(HNM) - Triển lãm tranh kỷ niệm 90 năm Ngày sinh cố danh họa Bùi Xuân Phái được khai mạc tại Viện Goethe Hà Nội vào đúng ngày sinh của ông 1-9; kéo dài đến hết ngày 3-9. Những câu chuyện về cuộc đời danh họa và những chuyến lưu lạc một số bức tranh của ông sẽ được chia sẻ trước công chúng mến mộ.
Bây giờ, mỗi lần chuẩn bị diễn ra trao giải "Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội", nghĩ về ngày xưa, con trai danh họa là họa sĩ Bùi Thanh Phương lại có chút ngậm ngùi. Họa sĩ nhớ lại lần cha mình được giải, số tiền hỗ trợ ngày ấy sao mà quý giá!
Họa sĩ Bùi Xuân Phái.
Nhà sưu tập Trần Hậu Tuấn từng kể về Bùi Xuân Phái: "Cuộc sống gặp nhiều khó khăn, ông phải làm nhiều việc khác ngoài vẽ để sinh nhai như dạy học, minh họa báo, vẽ thiết kế cho các đoàn kịch…". Nhưng hoàn cảnh không khuất phục được say mê của Bùi Xuân Phái. Cũng Trần Hậu Tuấn nhận xét về họa sĩ bậc thầy này: "Bất cứ ở đâu, lúc nào, ông cũng ưu tư cho hội họa với những quan điểm thực tế hơn là một ý tưởng viển vông. Ông mong nghệ sĩ không phải nghèo khổ quá lâu, mong có sơn dầu tốt, tấm toan lành để vẽ và có xưởng vẽ bề bộn. Khi những thứ tưởng chừng bình thường đó cũng không dễ có, thì ông tự nhủ và nhắc các họa sĩ tối thiểu cần có một cây bút chì, một tờ giấy bất kỳ và luôn "vẽ" bằng đầu".
Từ TP Hồ Chí Minh, cùng với nhà sưu tập Bùi Quốc Trí, Trần Hậu Tuấn đã chuẩn bị kỹ cho chuyến bay đưa một số bức ra Hà Nội để thực hiện triển lãm. Về điều này, họa sĩ Bùi Thanh Phương cảm kích: "Tôi đánh giá cao sự chia sẻ của hai nhà sưu tập. Trên thực tế, vận động các nhà sưu tập đưa tranh tham gia một triển lãm nào đó không phải lúc nào cũng được họ đồng ý ".
Bùi Thanh Phương, Bùi Quốc Trí, Trần Hậu Tuấn, mỗi người chọn ra 12 bức của Bùi Xuân Phái mà mình tâm đắc nhất từ mỗi bộ sưu tập hiện có. Trong số 36 tác phẩm, rất đáng lưu ý, có những bức tranh đại diện cho một số giai đoạn sáng tác của danh họa. Có bức ra đời đầu những năm 1950, đầu những năm 1960 hoặc được danh họa vẽ vào những năm cuối đời. Như vậy, xem tranh sẽ là một chuyến đi quay lại với quá khứ. Họa sĩ Bùi Thanh Phương nhấn mạnh, đây cũng được coi là một cuộc trở về với Hà Nội, cuộc trở về của những danh phẩm. Bởi không ít bức tranh đã lưu lạc ra nước ngoài, nhưng rồi các nhà sưu tập trong nước đã mua lại được.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.