Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một văn kiện có giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại

Nhóm PV Nội chính - Xây dựng Đảng| 28/08/2014 06:09

(HNM) - Di chúc của Người là sự kết tinh những giá trị lịch sử, văn hóa, thể hiện cô đọng trí tuệ, nhân cách của một lãnh tụ cách mạng kiệt xuất, một nhà văn hóa lớn của dân tộc...

LTS: Chủ tịch Hồ Chí Minh đi vào cõi vĩnh hằng, để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta một bản Di chúc thiêng liêng. Di chúc của Người là sự kết tinh những giá trị lịch sử, văn hóa, thể hiện cô đọng trí tuệ, nhân cách của một lãnh tụ cách mạng kiệt xuất, một nhà văn hóa lớn của dân tộc. Mỗi câu, mỗi chữ trong bản Di chúc đều chứa đựng những suy nghĩ, chắt lọc sâu sắc từ thực tiễn lãnh đạo cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đã dành cả cuộc đời cho nước, cho dân. Với tư tưởng, giá trị lý luận và thực tiễn to lớn, có thể coi Di chúc của Người là tài sản vô giá của dân tộc. Báo Hànộimới mở chuyên mục "45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh" nhằm góp phần khẳng định những giá trị trường tồn của Di chúc - nguồn sức mạnh dẫn dắt toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta trên con đường bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước; đồng thời khơi dậy tinh thần tích cực học tập và làm theo tấm gương của Người trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Một văn kiện có giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại

Theo nhiều học giả, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là kết tinh những tinh hoa đạo đức và nhân cách cao đẹp của Người, chứa đựng những nội dung cơ bản, những quan điểm cốt yếu của tư tưởng Hồ Chí Minh và vạch ra phương hướng phát triển cho cách mạng Việt Nam cả hôm nay và mai sau... Do vậy, Di chúc của Người không chỉ là một văn kiện có giá trị lịch sử mà còn mang ý nghĩa thời đại sâu sắc.

Đọc Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi người Việt Nam đều trào dâng niềm xúc động trước tình cảm lớn lao Người dành cho đất nước, dân tộc và cho mỗi con người Việt Nam. Như nhà thơ Tố Hữu đã viết: Bác để tình thương cho chúng con/ Một đời thanh bạch, chẳng vàng son/ Mong manh áo vải hồn muôn trượng... Di chúc của Người là lời căn dặn trước lúc đi xa của một lãnh tụ cách mạng kiệt xuất, một nhà văn hóa lớn của dân tộc, tuy ngắn gọn nhưng chứa đựng nhiều chiêm nghiệm, của một người đã dành cả cuộc đời vì nước, vì dân, và cùng với đó là một tình yêu thương vô bờ bến đối với đồng bào, đồng chí. Trong bản Di chúc của Người, “ĐẢNG” và “DÂN” có vị trí đặc biệt.

Như chúng ta đã biết, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện đặc biệt, được viết trong một bối cảnh lịch sử đặc biệt. Chủ tịch Hồ Chí Minh bắt đầu viết Di chúc vào 9h sáng 10-5-1965, dịp Người tròn 75 tuổi. Chọn đúng vào một ngày tháng Năm, nhân dịp sinh nhật mình; chọn đúng vào lúc 9h, giờ đẹp nhất của một ngày; chọn đúng vào lúc sức khỏe tốt nhất trong những năm gần đây… để viết về ngày ra đi của mình… (Hồi ký của đồng chí Vũ Kỳ, thư ký riêng của Bác). Rồi từ đó, vào dịp tháng 5 hằng năm, Người lại dành thời gian để chỉnh sửa Di chúc, bản sửa cuối cùng vào năm 1969. Bút tích trong các bản Di chúc đã cho thấy, đây là văn bản được Người tập trung thời gian, suy nghĩ, chỉnh sửa nhiều nhất (so với các văn bản có bút tích của Người để lại). Điều đó thể hiện tấm lòng vô bờ bến của vị lãnh tụ đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc và tương lai của đất nước. Mỗi chúng ta có trách nhiệm suy nghĩ và thực hiện Di chúc của Người để vững bước hơn trên những chặng đường đầy khó khăn, thách thức phía trước.

Những lời căn dặn đầu tiên trong Di chúc của Người dành cho Đảng và việc đầu tiên được người nhấn mạnh là thực hành đoàn kết, thực hành dân chủ trong Đảng: Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình. Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng. Phải có tình đồng chí thương yêu lẫn nhau... Đoàn kết thống nhất trong Đảng là nền tảng vững chắc để xây dựng khối đoàn kết trong nhân dân. Đảng đoàn kết, gắn bó máu thịt với nhân dân sẽ tạo nên những nguồn lực mạnh mẽ, đưa dân tộc vượt qua gian nan, thử thách. Do vậy, đoàn kết trong Đảng là điều hệ trọng và quyết định đối với thắng lợi của sự nghiệp cách mạng và sự bền vững của chế độ. Trước khi đi xa, Người căn dặn: Giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình là vì vậy. Cũng theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, đoàn kết trong Đảng phải biểu hiện ở cả tư tưởng và hành động. Đoàn kết không phải là ngoài miệng mà phải đoàn kết trong công tác, trong tự phê bình và phê bình, giúp đỡ nhau bằng tình cảm cách mạng trong sáng, tình thương yêu đồng chí.

Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân. Người dặn cán bộ, đảng viên phải không ngừng rèn luyện đạo đức cách mạng để Đảng ta ngày càng xứng đáng với vai trò to lớn mà lịch sử mà nhân dân đã giao phó. Người hiểu rõ tính hai mặt của quyền lực và nguy cơ của sự “tha hóa quyền lực”. Người cũng nhận thấy nguy cơ của sự mất dân chủ, sự lạm quyền và tư lợi nếu mỗi cán bộ, đảng viên không thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Trong Di chúc, viết năm 1968, Người đã đề cập tới sự cần thiết phải chỉnh đốn lại Đảng: Việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng, làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm, toàn ý phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Và lời dặn ấy vẫn vẹn nguyên tính thời sự khi việc khắc phục tình trạng suy thoái tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên là những cán bộ lãnh đạo, quản lý đang ngày càng trở nên cấp thiết.

Dân là gốc, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Trong bầu trời không gì quý bằng Nhân dân. Trong thế giới không có gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của Nhân dân. Nếu biết dựa vào nhân dân thì việc gì cũng xong, Người đặt trọn niềm tin vào nhân dân trong vai trò quyết định đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: Bất kỳ địa vị nào, làm công tác gì, chúng ta đều là đầy tớ nhân dân. Cơm chúng ta ăn, áo chúng ta mặc, vật liệu chúng ta dùng đều do mồ hôi nước mắt của nhân dân mà ra. Vì vậy chúng ta phải đền bù xứng đáng cho nhân dân. Trước lúc đi xa, Người nhắn nhủ: Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Di chúc đã thể hiện một tình thương bao la đối với người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế. Từ trái tim, Người viết: Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng. Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn, và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế… Và mong muốn cuối cùng của Người là Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện tầm suy nghĩ sâu rộng của một lãnh tụ cách mạng kiệt xuất trên nhiều lĩnh vực. Theo GS.TS Hoàng Chí Bảo, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, Di chúc là một thiết kế toàn diện về đổi mới, là tầm nhìn chiến lược cho tương lai, thể hiện quan điểm thực tiễn, quan điểm đổi mới và quan điểm phát triển của Chủ tịch Hồ Chí Minh... Nguồn sáng trí tuệ từ những lời căn dặn trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đang dẫn dắt chúng ta tiếp bước trên con đường mà Người đã lựa chọn.

(HNM) - Ngày 27-8, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học "45 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (9/1969-9/2014). Phát biểu đề dẫn hội thảo, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Tạ Ngọc Tấn khẳng định, những điều căn dặn và mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong bản Di chúc thật giản dị nhưng rất đỗi thiêng liêng và thấm đẫm tinh thần bất hủ. Nhận thức rõ những giá trị đó những năm qua, Đảng, Nhà nước ta luôn đẩy mạnh những hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, phong cách, đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực tiễn cuộc sống hiện nay.

Tại hội thảo, các nhà khoa học đã cùng trao đổi, thảo luận và làm rõ những nội dung trong bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhiều lĩnh vực... Các tham luận đều đánh giá cao bản Di chúc của Bác như một sự kết tinh những tinh hoa văn hóa của dân tộc, tình yêu của Bác với nhân dân.

Quốc Bình

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một văn kiện có giá trị lịch sử và ý nghĩa thời đại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.