Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một tuần, xảy ra 5 vụ cháy trên địa bàn Hà Nội: Thủ phạm là ý thức?

Thành Tâm| 08/06/2013 06:35

(HNM) - Sáng 7-6, một vụ cháy xảy ra tại khu vui chơi thiếu nhi Mỹ Đình trở thành vụ cháy thứ 5 liên tiếp trên địa bàn Hà Nội chỉ trong vòng một tuần...


Xe thang cứu hỏa chưa đáp ứng được việc chữa cháy tại nhà cao tầng.



Thiết bị PCCC vừa thiếu, vừa cũ

Theo báo cáo của Bộ Công an, qua hơn 10 năm thực hiện Luật PCCC, Chính phủ, các bộ, ngành, tập đoàn, tổng công ty, UBND các cấp đã tăng cường đầu tư xây dựng lực lượng và trang bị phương tiện cho lực lượng PCCC, chú trọng đầu tư các hoạt động PCCC tại các đơn vị, cơ sở. Tổng ngân sách nhà nước cấp cho hoạt động PCCC là khoảng 2.330 tỷ đồng và khoảng 37,5 tỷ đồng thu từ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc. Còn nguồn ngân sách địa phương đầu tư cho công tác PCCC chiếm 28,9% tổng đầu tư ngân sách cho công tác PCCC. Một số địa phương quan tâm đến công tác này là Đồng Nai - đầu tư 224,2 tỷ đồng, TP Hồ Chí Minh - 115,2 tỷ đồng và Hà Nội đã đầu tư 55 tỷ đồng.

Tuy nhiên, dù đã có nhiều cố gắng đầu tư kinh phí cho hoạt động PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) nhưng so với thực tế, số kinh phí trên vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Kinh phí đầu tư cho hoạt động PCCC trong vòng 10 năm mới chỉ chiếm khoảng hơn 0,1% GDP của cả nước trong một năm. Do vậy, phương tiện chữa cháy và CNCH của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH còn nhiều bất cập, lạc hậu. Trong khi tốc độ đô thị hóa cũng như các hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng nhanh thì năng lực PCCC chưa được cải thiện bao nhiêu.

Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội được đánh giá là một trong những đơn vị PCCC chuyên nghiệp mạnh, hiện có 10 phòng cảnh sát PCCC khu vực và 6 đội chữa cháy với hơn 800 chiến sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ chữa cháy, CNCH. Tuy nhiên, các thiết bị cho lực lượng hiện nay vừa thiếu vừa cũ. Lãnh đạo Sở cho biết, hiện toàn đơn vị chỉ có 145 xe các loại, trong đó chỉ có 5 xe công nghệ cao, 166 bộ quần áo chống cháy, 108 thiết bị thở… Trong nhiều vụ cháy nhà cao tầng, Cảnh sát PCCC lúng túng do thiết bị cứu chữa không vươn tới được những tầng cao, CBCS không đủ trang bị để áp sát dập lửa, cứu người. Như trong vụ cháy tòa nhà EVN (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, tháng 12-2011), CBCS phải chống khói độc bằng khăn ướt và tại vị trí cháy trên cao phải nhờ đến… bộ đội đặc công. Thêm nữa, hạ tầng cho PCCC ở Hà Nội chưa đạt chuẩn khi hệ thống đường sá chật chội, họng tiếp nước PCCC tại địa bàn công cộng mới chỉ đáp ứng được chưa đầy 20%...

Cháy… nỗi ám ảnh đô thị

Trong lúc năng lực chữa cháy còn thiếu hụt như đã nêu thì những vụ cháy liên tục trong tuần qua khiến dư luận không khỏi giật mình vì nguy cơ cháy luôn rình rập. Nếu như vụ cháy kho hàng tại phường Thanh Lương (quận Hai Bà Trưng) ngày 1-6 cho thấy nguy cơ cháy và tái cháy tiềm ẩn thì vụ cháy lớn tại cây xăng 2B Trần Hưng Đạo (chiều 3-6) làm dấy lên mối lo đáng lẽ phải được nhận thức từ lâu về những "quả bom xăng" giữa lòng đô thị. Về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội Nguyễn Văn Sơn cho biết, toàn thành phố có gần 500 cây xăng, trong đó không ít nằm trong phạm vi khu vực dân cư. Nguyên nhân của tình trạng đó chủ yếu do lịch sử để lại, nhiều cây xăng được xây dựng từ trước khi Luật PCCC có hiệu lực (năm 2001). Bên cạnh đó, nhiều điểm kinh doanh xăng dầu khi xây dựng bảo đảm điều kiện khoảng cách theo tiêu chuẩn nhưng do tốc độ đô thị hóa nhanh, kiểm soát trật tự xây dựng lỏng lẻo nên những công trình khác dần vi phạm hành lang an toàn.

Không chỉ các cây xăng mà cả các công trình xây dựng khác cũng có những bất cập trong PCCC. Trên địa bàn Hà Nội còn nhiều công trình nhà ở, chợ, kho tàng trong tình trạng cũ kỹ, không đáp ứng được tiêu chuẩn về PCCC, thoát hiểm theo quy định của Luật Xây dựng, Luật PCCC. Khi xảy ra hỏa hoạn tại những công trình này, công tác cứu chữa rất khó khăn, thiệt hại lớn. Đó là thực tế đã từng xảy ra tại khu nhà cũ ở phường Chương Dương (quận Hoàn Kiếm, tháng 8-2012) hay vụ cháy kho hàng trên đường Ngụy Như Kon Tum (quận Thanh Xuân, tháng 5-2009)… Ngay cả ở một vài công trình mới xây dựng gần đây, qua kiểm tra hoặc khi xảy ra cháy, cơ quan chức năng mới phát hiện vi phạm về an toàn PCCC.

Trong khi đó, ý thức phòng cháy của người dân và cả lãnh đạo các cơ quan, đơn vị còn rất hạn chế. Theo đánh giá của cơ quan CA, đây là một trong những nguyên nhân chính gây cháy và cháy lớn. Như vụ cháy tại cây xăng 2B Trần Hưng Đạo, cơ quan chức năng chỉ ra hàng loạt vi phạm chủ quan và nguyên nhân chính được xác định là do con người gây ra. Vụ cháy tại phố Quang Trung (quận Hai Bà Trưng, ngày 6-6) có nguyên nhân từ bất cẩn trong thắp hương. Trong một số vụ cháy khác, khi phát hiện có hỏa hoạn, lực lượng tại chỗ gần như tê liệt, không có kỹ năng xử lý ban đầu, để cháy lớn, cháy lan, rất khó cứu chữa…

Để nỗi lo về cháy và thiệt hại do cháy không trở thành nỗi ám ảnh đô thị, những hạn chế, bất cập như trên cần phải được khắc phục triệt để. Song đây lại không phải bài toán có thể giải quyết trong một sớm một chiều. Do đó, cùng với việc nâng cao năng lực của lực lượng PCCC và CNCH cần phải nâng cao ý thức của toàn xã hội trong công tác PCCC, hạn chế tối đa những vụ cháy do nguyên nhân chủ quan, xóa dần những bất cập về an toàn cháy nổ từ chính công tác quản lý, quy hoạch…

(HNM) - Ngày 6-6, UBND TP Hà Nội có công văn gửi các sở Công thương, Cảnh sát PCCC, UBND các quận, huyện, thị xã yêu cầu tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn.

Theo đó, Sở Công thương phối hợp với Sở Cảnh sát PCCC xây dựng kế hoạch công tác kiểm tra phòng, chống cháy nổ tại các cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn thành phố; trước mắt, tập trung thực hiện tại các cửa hàng xen kẽ trong khu vực đông dân cư, các cửa hàng trong danh mục phải cải tạo, nâng cấp. UBND TP Hà Nội chỉ đạo các cơ quan chức năng có liên quan kiên quyết thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu đối với các cơ sở vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy, báo cáo UBND TP trước ngày 30-7-2013. Đồng thời, Sở Công thương chủ trì, phối hợp cùng Sở Cảnh sát PCCC, UBND các quận, huyện, thị xã rà soát, phát hiện và kiên quyết xử lý, đề xuất phương án di chuyển, loại bỏ các cửa hàng không nằm trong quy hoạch mạng lưới xăng dầu đã được phê duyệt hoặc không đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu theo quy định của pháp luật, báo cáo UBND TP.

Đà Đông
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Một tuần, xảy ra 5 vụ cháy trên địa bàn Hà Nội: Thủ phạm là ý thức?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.