Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một hồn thơ da diết thương nhớ quê hương

Bài và ảnh: Đình Hiệp| 10/09/2012 07:23

(HNM) - Không phải là nhà thơ chuyên nghiệp, nhưng đến nay nữ tác giả Bùi Nguyệt, thành viên Hội Văn học nghệ thuật TP Chemnitz (Đức) đã sáng tác hàng trăm bài thơ.


Tác giả Bùi Nguyệt (giữa) trong buổi ra mắt hai tập thơ ở Hà Nội.

Chia sẻ về “con đường thơ” của mình, Bùi Nguyệt cho biết, cuộc sống tha hương ở Đức 25 năm qua đã dạy cho tác giả nhiều bài học về thế giới quan, nhân sinh quan. “Tôi thực sự hiểu được cái khao khát tình quê hương, cái trăn trở và cả những mâu thuẫn nội tâm của những người Việt đang sống ở nước ngoài. Ở xứ người, chúng tôi không rách áo, không đói cơm nhưng quả thật là đói tình. Đó là tình cảm gia đình, tình quê hương đất nước. Chúng tôi thèm nghe từ tiếng gà gáy sáng đến tiếng gọi nhau chòm xóm láng giềng, tiếng rao ngày đêm của những người buôn thúng bán bưng, khao khát mọi âm thanh, hình ảnh của quê hương, đất nước mình. Từ những nỗi nhớ thương da diết ấy mà dậy sóng trong lòng và trái tim cất tiếng. Những tiếng ấy người ta vẫn gọi là thơ. Thơ đã trở thành người bạn đồng hành, tri âm tri kỷ của tôi” - Bùi Nguyệt bộc bạch.

Là thành viên Hội Văn học nghệ thuật TP Chemnitz, những năm qua nhà thơ không chuyên Bùi Nguyệt đã cùng các thành viên trong hội tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, sinh hoạt thơ… để góp phần giữ gìn và quảng bá tiếng Việt ở Đức. Chị cho biết, dù ở xa Tổ quốc nhưng cộng đồng người Việt ở TP Chemnitz nói riêng, ở Đức nói chung luôn theo dõi những thông tin về mọi mặt đời sống của đất nước. “Các thế hệ người Việt Nam thứ 2, thứ 3 ở Chemnitz đều nói được tiếng Việt, vì chúng tôi tổ chức các lớp dạy tiếng Việt cho các cháu. Vào những ngày lễ lớn của dân tộc, Đại sứ quán Việt Nam tại Đức thường tổ chức những buổi gặp mặt thân tình để bà con kiều bào tụ họp, nói chuyện về văn hóa, cuộc sống ở Việt Nam”.

Với trải nghiệm 25 năm sinh sống tại Đức, qua 2 tác phẩm “Hồn núi” và “ Bến xa”, Bùi Nguyệt đã đưa người yêu thơ đến những bến bờ quê hương thật gần gặn nhưng cũng thật xa vời với những người con xa xứ. Cảm nhận khi đọc hai tác phẩm thơ chan chứa tình người, tình quê hương của Bùi Nguyệt, Hội trưởng Hội Văn học nghệ thuật TP Chemnitz Nguyễn Thế Tuyền cho rằng: “Thơ Bùi Nguyệt có nhiều mảng đề tài nhưng nổi bật nhất vẫn là tấm lòng hướng về cố quốc, tình cảm với mẹ cha và con mà chị dành tất cả thương nhớ, hy sinh và hy vọng. Những ngày đầu, còn mang dáng dấp những dòng nhật ký riêng tư thì càng về sau thơ của chị càng tinh tế hơn, tạo ra một không gian đa chiều và một thời gian rộng mở”.

Cảm nhận về hai tập thơ đầu tay của Bùi Nguyệt, nhà thơ Đỗ Hàn - Hội Nhà văn Việt Nam cho biết: “Có thể nói Bến xa là bản tình ca xuyên lục địa, là tiếng hát cất lên từ trái tim dào dạt yêu thương của người phụ nữ tha hương trong cuộc sống mưu sinh nuôi con khôn lớn trưởng thành. Còn trong Hồn núi toát lên tính nhân văn đậm nét. Đó là những đoản khúc yêu thương về quê hương đã vượt qua cả các đại dương rộng lớn”.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Một hồn thơ da diết thương nhớ quê hương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.