(HNM) - Tại chuyên mục này, Báo Hànộimới ra ngày 10-12-2012 có đăng bài
Những ngày qua, tại nhiều diễn đàn, hội thảo, trong một số bài viết, phát biểu của lãnh đạo các cấp, nhiều khía cạnh của công tác cán bộ trong tình hình hiện nay đã được đề cập, phân tích, đánh giá… Từ đó nổi lên một số việc cần nhanh chóng có giải pháp tháo gỡ; thậm chí là cả những "lô gíc" xuất hiện, tồn tại trong một thời gian dài nhưng tới thời điểm hiện tại phải kiên quyết phá dỡ bởi đó chính là "lực cản" xu thế của thời đại.
1. Tại kỳ họp thứ sáu, HĐND thành phố Hà Nội khóa XIV, một đại biểu đã thẳng thắn nêu ý kiến: "Chúng tôi đánh giá có khoảng 30% cán bộ công chức làm việc tốt, 35% cán bộ công chức làm việc khá và trung bình, còn lại là giao việc không yên tâm... Luôn có từ 20 đến 30% cán bộ công chức của chúng ta đang hưởng lương Nhà nước, nhưng không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của Nhà nước giao". Kết quả khảo sát của Bộ Nội vụ đã từng cho kết quả tương tự. Như vậy, có sự trùng hợp giữa ý kiến của cá nhân cụ thể với số liệu đánh giá của cơ quan chuyên môn, cho thấy một thực tế đáng lo ngại về chất lượng bộ máy cán bộ các cấp hiện nay.
Bất cập là, trong khi việc tinh giản biên chế đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đang thực hiện hết sức chậm chạp và khó khăn tại một số đơn vị, địa phương thì nguồn kinh phí từ ngân sách vốn đã eo hẹp lại phải chia ra để "cõng" những con người làm giả, ăn thật. Bất cập còn ở chỗ họ hưởng lương từ ngân sách, tức là do đóng góp của người dân và các đơn vị, doanh nghiệp, nhưng hoặc do trình độ hạn chế, hoặc do sự sách nhiễu của những con người này mà hiệu quả quản lý nhà nước không cao, thậm chí là yếu kém. Đặc biệt, với một công chức, viên chức không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao tác hại đã là không nhỏ, nhưng với đội ngũ lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, việc "cất nhắc" nhầm đối tượng còn tạo nên những hậu quả khôn lường…
2. Trong bài viết đăng trên một tờ báo mới đây nhân kỷ niệm ngày thành lập QĐND Việt Nam liên quan tới nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nhận định về đội ngũ cán bộ hiện nay: "Thực tế đang đặt ra những yêu cầu cao đối với công tác quản lý nhà nước, chống lại tệ quan liêu, trì trệ, tham nhũng, "lợi ích nhóm" hay lợi ích cục bộ của ngành này, ngành khác; phải có những tiêu chí mới để đánh giá cán bộ trên cơ sở hiệu quả thực chất, vì lợi ích chung, chứ không phải những quy định mà người ta có thể lợi dụng theo ý muốn của mình". Đặc biệt là, chúng ta có thành công hay không trong việc thực hiện những mục tiêu xây dựng và bảo vệ đất nước, khâu quyết định tùy thuộc ở yếu tố cán bộ…
Từ những vấn đề nêu trên có thể thấy, hơn bao giờ hết, cơ chế, chính sách về công tác cán bộ cần phải nhanh chóng đổi mới. Có như vậy bộ máy vận hành mới có thể nhịp nhàng và phục vụ đắc lực công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Vẫn còn tình trạng chỉ 1/3 số cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng được yêu cầu thực tế; vẫn còn tình trạng được bầu bằng cách "chạy" mối quan hệ, "chạy" phiếu tín nhiệm; vẫn còn tình trạng "đi lên" bằng cơ cấu hoặc đặt nhầm ghế, nhầm vị trí… thì chỉ làm cho bộ máy điều hành đất nước ở các cấp, tại các cơ quan đơn vị yếu đi. Đó là một "lô gíc" không thể chấp nhận được và cần phải phá dỡ dù thực tế đó đã tồn tại trong nhiều năm qua.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.