(HNM) - 2018 là một năm sản xuất nông nghiệp của Hà Nội gặp không ít khó khăn do diễn biến thời tiết bất thường, dịch bệnh, giá cả biến động... Tuy nhiên, vượt qua khó khăn, ngành Nông nghiệp vẫn đạt mức tăng trưởng 3,6%, đánh dấu bước phát triển bứt phá trong bối cảnh tái cơ cấu ngành.
Nhiều năm gần đây, tăng trưởng của ngành Nông nghiệp Hà Nội đạt mức cao, góp phần quan trọng trong tăng trưởng chung toàn thành phố, bảo đảm an sinh xã hội. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2018 đạt 43.708 tỷ đồng, trong đó trồng trọt, lâm nghiệp chiếm 42,7%; chăn nuôi, thủy sản 52,86%; còn lại là dịch vụ. Trong chăn nuôi, tiếp tục hình thành các vùng trọng điểm và quy mô lớn, xa khu dân cư; đã có 4.276 trang trại chăn nuôi quy mô lớn, sản lượng thịt gia súc, gia cầm tăng 1,76%...
Hà Nội ngày càng có nhiều mô hình chăn nuôi gia cầm chất lượng cao. |
Theo nhận định của Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương, không chỉ tăng về năng suất mà chất lượng, giá trị cây trồng, vật nuôi trên địa bàn thành phố cũng cho hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể, nhiều địa phương đã sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao và lúa hữu cơ gắn với các mô hình cơ giới hóa. Đối với rau màu, cây ăn quả, nhiều địa phương đã chuyển dịch từ sản xuất truyền thống sang sản xuất an toàn, lựa chọn các loại cây đặc sản có giá trị kinh tế cao. Cùng với đó, Hà Nội chuyển hướng sản xuất theo sát nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn. Toàn thành phố đã hình thành và phát triển được 121 chuỗi liên kết an toàn thực phẩm từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, tăng 56 chuỗi so với năm 2017. Hà Nội cũng có 126 mô hình ứng dụng công nghệ cao, tăng 20 mô hình so với năm 2017. Đặc biệt, đã có một số nông sản tiêu biểu như nhãn chín muộn được xuất khẩu đi các nước, giá bán cao hơn sản phẩm cùng loại từ 20% đến 30%. Đối với nông sản đặc sản được kết nối tiêu thụ tại các cửa hàng thực phẩm sạch, hệ thống siêu thị giá cũng tăng 15% đến 20% so với tiêu thụ qua thương lái.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Phùng Anh Tuấn khẳng định, 2018 là một năm nhiều khởi sắc, phát triển bứt phá với nông nghiệp địa phương. Nếu như những năm trước, giá nhiều loại nông sản, rau màu, sản phẩm chăn nuôi (như thịt lợn) bị giảm giá mạnh, tiêu thụ khó khăn thì năm 2018, nhìn chung tiêu thụ khá ổn định. Thực tế, nông dân, hợp tác xã đã chuyển mạnh từ sản xuất truyền thống, tự sản tự tiêu, manh mún sang sản xuất an toàn gắn với liên doanh, liên kết.
Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cho rằng, để có những kết quả ấn tượng đó ngành Nông nghiệp Thủ đô đã làm tốt nhiệm vụ được giao: Từ tổ chức, hướng dẫn nông dân, hợp tác xã sản xuất đúng khung thời vụ, kỹ thuật, đạt hiệu quả cao... đến hỗ trợ kết nối cung - cầu, xác nhận, thanh tra, kiểm tra chất lượng nông sản để lành mạnh hóa, thúc đẩy thị trường nông sản phát triển. Cùng với đó là sự quan tâm chỉ đạo sát sao của thành phố, sự vào cuộc tích cực của các đơn vị liên quan và chính quyền, nhân dân các địa phương. Trong đó, các thành phần kinh tế, lực lượng doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân đóng vai trò vô cùng quan trọng trong thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.
Hướng đến phát triển bền vững
Tuy nhiên, nhìn lại năm vừa qua, bên cạnh những dấu ấn quan trọng thì nông nghiệp Thủ đô vẫn phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ít; chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm còn nhiều bất cập...
Để tiếp tục khắc phục khó khăn, phát huy những tiềm năng lợi thế, năm 2019, Hà Nội đặt mục tiêu xây dựng một nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn giá trị tăng cao trên cơ sở thực hiện cơ cấu lại ngành gắn với xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân nông thôn. Theo đó, tốc độ tăng trưởng ngành từ 2,5% đến 3% so với năm 2018; giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản theo giá cố định tăng 3,19%; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 131,15 triệu đồng, tăng 8,9%.
Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ, để thực hiện thành công các mục tiêu trong năm 2019, ngành Nông nghiệp Hà Nội cần đẩy mạnh tái cơ cấu; nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế từng địa phương và nhu cầu thị trường. Các địa phương, đơn vị cần đầu tư nâng cao năng lực dự báo thị trường, đặc biệt là dự báo trung và dài hạn về số lượng, chất lượng, chủng loại hàng hóa thị trường cần, qua đó xây dựng quy hoạch, kế hoạch chỉ đạo các địa phương đầu tư sản xuất phù hợp. Hà Nội cũng tiếp tục đầu tư xây dựng thương hiệu nông sản trên cơ sở áp dụng kỹ thuật sản xuất đạt tiêu chuẩn chất lượng và được công nhận của cơ quan kiểm định trong nước và quốc tế.
Cùng với đó, thành phố sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc liên doanh, liên kết, quảng bá sản phẩm, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản, xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn... nhằm tạo những dấu ấn phát triển mới cho ngành Nông nghiệp Thủ đô trong bức tranh nông nghiệp Việt Nam thời hội nhập.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.