Sách

Một bút lực dồi dào, giàu tâm huyết với sự nghiệp đổi mới

Hà Vũ 13/02/2025 - 07:01

Sau hơn 2 năm ra mắt cuốn tự truyện "Đi tìm một vì sao", tháng 1-2025, đồng chí Phạm Quang Nghị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội, Công dân Thủ đô ưu tú tiếp tục cho ra mắt bộ sách “Công cuộc đổi mới, tư duy mới, thực tiễn mới” (Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật).

Đọc bộ sách, chúng ta không chỉ có thêm những tư liệu quý giá về lý luận và thực tiễn, mà còn cảm phục bút lực dồi dào, giàu tâm huyết với Đảng, với đất nước và sự nghiệp đổi mới của đồng chí Phạm Quang Nghị.

pham-quang-nghi.jpg
Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị phát biểu tại hội nghị đóng góp ý kiến của các đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), tháng 9-2023. Ảnh: Viết Thành

1. Bộ sách “Công cuộc đổi mới, tư duy mới, thực tiễn mới” gồm 2 tập, với tổng cộng hơn 1.300 trang, khổ 16x24cm, là tập hợp phong phú những bài viết, những tư liệu quý trong quá trình công tác của đồng chí Phạm Quang Nghị, đặc biệt là các bài báo đã được đăng trên các báo: Báo Nhân Dân, Tạp chí Cộng sản, Báo Lao động, Báo Hànộimới, Tạp chí Xây dựng Đảng, Tạp chí Công tác tư tưởng văn hóa, Tạp chí Giáo dục lý luận...; các bài tham luận, đóng góp ý kiến vào các văn kiện của Đảng; các bài trả lời phỏng vấn trên các báo...

Bộ sách phản ánh tiến trình 40 năm đổi mới với nhiều chủ đề phong phú, đa dạng, toàn diện về những vấn đề của sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; những tìm tòi, suy nghĩ và định hướng của Đảng ta cùng những thành tựu có ý nghĩa lịch sử to lớn của đất nước trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại...

Bộ sách “Công cuộc đổi mới, tư duy mới, thực tiễn mới” được bố cục theo 5 phần: Tập 1 gồm 3 phần: “Chủ nghĩa xã hội: Ước mơ và hiện thực”; “Ý Đảng - lòng dân”; “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”; tập 2 gồm 2 phần: “Những kỷ niệm không còn là của riêng”; “Mở một trang sách, thấy một con người”.

2. Đồng chí Phạm Quang Nghị sinh ngày 2-9-1949, quê quán xã Định Tân, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa; từng học tập, nghiên cứu tại Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp (nay là Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), Trường Nguyễn Ái Quốc 5. Sau hòa bình, đồng chí làm nghiên cứu sinh và bảo vệ luận án Phó Tiến sĩ Triết học tại Liên Xô (cũ). Đồng chí đã có những năm tháng tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, vượt Trường Sơn vào chiến trường B2 Nam Bộ, làm phóng viên chiến trường...

Đồng chí Phạm Quang Nghị là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa VIII, IX, X, XI; Bí thư Trung ương Đảng khóa X (đầu nhiệm kỳ, khi chưa làm Bí thư Thành ủy Hà Nội); Ủy viên Bộ Chính trị khóa X, khóa XI; Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam (1997-2001); Bộ trưởng, Bí thư Ban Cán sự đảng Bộ Văn hóa - Thông tin (2001-2006); Bí thư Thành ủy Hà Nội khóa XIV, khóa XV (2006-2015); đại biểu Quốc hội các khóa XI, XIII.

Không chỉ là nhà chính trị, lãnh đạo cấp cao của Đảng, đồng chí còn là một nhà nghiên cứu lý luận, một nhà báo giàu tâm huyết và sáng tạo, với các bút danh: Thanh Bình, Bình Minh, Phạm Thanh Long, Minh Dân... Là người luôn dành trọn niềm tin yêu và suốt đời cống hiến vì lý tưởng của Đảng, đồng chí Phạm Quang Nghị đã viết nhiều tác phẩm chính luận thể hiện nhãn quan chính trị sâu sắc, kiến thức uyên thâm, luận giải thuyết phục các vấn đề thời sự chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước ngay từ những ngày đầu đổi mới, góp phần định hướng dư luận, củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào công cuộc đổi mới của đất nước. Những bài báo của đồng chí trải dài suốt mấy chục năm, đã đề cập nhiều vấn đề có tính thời sự, chính trị nóng bỏng, với những phân tích và lập luận đầy sức thuyết phục, cho thấy đây là một ngòi bút sắc sảo trên mặt trận tư tưởng văn hóa, góp phần tích cực bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, bảo vệ chế độ và nhân dân.

3. Cầm trên tay bộ sách, chúng ta có thêm những tư liệu quý về công tác tư tưởng, chính trị, báo chí. Đồng thời chúng ta có dịp hiểu thêm về cuộc đời, sự nghiệp, tư duy và hành động của một đồng chí lãnh đạo giàu lòng tâm huyết, luôn đau đáu với sự nghiệp đổi mới của đất nước. Dù ở cương vị công tác nào, đồng chí không chỉ tập trung, chuyên chú làm tốt vai trò, vị trí của mình mà còn thông qua các bài viết, bài nói, bài tham luận lan tỏa những giá trị tốt đẹp, những suy nghĩ tích cực, thôi thúc, động viên đồng chí, đồng bào cùng cống hiến, đóng góp cho sự nghiệp dựng xây đất nước.

Những điều đó có thể thấy ngay ở bài đầu tiên của bộ sách: “Mấy suy nghĩ về vấn đề đổi mới tư duy”. Bài viết cách nay đã gần 40 năm, đăng trên Tạp chí Giáo dục lý luận số 11 (68) năm 1986 - năm Đảng ta bắt đầu khởi xướng công cuộc đổi mới. Bài báo đã nắm bắt đúng thực tiễn đất nước với yêu cầu đổi mới đặt ra một cách cấp bách, đầy thôi thúc; phân tích nguyên nhân, lý giải những vấn đề đang đặt ra cho công cuộc đổi mới; những thuận lợi, khó khăn và đưa ra các dự báo, những đề xuất, giải pháp khoa học, cần thiết... Đồng chí Phạm Quang Nghị đi đến một kết luận mang tính dự báo đầy tự tin và khích lệ: “Con đường đi tới sự đổi mới không dễ dàng. Nhưng một khi vấn đề đã trở thành đòi hỏi cấp bách mang tính khách quan của những nhu cầu thực tiễn thì sớm muộn, sự đổi mới sẽ được thực hiện”.

Một năm sau “Đại hội đổi mới” (Đại hội VI của Đảng), đồng chí Phạm Quang Nghị có bài viết “Đổi mới ở nước ta là đòi hỏi của chính cuộc sống” đăng trên Báo Nhân Dân ngày 18-12-1987. Bài báo không những lên tiếng khẳng định về sự đúng đắn của đường lối đổi mới, mà còn phân tích, làm rõ những khó khăn, tồn tại, hạn chế trong triển khai, thực hiện. “Cuộc đấu tranh để đổi mới đang thật sự diễn ra trong mỗi người. Trong chừng mực nào đó, cái mới, cái cũ cũng ở trong một tổ chức, một cơ quan, một con người. Nó giằng co, thách thức không chỉ lý trí, trình độ nhận thức mà cả lương tâm, lợi ích”. Với cái nhìn hết sức biện chứng, đồng chí Phạm Quang Nghị khẳng định, đổi mới là khó khăn, gian khổ. Nhưng có lẽ nào chúng ta không đổi mới, khi mà luồng gió thời đại đã thổi tới, khi mà đòi hỏi của sự nghiệp cách mạng và của nhân dân đang thôi thúc mỗi người.

Đọc những bài báo đề cập những vấn đề lý luận và thực tiễn hết sức nóng hổi của sự nghiệp đổi mới được viết ra từ gần 40 năm trước, chúng ta như được sống lại thời kỳ đầu đổi mới với bao gian khó và cả những băn khoăn, trăn trở; từ đó càng thấy những thành tựu mà đất nước hôm nay có được thật lớn lao và đáng trân trọng biết bao. Và khi nghĩ suy về hiện tại của đất nước, chúng ta có cảm giác những tư duy, những lời thúc giục đó như dành cho chúng ta hôm nay. Khi quyết tâm của Đảng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc đầy hứa hẹn, nhưng cũng rất nhiều khó khăn, thách thức đặt ra.

Hay ví dụ, bài báo “Tiết kiệm là đạo đức” của đồng chí Phạm Quang Nghị đăng trên Báo Lao động số 84, ngày 14-4-2008, với những phân tích sâu sắc càng làm cho chúng ta đồng tình với việc Trung ương vừa qua giao thêm chức năng phòng, chống lãng phí cho Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; coi phòng, chống lãng phí cũng quan trọng ngang với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là đúng đắn và cần thiết.

“Không chỉ trong lúc đất nước và nhân dân ta còn nghèo hoặc đang lúc khó khăn mới cần phải tiết kiệm, mà ngay cả sau này trở nên giàu có, thì những hoạt động phô trương tràn lan, thái quá, gây lãng phí, tốn kém thời gian, tiền bạc, công sức của nhân dân, của đất nước, ngay từ lúc này, rất cần phải chấn chỉnh. Làm được điều này, sẽ tiết kiệm được cho nhân dân, cho đất nước rất nhiều. Và cái được lớn nhất là đạo đức”, đồng chí Phạm Quang Nghị viết.

Trong bộ sách còn rất nhiều bài báo, những thông tin thú vị dẫu đã được viết ra, đăng báo từ nhiều năm trước, nhưng vẫn giàu tính thời sự, thật đáng đọc và suy ngẫm.

Tiết kiệm là đạo đức (*)

Năm 1969, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh còn tại thế, Bộ Chính trị bàn, ra nghị quyết về việc tổ chức các ngày kỷ niệm lớn trong năm 1970: Kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Đảng (3-2), 100 năm Ngày sinh V.I.Lênin (22-4), 25 năm Ngày Quốc khánh (2-9), Bác hoàn toàn nhất trí. Tuy nhiên, Bác không đồng ý việc cả nước tổ chức kỷ niệm Ngày sinh của Người như những ngày kỷ niệm lớn khác, như một số nước vào thời đó vẫn làm đối với lãnh tụ. Không đồng ý không chỉ vì Người không cho phép diễn ra tệ sùng bái cá nhân mà còn vì để tiết kiệm cho dân, cho nước.

Có muôn nghìn việc làm, lời nói của Bác Hồ đã và đang trở thành phương châm, chân lý, nền tảng đạo đức của người cán bộ cách mạng; là tấm gương sáng ngời về đạo đức, về tiết kiệm để toàn dân, toàn Đảng noi theo. Việc nhỏ, như Bác dùng vỏ hộp sữa bò làm ống đựng bút, dùng lá cọ làm quạt như mọi người được thấy khi tới thăm nhà sàn Bác Hồ hoặc dùng giấy đã sử dụng một mặt để viết... Việc lớn, như Bác đề ra chủ trương tiết kiệm là quốc sách hàng đầu; kêu gọi, nhắc nhở toàn Đảng, toàn dân "sản xuất mà không tiết kiệm như gió vào nhà trống"(1)...

Vào thời điểm hiện nay, Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ kêu gọi cả nước thực hành tiết kiệm để góp phần kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả, chăm lo, cứu giúp người nghèo, bảo đảm cho kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển bền vững. Một trong những những việc cần và có thể góp phần tiết kiệm có hiệu quả là giảm mạnh tổ chức mít tinh, kỷ niệm và những lễ hội không thật cần thiết.

Nếu tính trong phạm vi cả nước, có hàng nghìn cuộc mít tinh, kỷ niệm có thể bỏ, có thể bớt, có thể làm đơn giản, gọn nhẹ mà vẫn bảo đảm được ý nghĩa chính trị; tác dụng cổ vũ, động viên lại còn tốt hơn là cứ làm rườm rà, tràn lan, tốn kém như hiện nay. Phải nói rằng, hiện đang diễn ra tình trạng "trăm hoa đua nở", "trăm nhà đua tiếng", lạm dụng tổ chức mít tinh, kỷ niệm, lễ hội một cách tràn lan.

Nhỏ, nhưng hết sức phổ biến là những cuộc gặp mặt đồng lớp, đồng trường, đồng hương, đồng đội... mà nội dung không có gì thiết thực, nặng về chạm cốc, chạm ly, say sưa với nhau. Nhỏ, và cũng rất phổ biến nữa là các cuộc kỷ niệm ngày thành lập, ngày truyền thống cơ quan, đơn vị; vừa mới tròn 1 năm, tròn 3 năm thành lập cũng đứng ra đăng cai tổ chức; ai cũng mời hàng trăm quan khách, cũng lễ lạt, văn nghệ, mời báo chí tuyên truyền, đưa tin. Và tất nhiên là cũng phải có phong bao, quà cáp. Không có, chắc gì một số quan khách đã tới (!).

Tương tự như thế, trên cả nước là hàng nghìn, hàng vạn cuộc mít tinh đón nhận danh hiệu, phần thưởng thi đua.

Vâng, nhận thì cứ nhận, đón thì cứ đón, nhưng xin chớ mời đông, mời khách ngoài cơ quan, cấp trên, huyện bạn, tỉnh bạn, cấp trung ương về dự, đông đến mức làm tắc cả đường, làm "cháy" cả hoa, cả hàng trong chợ vì phải huy động toàn lực để làm quà biếu, quà tặng.

Đấy là chưa kể, để chuẩn bị, dù là văn nghệ "cây nhà lá vườn", hay là mời nghệ sĩ, ca sĩ chuyên nghiệp đều phải tập dượt, phải chi bồi dưỡng. Nếu "hoành tráng" hơn nữa là lễ hội năm chẵn, là festival, thì còn lo làm rạp, làm sân khấu, lo mời đạo diễn, tổng đạo diễn, huy động lực lượng cả nghìn, vạn người tập tành, tham gia,... Tốn kém thật không kể xiết!

Ấy là chưa kể, biết bao là tiền của, công sức để tổ chức viết, tổ chức in ấn kỷ yếu, báo cáo thành tích, soạn thảo diễn văn sao cho "kêu", cho "giòn",... mà người được tặng thì không đọc, người được mời dự cũng chẳng quan tâm lắng nghe.

Ấy là chưa kể, phải cử cán bộ chạy tất tả ngược xuôi, đưa giấy mời, năn nỉ, tranh thủ, chèo kéo cho được các đồng chí lãnh đạo cấp trên về dự.

Ấy là chưa kể, phải lo chỗ ăn, chỗ ở, chỗ tham quan cho khách.

Ấy là chưa kể...

Thưa bạn đọc, nếu kể ra nữa, thì tác giả bài viết này lại mắc phải cái lỗi lớn là kể lể "con cà con kê", làm tốn giấy mực và thời gian của người đọc.

Có biết bao thứ có thể bỏ, có thể bớt: Bỏ kỷ niệm năm lẻ; bỏ in tặng kỷ yếu, tặng hoa, cài nơ, lưu niệm; bớt mời khách quá đông, quá rộng, quá xa; bớt túi quà, tặng phẩm; bớt tiệc tùng tốn kém; bớt đưa đón, quay phim,... Nói tóm lại là bỏ và bớt thói quen phô trương, hình thức gây lãng phí tốn kém để thực hành tiết kiệm.

Không chỉ trong lúc đất nước và nhân dân ta còn nghèo hoặc đang lúc khó khăn mới cần phải tiết kiệm, mà ngay cả sau này trở nên giàu có, thì những hoạt động phô trương tràn lan, thái quá, gây lãng phí, tốn kém thời gian, tiền bạc, công sức của nhân dân, của đất nước, ngay từ lúc này, rất cần phải chấn chỉnh. Làm được điều này, sẽ tiết kiệm được cho nhân dân, cho nước rất nhiều. Và cái được lớn nhất là đạo đức.

----------------

(*) Bài của đồng chí Phạm Quang Nghị đăng báo tháng 4-2008, in trong tập 1, bộ sách “Công cuộc đổi mới, tư duy mới, thực tiễn mới”.

1. Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội 2021, tập 10, trang 600. (B.T)

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Một bút lực dồi dào, giàu tâm huyết với sự nghiệp đổi mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.