(HNM) - Khi mới chập chững cộng tác với Báo Người Công giáo Việt Nam và sau này về làm phóng viên chính thức cho báo, tôi thường được các chú, các cô trong tòa soạn kể với niềm tự hào về vị Tổng Biên tập tiền nhiệm - ông Đỗ Chí.
Ông là con đầu của cụ Giuse Trương Bưởi (Chánh trương Giáo xứ Nhà thờ Lớn Hà Nội). Là người thanh niên đất kinh kỳ hào hoa nhưng khi giặc Pháp bắn phá Hà Nội, ông đã tình nguyện tham gia đội Cảm tử quân Trung đoàn Thủ đô - đơn vị đã được Bác Hồ viết thư khen ngợi "Các em là đội cảm tử. Các em quyết tử để Tổ quốc quyết sinh…".
Nhà báo Đỗ Chí khi ở Điện Biên Phủ.
Đại tá, nhà báo lão thành Đỗ Chí, sinh ngày 10-2-1926, trong một gia đình có truyền thống yêu nước. Ông học giỏi nổi tiếng tại Trường Trung học Louis Pasteur và nhiệt huyết với các phong trào của thanh niên Hà Nội. Với khí phách hiên ngang, căm thù giặc Pháp sâu sắc, chàng trai Đỗ Chí đã giã từ cuộc sống sung túc của con nhà giàu giữa chốn phồn hoa, một lòng theo cách mạng, bất chấp gian khổ, hiểm nguy. Tự nguyện gia nhập lực lượng Tự vệ thành Hà Nội, rồi chính thức trở thành anh Vệ quốc quân vào ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946). Chàng trai thông minh, tài hoa này đã đứng trong hàng ngũ "Quyết tử quân", cùng đồng đội của Trung đoàn Thủ đô giữ Hà Nội trong 60 ngày đêm quyết tử! Chính trị viên một tiểu đoàn của Trung đoàn Thủ đô, ông Đỗ Tần cùng đánh trận chợ Đồng Xuân (sáng 14-2-1947) đã nhận xét ngắn gọn khi viết lịch sử trận đánh này: "Trận đánh hôm đó Đỗ Chí rất dũng cảm!".
Sau khi cùng đồng đội hoàn thành vẻ vang nhiệm vụ cầm chân quân địch tại thành Hà Nội, Đỗ Chí cùng đơn vị vượt sông Đuống lên "Thủ đô kháng chiến". Từ chiến sĩ, anh được cấp trên tin tưởng giao nhiều cương vị, như chính trị viên đại đội, trợ lý tuyên huấn trung đoàn, chính trị viên phó tiểu đoàn... Trên các cương vị đó, anh cùng với đơn vị tham gia hầu hết các chiến dịch lớn như Việt Bắc, Thu Đông 1947, Biên giới năm 1950, Chiến dịch Hà Nam Ninh... Đặc biệt, anh được tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, cùng đồng đội viết nên chiến công "Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".
Thế rồi, như duyên nghiệp với nghề báo, đầu năm 1957, người chiến sĩ cầm súng được cấp trên điều về Báo Quân đội nhân dân, trở thành "người chiến sĩ cầm bút". Có "đất dụng võ", năng khiếu báo chí ngày càng thể hiện rõ trong nhà báo Đỗ Chí. Cùng với trình độ, tài hoa và sự cần mẫn học hỏi, lại được đồng đội, đồng nghiệp tận tình giúp đỡ, nên nghiệp vụ báo chí trưởng thành nhanh chóng. Cán bộ, phóng viên, biên tập viên thời đó rất ngưỡng mộ trình độ nghiệp vụ, sự sáng tạo và rất thích các bài báo của ông, với bút danh "Sỹ Tâm". Các chuyên mục được Phòng Biên tập quân sự (nay là Phòng Quốc phòng - An ninh) giao, như: "Khoa học quân sự", "Ông cha ta đánh giặc", "Ống kính chụp nhanh", "Câu lạc bộ chiến sĩ" ... ông đều tổ chức thành công và để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng bạn đọc. Không chỉ miệt mài, cần mẫn ở tòa soạn, ông còn là một phóng viên lăn lộn với cơ sở, dẻo dai, xông xáo đạp xe đi khắp các trận địa phòng không khi giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc. Tuyến lửa khu 4, rồi chiến trường Quảng Trị, ông cũng có mặt!
Sau 22 năm công tác ở Báo Quân đội nhân dân, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thắng lợi hoàn toàn, do yêu cầu của công tác tổng kết chiến tranh, nhà báo Đỗ Chí được trên đưa vào Ban Ký sự lịch sử của Tổng cục Chính trị. Dù làm việc ở đây không nhiều, nhưng từ kinh nghiệm làm báo và vốn kiến thức, trình độ uyên thâm của mình, ông đã đóng góp xứng đáng vào nhiều tập ký sự lịch sử hết sức sống động và giá trị về một thời hào hùng, oanh liệt của Quân đội ta.
Tháng 1-1986 ông được Quân đội cho nghỉ hưu, nhưng "nghỉ hưu nhưng không nghỉ việc", ngay sau đó ông đảm nhiệm luôn chức Tổng Biên tập Báo Người Công giáo Việt Nam. Với phẩm chất của "Bộ đội Cụ Hồ" của nhà báo chiến sĩ và là người con Công giáo, ông đã hoàn thành xuất sắc vai trò của tổng biên tập một tờ báo Đạo, góp phần xây dựng hình ảnh người Công giáo Việt Nam sống "Tốt đời đẹp đạo", xây dựng mối đoàn kết lương - giáo và khối đại đoàn kết dân tộc.
Hơn 40 năm phục vụ trong Quân đội và sự nghiệp báo chí, ở bất kỳ đơn vị, cơ quan, vị trí công tác nào, ông Đỗ Chí cũng cùng đồng đội, đồng nghiệp đoàn kết hỗ trợ nhau nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Ông đã trọn đời cống hiến sức lực, trí tuệ, tài hoa của mình cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, cho Quân đội, cho Báo Quân đội nhân dân, cho Báo Người Công giáo Việt Nam và nền báo chí cách mạng Việt Nam. Nhà báo Đỗ Chí đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng: Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng; Huân chương Quân công hạng Nhì; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất; Huân chương Chiến thắng hạng Ba; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Nhì, Ba; Huy chương Quân kỳ quyết thắng...
Trong hoạt động báo chí, ông là một nhà báo yêu nghề, tài hoa, luôn tâm huyết với tòa soạn, vì hiệu quả tuyên truyền của mỗi bài báo; hết lòng giúp đỡ, truyền thụ kinh nghiệm cho thế hệ trẻ và cộng tác viên, thông tin viên. Khi ông về hưu tôi mới về báo, nhưng được nghe nhiều về ông nên mỗi dịp tết nhất hay ngày kỷ niệm tôi lại "lanh chanh" sang thăm hay mời ông, những mong được ông chỉ bảo. Tết vừa qua, tôi sang thăm thấy ông yếu lắm, ông nằm trên chiếc sập gụ cổ đen bóng, đục tam sư.
Ông Đỗ Chí ra đi vào một ngày đầu năm 2012. Ngày 19-4 vừa qua là tròn 100 ngày mất của ông. Căn phòng cũ nơi ông dưỡng bệnh giờ làm phòng thờ và lưu giữ những kỷ vật gắn với ông - một nhà báo, một người Công giáo Thủ đô mẫu mực, luôn là tấm gương sáng cho lớp trẻ chúng tôi noi theo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.