Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một quyết định cần thiết và kịp thời

Đức Anh| 07/01/2010 07:21

(HNM) - Mặc dù còn gần 90 ngày nữa các sàn giao dịch vàng mới phải chấm dứt hoạt động theo thông báo của Thủ tướng Chính phủ, nhưng hiện nay số lượng nhà đầu tư đến các sàn vàng đã giảm mạnh, thậm chí ở một số sàn chỉ còn 1/10 số lượng nhà đầu tư so với trước.


Đây là một quyết định kịp thời và cần thiết nhằm chấm dứt tình trạng "sốt" ảo giá vàng trên thị trường, trong khi lợi nhuận chỉ mang lại cho một số ít tập thể, cá nhân, mà lợi nhuận đó không thúc đẩy sản xuất phát triển làm tăng thêm của cải cho xã hội.

Khách mua, bán tại cửa hàng vàng bạc đá quý Bảo Tín Minh Châu.
Ảnh: Linh Tâm

Hoạt động sàn vàng: Tiềm ẩn nhiều rủi ro

Hiện nay, cả nước có khoảng hơn 20 sàn giao dịch vàng. Sàn giao dịch vàng đầu tiên tại Việt Nam là sàn giao dịch vàng ACB (thuộc Ngân hàng (NH) TMCP Á Châu) thành lập năm 2007. Ban đầu, sàn ACB là nơi bán buôn giữa các thành viên, với khối lượng giao dịch nhỏ. Tuy nhiên, kể từ khi ACB triển khai sản phẩm "Đầu tư vàng tại ACB" dành cho khách hàng cá nhân, khối lượng giao dịch tăng mạnh. Trước nhu cầu tham gia giao dịch vàng của các cá nhân tăng mạnh và sức hấp dẫn về lợi nhuận thu được từ việc thành lập sàn giao dịch vàng, một số NH khác, doanh nghiệp kinh doanh vàng đã thành lập hàng loạt sàn giao dịch như sàn giao dịch vàng của các NH TMCP Việt Á, Phương Nam, Đông Á, Sacombank; các sàn vàng Phố Wall, Thế giới… Chỉ riêng sàn giao dịch vàng ACB ở thời điểm giao dịch sôi động nhất cũng có doanh số lên đến hơn 8.000 tỷ đồng/ngày. Ngay cả khi hoạt động của các sàn vàng có chững lại, dư nợ cho vay trên các sàn vàng cũng đạt hơn 2.000 tỷ đồng.

Do chưa có quy định về việc thành lập cũng như hoạt động của sàn vàng, nên các sàn tự đề ra quy chế giao dịch. Các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân chưa biết rõ rủi ro khi kinh doanh vàng trên tài khoản, nên đã xảy ra những tranh chấp, khiếu kiện giữa nhà đầu tư và đơn vị tổ chức sàn. Có những thời điểm, nhà đầu tư mất tiền triệu chỉ trong vài phút một cách vô lý cũng bởi những quy chế tự do của sàn vàng. Để chấm dứt những lộn xộn liên quan đến sàn vàng, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu không tổ chức và thực hiện việc kinh doanh vàng trên tài khoản trong nước dưới mọi hình thức. Chậm nhất là 90 ngày kể từ ngày có thông báo, mọi hoạt động liên quan đến kinh doanh sàn vàng và kinh doanh vàng trên tài khoản phải chấm dứt hoạt động. Điều này đồng nghĩa với việc sàn vàng sẽ phải đóng cửa chậm nhất là ngày 30-3-2010.

Về kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài đến nay đã có 11 NH thương mại và 8 DN hoạt động. Theo lãnh đạo NH Nhà nước, hoạt động kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài đã bộc lộ một số điểm hạn chế, gây nhiều rủi ro cho nhà đầu tư khi giá vàng thế giới có những biến động mạnh. Đó là chưa kể, chính các đơn vị này đã thành lập các sàn giao dịch vàng trong nước, mà thực chất là mua bán vàng trên tài khoản ở trong nước, gây nhiều biến động trên thị trường vàng trong nước thời gian vừa qua. Về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ đã giao NH Nhà nước bãi bỏ quy định về việc kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài.

Nhà đầu tư đã "bỏ" sàn

Ngay sau khi có thông báo của Thủ tướng Chính phủ, số lượng nhà đầu tư đến các sàn vàng đã giảm mạnh. Tại một sàn vàng trên phố Trần Hưng Đạo chỉ có vài nhà đầu tư. Những nhà đầu tư đến sàn cũng không thiết tha với chuyện giao dịch, mà chỉ ngồi chuyện phiếm về việc đóng cửa sàn vàng. Người tiếc rẻ cũng có, nhưng đa số nhà đầu tư đều cho rằng, việc đóng cửa sàn vàng vào lúc này là hợp lý, bởi thời gian vừa qua, hoạt động của nhiều sàn vàng quá phức tạp, nhất là trong điều kiện chưa có một quy định cụ thể nào cho loại hình kinh doanh này. Hơn nữa, mức ký quỹ khoảng 10% (nhà đầu tư chỉ có 10 triệu đồng, nhưng có thể vay 100 triệu đồng để "chơi" trên sàn vàng), thậm chí có sàn chấp nhận mức ký quỹ 2% gây rủi ro không chỉ với nhà đầu tư, mà còn với cả chính chủ sàn vàng, bởi biên độ giao động của giá vàng quá lớn, có những thời điểm cách nhau vài trăm nghìn/lượng chỉ trong vài giờ.

Hầu hết các sàn vàng đang thành lập tổ thanh lý tài sản, cắt giảm lao động… Theo lãnh đạo sàn IGI, việc đóng cửa sàn không gặp nhiều khó khăn, vì công ty kinh doanh nhiều dịch vụ nên có thể chuyển cán bộ sang các bộ phận kinh doanh khác. Đại diện sàn giao dịch vàng ACB cho biết, sàn sẽ chấm dứt hoạt động đúng thời điểm quy định; các quyền lợi của khách hàng sẽ được thực hiện đúng như hợp đồng đã ký. Một số sàn vàng khác cũng đã gửi thông báo thời gian ngừng giao dịch đến khách hàng là ngày 30-3-2010, nhưng từ nay đến sát thời điểm đó vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, không phải sàn vàng nào cũng suôn sẻ. Đại diện một sàn vàng mới hoạt động từ đầu tháng 12-2009 cho biết, do kinh doanh chưa lâu, nên việc đóng cửa sàn vàng cũng khiến doanh nghiệp gặp khó khăn, vì chưa kịp thu hồi vốn. Toàn bộ số vốn đầu tư cho việc thuê mặt bằng, đầu tư thiết bị… coi như mất. Thời gian để dừng hoạt động sàn là đến ngày 30-3-2010, nhưng trên thực tế hiện nay một lượng lớn nhà đầu tư đã "bỏ" sàn để chuyển vốn vào kênh đầu tư khác.

Ngày 6-1, UBND thành phố đã có văn bản về việc tăng cường quản lý và chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vàng và ngoại tệ trên địa bàn Hà Nội. Theo đó, UBND thành phố yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh TP Hà Nội chủ trì, phối hợp với các ban, ngành liên quan giám sát, kiểm tra các tổ chức, cá nhân liên quan đến sàn giao dịch vàng và kinh doanh vàng trên tài khoản phải chấm dứt hoạt động dưới mọi hình thức. NHNN chi nhánh Hà Nội cần thường xuyên kiểm tra, chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vàng và ngoại tệ theo đúng quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một quyết định cần thiết và kịp thời

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.