(HNM) - Đề án nâng tầm giá trị rau su su tại thị trấn Tam Đảo, phân phối tới người tiêu dùng Thủ đô bằng cách áp dụng công nghệ cao và gắn mã số, mã vạch vào sản phẩm để phân biệt rau sạch của 11 sinh viên Trường ĐH Nông nghiệp vừa đoạt giải Nhất cuộc thi "Hành trình vì Khát vọng Việt". Ích lợi của dự án là mang đến cho người tiêu dùng sản phẩm bảo đảm chất lượng nhất với giá thấp.
Thành viên Lê Vũ Nguyên Huy (năm thứ tư, khoa Thú y) chia sẻ, qua tìm hiểu cho thấy, rau su su trồng ở thị trấn Tam Đảo được người tiêu dùng ưa chuộng, nhưng việc xây dựng thương hiệu cho loại rau này lại chưa được chú ý dẫn đến việc giá rau lúc lên, lúc xuống, ảnh hưởng đến cả người sản xuất và tiêu dùng. Nhằm định vị thương hiệu rau su su thị trấn Tam Đảo, nhóm đã bắt tay nghiên cứu một dự án sản xuất và phân phối rau su su thị trấn Tam Đảo. Nhóm đã tiến hành nhiều buổi thực địa, làm việc với chính quyền và nông dân tại địa phương để tìm giải pháp. Trong vòng 3 tháng, nhóm đã nhận được sự ủng hộ từ phía người dân và chính quyền, bước đầu thu được thành công trong triển khai dự án. Với hai khâu là giám sát chất lượng và phân phối sản phẩm, nhóm hỗ trợ nông dân thị trấn Tam Đảo các kỹ thuật canh tác tiên tiến theo công nghệ Viet Gap, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm thông qua sự tư vấn của các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp. Bà con nông dân cũng phải ký cam kết sẽ trồng rau theo đúng quy trình được hướng dẫn. Quá trình này sẽ được giám sát kỹ càng bằng camera và sự theo dõi của chính quyền địa phương. Rau sạch của dự án sẽ được gắn mã vạch trước khi đưa tới cho khách hàng. Đồng thời, nhóm cũng giúp nông dân tạo ra kênh phân phối để rau ở đây có lượng khách hàng và giá cả ổn định nhất.
Quan trọng hơn, để giá thành rau khi tới tay người tiêu dùng sẽ ở mức thấp và bảo đảm chất lượng nhất, nhóm quyết định không thông qua các công ty trung gian mà trực tiếp vận chuyển đồng thời phát triển mạng lưới cộng tác viên để đưa rau tới khách hàng. Các cộng tác viên tham gia phân phối rau đều phải ký cam kết bán đúng giá, đúng loại rau của dự án. Để quản lý khâu phân phối này, số điện thoại và địa chỉ của khách hàng sẽ được lưu lại, nhóm sẽ thường xuyên có chăm sóc khách hàng (gọi điện thoại, tổ chức offline gặp gỡ) tìm hiểu về chất lượng rau, giá thành và mức độ hài lòng về dịch vụ. Dựa vào mã vạch trên mỗi bó rau, khách hàng cũng có thể đối chiếu, xác thực trực tiếp trên website của nhóm.
Hiện dự án đang làm thí điểm trên diện tích đất 2ha, sau khi thành công sẽ nhân rộng với hy vọng mang đến thị trường và người dân Thủ đô loại rau đặc sản, bảo đảm cả về giá và chất lượng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.