(HNMO) - Một người Mỹ bình thường sẽ khó tin Hà Nội đứng trong tốp 10 thành phố văn hóa nghệ thuật lớn của thế giới. Song Hà Nội xứng đáng được như vậy.
Ở Hà Nội, múa ba lê, hát opera và nhạc giao hưởng thường được trình diễn ngay tại Nhà hát Lớn, một di tích lịch sử được xây dựng từ năm 1901, trong thời kỳ Pháp thuộc, phỏng theo kiến trúc Nhà hát Opere Garnier lừng danh của Pháp. Sau hơn một thế kỷ đưa vào sử dụng, độ vang âm và không gian bên trong của Nhà hát dường như vẫn còn nguyên vẹn.
Giàn nhạc giao hưởng Việt Nam ra đời vào năm 1959 và vẫn không ngừng trình diễn phục vụ công chúng kể từ đó. Tại đất nước hình chữ “S” này, nghệ thuật, sân khấu, âm nhạc, hát opera, múa ba lê, khiêu vũ được xem là vốn quý của quốc gia.
Nina và tôi cuối cùng cũng mua được vé vào thưởng thức buổi trình diễn nghệ thuật gồm hai tiết mục hòa nhạc và múa ba-lê. Mỗi vé chỉ trị giá khoảng 10 đô la, gồm 5 đô la cho tiết mục hòa nhạc và 5 đô la cho tiết mục ba-lê. Vé được gửi tận tay cho chúng tôi mà không mất bất kỳ loại thuế hay phí gì, người giao vé cũng không hề nhận chút tiền thù lao nào.
Mặc dù Giám đốc nghệ thuật Phạm Anh Phương và Nhạc trưởng Nguyễn Thiếu Hoa đều là những người được công chúng yêu thích nhưng ban đầu tôi có suy nghĩ rằng buổi trình diễn sẽ rất khó trinh phục được một khán giả như tôi, một nhạc sĩ chuyên nghiệp với hơn 45 năm kinh nghiệm và từng dành hàng nghìn giờ đồng hồ để chơi các bản nhạc của Strauss, Puccini, Tchaikovsky và Verdi. Tuy nhiên, màn trình diễn đặc sắc của các nghệ sĩ rất thuyết phục, làm tôi hồi tưởng đến những kỷ niệm xa xưa khi được thưởng thức những bản nhạc hay nhất trong cuộc đời tại Nhà hát Opera.
Chương trình bắt đầu với bản “Fledermause” của Strauss. Tôi cũng đã từng được nghe bản nhạc này tại Vienna nhưng quả thật rất khó để phát hiện được sự khác biệt giữa hai bản nhạc này. Điều này không có gì làm ngạc nhiên vì nhiều nhạc sĩ Việt Nam được đào tạo rất bài bản ở tại các nhạc viện nước ngoài; các hoạt động giao lưu giữa các đoàn nhạc sĩ cùng thường xuyên diễn ra; và các nhạc sĩ nổi tiếng thế giới cũng không xa lạ trong làng âm nhạc Việt Nam. Một minh chứng rõ ràng là tại các buổi trình diễn nhạc Jazz ở Hà Nội, bạn có thể dễ dàng nhận ra hình ảnh của Bill Clinton đang chơi Saxophone cùng các nhạc sĩ trong nước.
Kế tiếp, tôi được thưởng thức một bản concerto Việt Nam mang đậm phong cách Hoàng gia Anh với tiếng sáo truyền thống hòa quện cùng âm thanh quyến rũ của trống định âm. Điều này làm chúng tôi nhớ đến album “In-a-Gadda-Da Vida” của ban nhạc Mỹ Iron Butterfly nổi tiếng từ những thập kỷ 60 và 70.
Khi giọng nữ cao Hà Phạm Thăng Long cất lên trong tác phẩm “Madam Butterfly” của Puccini, chúng tôi lại được trải nghiệm những cung bậc cảm xúc và đam mê như đã từng được tận hưởng tại các buổi hòa nhạc tại Ý.
Sau các tác phẩm của Ketelbey, Grieg, Tchaikovsky chúng tôi lại được chứng kiến tài năng của nghệ sĩ Nguyễn Thế Dân khi chơi đàn K’ni truyền thống (một nhạc cụ dây độc đáo của dân tộc sống ở vùng Bắc Tây Nguyên, Việt Nam). Đây quả thật là sự pha trộn hài hòa giữa âm nhạc cổ điển theo phong cách phương tây với hương vị Việt.
Tiếp theo, chúng tôi được tận hưởng giọng hát của ca sĩ Vành Khuyên và Anh Vũ khi thể hiện tửu khúc "Brindisi" trong vở opera La Traviata của Verdi.
James Rhodes |
Cảm nhận cuối cùng của tôi đối với dàn nhạc giao hưởng đó là sự đa dạng về lứa tuổi. Điều này thực sự rất ấn tượng bởi nó cho thấy nghệ thuật và văn hóa ở đây là sự tổng hòa trong đa dạng. Chúng tôi thực sự ngưỡng mộ về các hoạt động văn hóa đáng quý này và không một chút nghi ngờ về giá trị của các vở diễn.
Ở phần cuối của đêm nghệ thuật, vở ba-lê "Sheherazade" được biên tập dựa trên tác phẩm "Nghìn lẻ một đêm" và được trình diễn trên nền nhạc của Nikolai Rimsky-Korakov làm say đắm lòng người. Các nghệ sĩ Diễm Quỳnh, Hàn Giang, vũ đạo Michel Forkin, biên đạo múa Kiều Ngân và Hồng Phong đã thực sự tái hiện lại một cách sáng tạo nhân vật Sultan Schariar hết sức thuyết phục.
Trong trang phục rực rỡ đầy màu sắc, các vũ công nữ và dàn diễn viên phụ họa đã tạo ra nhiều ngạc nhiên cho chúng tôi với lối diễn xuất cuốn hút và gợi cảm. Có lẽ với vhững người chưa biết nhiều về một đất nước Việt Nam hiện đại ngày nay sẽ khó hình dung được rằng phụ nữ Việt Nam, mặc dù chưa có được những điều kiện tốt như phụ nữ phương tây, nhưng trong nghệ thuật họ lại có sức quyến rũ đến như vậy.
Rất nhiều bạn bè tôi muốn biết tại sao Việt Nam lại có nhiều vũ công và diễn viên tài năng. Câu trả lời có thể tìm thấy trong bất kỳ một trường đại học nào tại Việt Nam. Ví dụ như tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, nơi tôi đang tham gia giảng dạy, điều cấm đầu tiên đối với sinh viên của trường là “Không hát hoặc khiêu vũ tại giảng đường trong thời gian học”. Từ sáng đến tối, bạn có thể dễ dàng nhận ra các hoạt động ca hát, chơi nhạc của các sinh viên trong trường, đặc biệt là các hoạt động khiêu vũ diễn ra khá phổ biến tại đây. Nhiều người phương Tây sẽ không thể hiểu được điều này, tuy nhiên đây lại là một thực tế.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.