ra ở Soccer City tại Soweto mà cảm khái: "Sân bóng gần 100.000 khán giả chật cứng. Tại Soweto, những người da trắng và da đen đi bên nhau cười nói chung bằng ngôn ngữ Nam Phi. Điều này là kỳ diệu. Những ô tô, xe máy của người da đen và da trắng cắm cờ tổ quốc bay phần phật trên các nẻo đường. Nelson Mandela mặc bộ đồ thi đấu của Bafana Bafana (đội tuyển Nam Phi). Các quan chức Chính phủ và Phủ Tổng thống những ngày bóng đá này mặc quần áo mang sắc vàng rực rỡ của đội tuyển Nam Phi tới công sở làm việc. Đúng là chỉ bóng đá mới có thể đem lại những hình ảnh ấy!".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.