Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một phần vì thiếu hiểu biết pháp luật

Lâm Vũ| 26/05/2011 06:53

(HNM) - Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của Bộ Công an, chỉ tính riêng năm 2010 đã có 13.572 đối tượng phạm tội là người chưa thành niên. Còn từ năm 2002 đến nay, trung bình mỗi năm xảy ra hơn 10.000 vụ phạm pháp hình sự do người chưa thành niên thực hiện (chiếm hơn 20% tổng số vụ phạm pháp hình sự các loại) với gần 13.000 đối tượng tham gia.

Điều đáng nói là nhận thức của đa số người chưa thành niên về pháp luật rất thấp.

Hiểu biết mơ hồ

Cuộc khảo sát do TS Đặng Thanh Nga, Trường Đại học Luật Hà Nội thực hiện đối với 100 người chưa thành niên phạm tội cho thấy, mức độ nhận thức pháp luật của họ rất thấp. Phần lớn các em được hỏi cho rằng, pháp luật là những quy định có tính cấm đoán (78%) và mang tính hình thức (66%). Do hiểu không đúng, hay hiểu một cách mơ hồ về pháp luật nên có đến 70% số em cảm nhận rằng làm theo pháp luật bao giờ cũng mang lại sự thiệt thòi cho mình. Thậm chí, 54% số em được hỏi khẳng định, sống và làm việc theo pháp luật có nghĩa là đã bị hạn chế tự do, hạn chế những sở thích cá nhân. Chính vì lẽ đó mà có đến 77% số em được hỏi cho rằng mình chấp hành pháp luật trước hết là do sợ hãi sự lên án của xã hội và sự trừng trị của pháp luật chứ không phải chấp hành một cách tự giác. Với câu hỏi "Em có thể cho biết pháp luật là gì", 23% số em trả lời là không biết, 7% trả lời tương đối chính xác, phần lớn số còn lại hiểu một cách mơ hồ. Sự hiểu biết pháp luật của các em thường chỉ là: " Pháp luật là bộ máy", "Pháp luật để răn đe và trừng trị những người vi phạm, những người làm việc xấu", "Pháp luật là nơi giam giữ những người vi phạm pháp luật".

Công an phường Thành Công (quận Ba Đình) nói chuyện với học sinh Trường THCS Thành Công về tác hại của ma túy. Ảnh: Bảo Lâm

Trả lời câu hỏi "Trước khi thực hiện hành vi phạm tội, em có biết đó là hành vi vi phạm pháp luật không?", 35% số em được hỏi khẳng định là có biết, 65% còn lại nói rằng không biết. Thậm chí, sau khi thực hiện hành vi phạm tội, 28% trả lời rằng hoàn toàn không hề biết việc mình làm là vi phạm pháp luật. Trường hợp N.H.H (sinh năm 1994) bị tuyên án 3 năm tù vì tội cưỡng đoạt tài sản là một ví dụ. Khi lực lượng công an đọc lệnh bắt giữ, H vẫn ngơ ngác không hiểu mình phạm tội gì. Khi công an bảo H đã phạm tội cưỡng đoạt tài sản, H đã cãi lại: "Cháu có cưỡng đoạt tài sản đâu, cháu chỉ "xin đểu" nó 5.000 đồng thôi chứ!". Vụ việc diễn ra trước đó một tuần, trên đường đi học về, H đã chặn đường một học sinh lớp dưới và "xin đểu". Khi đó, H chỉ nghĩ đơn giản rằng, "xin đểu" cậu bé kia vài nghìn để có tiền chơi điện tử chứ không biết hành động này là phạm pháp.

Cần giải pháp linh hoạt

Theo TS Đặng Thanh Nga, nhận thức của người chưa thành niên phạm tội thấp vì nhiều em đã bỏ học nên không được tiếp cận với việc học văn hóa cũng như giáo dục công dân trong nhà trường, còn với các em vẫn đang theo học thì việc học được chăng hay chớ. Bên cạnh đó, việc giảng dạy môn giáo dục công dân trong nhà trường chưa thực sự được coi trọng. Nội dung giáo dục pháp luật cho học sinh còn nghèo nàn, đơn điệu. Giáo viên đảm nhiệm môn học này thường kiêm nhiệm. Ở nhiều trường, do không có giáo viên bộ môn nên đã điều chuyển những giáo viên dạy các môn học khác sang. Những giáo viên này thường thiếu kiến thức về pháp luật cũng như phương pháp chuyển tải những kiến thức của môn học này do đó không kích thích được sự say mê học tập của các em, từ đó dẫn đến tình trạng dạy và học môn này chỉ mang tính hình thức. Chính vì vậy, các em không hiểu được đầy đủ những điều pháp luật cho phép làm và những điều không được phép cũng như trách nhiệm pháp lý khi vi phạm pháp luật.

Để nâng cao nhận thức về pháp luật, góp phần hạn chế việc vi phạm pháp luật của người chưa thành niên, gia đình phải thường xuyên kết hợp chặt chẽ với nhà trường, để qua đó nắm bắt tình hình học tập, tu dưỡng đạo đức của con mình ở trường để kịp thời có biện pháp giáo dục, điều chỉnh hành vi. Ở trường, ngoài việc trang bị cho học sinh kiến thức về các môn khoa học, các thầy cô phải có trách nhiệm giáo dục lối sống, đạo đức cho các em thông qua môn giáo dục công dân. Để môn học này thực sự phát huy hiệu quả đối với việc rèn luyện đạo đức, lối sống cũng như cung cấp những kiến thức pháp luật tối thiểu cho các em thì chương trình môn học cần thường xuyên đổi mới phù hợp với từng lứa tuổi, công tác bồi dưỡng giáo viên chuyên trách phải được chú trọng. Bên cạnh đó, việc tổ chức thường xuyên các buổi tư vấn pháp luật trực tiếp bằng phương pháp hỏi đáp tại các trường học nhằm giải đáp thắc mắc của học sinh cũng là một cách làm hay. Những giải pháp này không mới nhưng lâu nay chưa được quan tâm đúng mức để triển khai một cách đồng bộ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một phần vì thiếu hiểu biết pháp luật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.