Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một nhạc sĩ tuổi xoan được Hà Nội đặt tên đường

Nguyễn Bắc Sơn| 17/03/2023 06:20

(HNNN) - Ngày 8-12-2022, Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội đã ra Nghị quyết 27/2022/NQ-HĐND “về việc đặt tên và điều chỉnh độ dài một số đường phố trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2022”. Trên cơ sở đó, ngày 11-01-2023, UBND thành phố Hà Nội đã ra quyết định số 287/QĐ-UBND với nội dung tương ứng và giao nhiệm vụ cho các cơ quan chức năng thực hiện. Trong đó có việc đặt tên nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Bảo cho một phố thuộc quận Cầu Giấy.

Vĩnh Bảo (người sát bên phải Bác Hồ) và Đoàn thiếu nhi nghệ thuật ở ATK - Việt Bắc năm 1950.

Hà Nội có nhiều đường phố mang tên các nhạc sĩ như Văn Cao, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Xuân Khoát, Lưu Hữu Phước, Đỗ Nhuận, Huy Du, Trịnh Công Sơn. Không có nhạc sĩ nào “ít tuổi” như Nguyễn Vĩnh Bảo.

Nguyễn Vĩnh Bảo sinh ngày 31-5-1936 tại quê nhãn Hưng Yên. Tháng 2-1947, mới 11 tuổi Vĩnh Bảo đã cùng hai anh Vĩnh Long - Vĩnh Cát tham gia Đoàn Thiếu nhi nghệ thuật Lưu Hữu Phước - tên do Bác Hồ đặt. Cả đoàn vừa học âm nhạc, hát, múa vừa học văn hóa, vừa tự chăn gà lợn, trồng sắn, rau muống. Tự cung tự cấp chứ không được cấp phát gì. Sống hoàn toàn như một đơn vị bộ đội thời chiến. Các nhạc sĩ sáng tác, biên đạo múa tự biên soạn để các em tự diễn cho các đơn vị bộ đội, cán bộ nhân dân trong An toàn khu (thuộc các tỉnh Cao - Bắc - Lạng - Thái - Hà - Tuyên) xem. Có một bức ảnh lịch sử chụp Vĩnh Bảo đứng cạnh Bác Hồ sau khi biểu diễn chào mừng nhân dịp Bác 60 tuổi.

Vào Đoàn ai cũng phải có bí danh. Vĩnh Long là Nguyễn Mạnh. Vĩnh Cát là Nguyễn Vĩnh. Vĩnh Bảo tự đặt cho mình là Nguyễn Hy Sinh. Ngày ấy, Vĩnh Bảo đã thể hiện năng khiếu bẩm sinh khi sáng tác mấy ca khúc ngắn “Cô gà mái mơ”, “Em về Thủ đô”... Do quá khó khăn, Đoàn tạm giải thể. Anh tham gia Quốc doanh Chiếu bóng, rồi về Tân Phong (Hạ Hòa, Phú Thọ) tiếp tục học phổ thông, phụ trách Đội Thiếu nhi Tháng Tám - tiền thân của Đội Thiếu niên Tiền phong ngày nay. Sau ngày Giải phóng Thủ đô (năm 1954), Vĩnh Bảo về Hà Nội, thi vào Trường Âm nhạc Việt Nam. Thời điểm này cả nước xắn tay khôi phục kinh tế. Học sinh, sinh viên Hà Nội đi công trường nạo vét sông Tô Lịch, cải tạo hồ Bảy Mẫu... Nhiều cô gái ngại lao động chân tay. Vĩnh Bảo viết “Nhắn cô mấy điều”: “... Miệng cô nàng cười xinh thì có xinh/ Lười lao động thì cô thật đáng khinh/ Sắc tươi thắm nhưng đang dần phai mà không ai đoái hoài!”. Doãn Nho - tác giả “Người con gái sông La”, “Năm anh em trên một chiếc xe tăng” sau này - cũng hát, nhưng không biết của ai, đến khi vào trường âm nhạc mới biết đấy là của bạn đồng môn Vĩnh Bảo.

Học xong, cả Vĩnh Bảo và Doãn Nho cùng Ca Lê Thuần, Hồ Bông được cử sang học Nhạc viện Kiev (Liên Xô). Mới xong năm thứ nhất, Vĩnh Bảo đã viết nhạc phẩm Capricco cho piano độc tấu, gây tiếng vang lớn. Doãn Nho ngạc nhiên: “Tôi thực sự sửng sốt. Đấy là sản phẩm của một bộ óc bẩm sinh, thiên phú. Chắc chắn tác phẩm thính phòng đầu tiên này ở Việt Nam hứa hẹn những tác phẩm tiếp theo còn lớn hơn”. Nhạc phẩm này đã được nghệ sĩ Thái Thị Liên, Đặng Thái Sơn, Tào Hữu Huệ biểu diễn, được khán giả sành khí nhạc vô cùng khen ngợi.

Chân dung nhạc sĩ Vĩnh Bảo.

Vĩnh Bảo tốt nghiệp bằng đỏ (loại ưu) về nước thì người Mỹ gây ra sự kiện vịnh Bắc Bộ (5-8-1964). Anh lập tức xin đi B cùng đoàn với các nhà văn Nguyễn Quang Sáng, Viễn Phương, biên đạo múa Thái Ly (NSND, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật sau này). Ròng rã mấy tháng trời leo đèo lội suối mới vào tới những cánh rừng già Tây Ninh - căn cứ Trung ương Cục. Gặp lại người thầy, người anh cả Lưu Hữu Phước. Mừng quá, Vĩnh Bảo đòi đi ngay Củ Chi đất thép để được thử lửa, chiêm nghiệm cuộc sống chiến đấu của đồng bào, chiến sĩ. Cấp trên gọi về. Xin thêm tháng nữa. Lại tháng nữa. Hết ba tháng. Lệnh phải về ngay để nhận chức Trưởng đoàn Văn công Giải phóng. Ngày 4-6-1967, Vĩnh Bảo trên đường từ Củ Chi về căn cứ, đến khu vực bến Nha Thức (thượng sông Sài Gòn) thì một trận bom B52 ập xuống. Anh hy sinh đúng vào tuổi đang xoan.

31 tuổi đời, 16 năm tuổi Đoàn, 7 năm tuổi Đảng, Nguyễn Vĩnh Bảo để lại một loạt tác phẩm khí nhạc và thanh nhạc: “Bên lũy tre xanh” (viết cho violon, piano), “Ngày xuân” (viết cho violon, cello, piano), “Đêm thôn trang” (viết cho violon, piano), “Mùa xuân trên vùng cao” (viết cho flute, clarinet, piano); biến tấu trên chủ đề “Xe chỉ luồn kim”; hợp xướng không dàn nhạc đệm “Đi khai hoang”. Nhạc sĩ Phạm Đình Sáu đánh giá: “Những thành quả lao động sáng tạo nghệ thuật này tỏ rõ nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Bảo tràn đầy tâm huyết với quê hương đất nước, con người, cuộc đời... Một nhạc sĩ hứa hẹn mang đến tầm cao của nghệ thuật”. Và còn bao ấp ủ, bao sáng tác chưa kịp thể hiện. Nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha viết: “Nếu Hoàng Việt và Vĩnh Bảo không đi xa thì đây sẽ là hai nhà soạn nhạc giao hưởng tiếng tăm của Việt Nam” (Lao động, 7-9-1999).

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Một nhạc sĩ tuổi xoan được Hà Nội đặt tên đường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.