(HNMO) - Ngày 31-3, theo tin từ Bệnh viện Bạch Mai, Trung tâm Chống độc của bệnh viện vừa tiếp nhận bệnh nhân nữ (37 tuổi, ở huyện Gia Lâm, Hà Nội) nhập viện trong tình trạng hôn mê, co giật sau 4 ngày uống cà phê giảm cân.
Theo lời kể của bệnh nhân, sau khi sinh con thứ 3, chị tăng cân khá nhiều, ảnh hưởng đến vóc dáng. Sau đó, chị được đồng nghiệp giới thiệu một loại cà phê giảm cân rất hiệu quả, uống 1 tuần có thể giảm được 4 kg, chị đã mua 1 hộp (30 gói) với giá 550.000 đồng và mỗi sáng uống 1 gói.
“Cà phê này có vị ngọt thơm như cà phê sữa. Khi uống đến ngày thứ 4, sau uống 15 phút, tôi có cảm giác khó thở, lạnh toát và háo nước. Thân nhiệt hạ thấp đột ngột, phải bật quạt sưởi và đắp chăn bông vẫn thấy lạnh”, nữ bệnh nhân cho biết.
Sau khi xuất hiện các biểu hiện trên, bệnh nhân được người nhà đưa vào bệnh viện huyện. Sau đó, bệnh nhân được chuyển thẳng đến Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) trong tình trạng khó thở rồi hôn mê và co giật.
Kết quả chụp cắt lớp cho thấy, não của bệnh nhân bị tổn thương. May mắn, sau khi nhập viện, bệnh nhân được các bác sĩ hồi sức cấp cứu, hỗ trợ hô hấp kịp thời nên tình trạng đã dần cải thiện.
Qua 10 ngày điều trị, đến nay, sức khỏe của bệnh nhân đã dần hồi phục. Tuy nhiên, di chứng có để lại hay không khi não bị tổn thương thì cần thêm thời gian kiểm tra mới có thể xác định được.
Điều đáng chú ý, kết quả giám định của Viện Pháp y cho thấy, trong loại cà phê giảm cân mà bệnh nhân sử dụng có chứa Sibutramine, một chất độc đã bị Bộ Y tế cấm sử dụng trong tân dược, thực phẩm chức năng vì những tác dụng nguy hiểm tới sức khỏe người dùng.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), chất Sibutramine có nhiều độc tính và tác dụng phụ, nguy cơ biến chứng về tim mạch, đặc biệt là đột quỵ và nhồi máu cơ tim cho nên cả Mỹ và châu Âu đã ngừng sử dụng từ năm 2010.
Các bác sĩ khuyến cáo: Giảm cân để làm đẹp là nhu cầu chính đáng của mọi người, nhất là đối với phụ nữ. Tuy nhiên, chị em không nên tin vào những lời quảng cáo có tác dụng giảm cân như “thần dược”, tìm đến các sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc và chất lượng trên thị trường để nhận hậu quả đối với sức khỏe, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.