Cuộc cách mạng sắp xếp tinh gọn bộ máy hệ thống chính trị đang nhận được sự ủng hộ, tin tưởng rất cao của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Trao đổi với Báo Hànộimới, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị - người cách đây 16 năm từng “đứng mũi chịu sào” cuộc sắp xếp cán bộ khi hợp nhất 2 bộ máy Hà Nội - Hà Tây chia sẻ: “Cuộc sắp xếp tinh gọn bộ máy lần nào cũng có những khó khăn. Nhập vào luôn khó hơn là tách ra. Cùng với việc sắp xếp tinh gọn bộ máy, là yêu cầu phải bố trí sao cho đúng người, đúng việc”.
"Thời điểm đã chín muồi"
- Xin đồng chí cho biết suy nghĩ của mình về cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy mà Trung ương đang chỉ đạo, cả hệ thống chính trị đang triển khai thực hiện?
- Tôi cảm nhận được sự đồng thuận rất cao của đông đảo cán bộ và nhân dân. Đồng chí Tổng Bí thư gọi việc sắp xếp tinh gọn bộ máy lần này là một cuộc cách mạng. Cách mạng - theo nghĩa là một sự thay cũ đổi mới theo hướng tiến bộ, tích cực; và cách mạng - theo nghĩa quy mô, ảnh hưởng, tác động của sự xắp xếp bộ máy lần này là hết sức to lớn và sâu rộng đối với xã hội. Từ Hội nghị Trung ương 7 (khóa VIII), Trung ương đã có Đề án “Đổi mới và kiện toàn một bước tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị". Cùng với đó là những lần tiến hành hợp nhất các tỉnh, thành phố, nhưng sự vận hành sau hợp nhất nhìn chung là không thành công. Thậm chí, sau đấy lại phải chia tách ra như cũ.
Lần này chúng ta tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) ngày 25-10-2017 với một tinh thần tiến công cách mạng, kiên quyết, đồng bộ và quyết liệt. Cái mới của lần này là Trung ương quyết định làm bắt đầu từ bên trên, không tiến hành làm thí điểm, không họp hành hội thảo, bàn bạc nhiều. Toàn bộ hệ thống chính trị bắt tay vào thực hiện ngay, với một tinh thần rất khẩn trương.
Chúng ta đã từng nghe câu nói trong dân gian: “Việc gì không muốn làm thì đem ra mà bàn”. Lần này, Trung ương, đồng chí Tổng Bí thư và Thủ tướng Chính phủ đang chỉ đạo làm với tinh thần "vừa chạy vừa xếp hàng", "chỉ bàn làm, không bàn lùi". Các mốc thời gian gắn với lộ trình, tiến độ hoàn thành từng việc rất rõ ràng, dứt khoát. Điều đó cho thấy Trung ương xác định đây là nhiệm vụ cấp bách, đã đến thời điểm chín muồi cần phải thực hiện tinh gọn bộ máy. Một cách tiếp cận rất cách mạng, mạnh mẽ, đồng bộ và kiên quyết.
- Cách đây hơn 16 năm, trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội và sau đó là Bí thư Thành ủy Hà Nội từ khi hợp nhất thành phố Hà Nội, tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn (tỉnh Hòa Bình), là “người đứng mũi chịu sào” với mọi công việc trước, trong và sau hợp nhất, đồng chí thường nói công việc khó nhất là sắp xếp bộ máy và phân công, bố trí cán bộ. Với kinh nghiệm từ thực tiễn ngày đó, đồng chí nhận thấy cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy lần này ra sao?
- Cuộc cách mạng nào cũng sẽ gặp phải những lực cản, những khó khăn. Cảm nhận bao trùm thời điểm hợp nhất khi đó là sự lo lắng. Lo vì khối lượng công việc không những lớn, mà rất mới mẻ và khó, trong khi áp lực về thời gian thực hiện lại rất gấp.
Để ban hành những quyết định hành chính không khó lắm. Quyết định những việc liên quan đến con người cụ thể, đụng chạm đến tâm tư, tình cảm, quyền và lợi ích con người mới khó. Khi phải sắp xếp hai cấp trưởng còn một, cấp phó tăng gấp đôi, việc chọn ai làm trưởng, ai làm phó, ai ở lại, ai phải điều động đi, thậm chí phải nghỉ việc là rất khó khăn.
Mỗi khi nhìn lại những công việc đã làm trước đây, tôi nhớ rất rõ những khó khăn khi bắt tay vào thực hiện. Có thể dự báo rằng, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy hiện nay với quy mô rộng lớn, thực hiện đồng loạt trên cả nước, trong cả hệ thống chính trị: Các cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các tổ chức chính trị - xã hội, lại diễn ra chủ yếu ở cấp cao; bộ, ban, ngành trung ương làm trước; phải sắp xếp hàng nghìn cấp trưởng, cấp phó… chắc chắn sẽ khó hơn khi Hà Nội, Hà Tây hợp nhất.
Về phương pháp, cách làm cũng sẽ có nhiều việc giống nhau. Tuy nhiên, việc tách, nhập lần này không phải là đầu tiên, nên dù sao chúng ta cũng đã có kinh nghiệm. Ví dụ, như đã đề cập ở trên, lần này tôi thấy làm từ bên trên trước; không bàn, không hội thảo nhiều. Cũng không làm thí điểm. Và, các đồng chí lãnh đạo cấp cao nhất đều chỉ đạo rất kiên quyết, nhất quán… Đấy là những cái mới, đã được rút kinh nghiệm.
- Vậy, đâu là yếu tố thuận lợi để chúng ta tin tưởng vào thành công của cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy lần này?
- Thời điểm đã chín muồi nên sự đồng thuận từ trong Đảng, trong hệ thống chính trị đến xã hội, nhân dân là rất lớn. Việc thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế lần này là đồng thời chúng ta thực hiện cùng lúc ba chủ trương lớn: Một là, cải cách thể chế; hai là, thực hành tiết kiệm; ba là, tinh gọn bộ máy. Một cuộc cách mạng “ba trong một” làm rung chuyển tư duy, cách nghĩ, cách làm lâu nay. Trên cơ sở đồng thuận, thống nhất ấy, tinh thần chỉ đạo, quyết tâm chính trị từ Trung ương đang lan tỏa xuống cơ sở rất mạnh mẽ.
Việc Trung ương làm để nêu gương cũng thể hiện ý thức trách nhiệm, tinh thần tự giác, tính tiền phong, gương mẫu của đội ngũ cán bộ cấp cao. Trung ương gương mẫu chắc chắn sẽ lan tỏa, tác động, thúc đẩy làm thay đổi nhận thức, trách nhiệm ở các cấp dưới. Đơn giản là, các bộ, ban, ngành trung ương đã gọn đầu mối thì địa phương không thể không thu gọn.
Qua theo dõi, tôi thấy chuyển động ở các địa phương hiện nay cũng rất mạnh mẽ, quyết liệt, dường như đang có sự thi đua quyết tâm làm nhanh, làm mạnh… Tại Hà Nội, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo rất quyết tâm, thể hiện rõ trách nhiệm của Thủ đô với truyền thống gương mẫu, đi đầu. Thành phố vừa có phương án tinh gọn bộ máy trong hệ thống chính trị, bao gồm cả khối các cơ quan Đảng, chính quyền, các cơ quan sự nghiệp, báo chí… Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành phố cũng vào cuộc với tinh thần hết sức quyết liệt, khẩn trương.
"Cứ nhìn vào thực tế công việc mà đánh giá, đề bạt"
- Từ kinh nghiệm thực hiện sắp xếp bộ máy và tổ chức cán bộ 16 năm trước, xin đồng chí cho biết những điểm quan trọng cần lưu ý khi thực hiện tinh gọn bộ máy lần này?
- Điều quan trọng tôi muốn nhắc lại là, phương pháp, cách làm phải dân chủ, công khai; cơ chế, chính sách đi kèm phải khoa học, hợp tình, hợp lý. Hay cần phải nói thẳng ra là việc sắp xếp cán bộ không được để xảy ra tiêu cực. Phải coi đây là tiêu chí, là đòi hỏi hàng đầu mà các cơ quan tham mưu, các thủ trưởng phải gương mẫu thực hiện. Không để cho cán bộ thi nhau “chạy”. Càng không phải cán bộ nào khéo ăn khéo nói thì được bố trí việc làm tốt.
Hiệu lực, hiệu quả của bộ máy mới không phải tinh gọn lại là tự khắc tốt lên. Hệ thống chính trị ở nước ta có những điểm đặc biệt, đặc thù không thể sao chép giống nước nào được. Trong đó, nhược điểm lớn nhất là sự song trùng về chức năng, nhiệm vụ của nhiều cơ quan, tổ chức. Anh nào cũng nhận mình có lý do cần phải tồn tại. Khắc phục sự cồng kềnh, trùng lặp của bộ máy cũ nhưng lại không được bỏ sót chức năng, nhiệm vụ, thiếu đầu mối chịu trách nhiệm. Vấn đề quan trọng, quyết định hơn là bố trí đúng người, đúng việc.
Bộ máy mới tinh gọn hơn nhưng bố trí người không đúng, không phù hợp thì cũng không phát huy được hiệu quả. Cho nên, vấn đề bộ máy và con người cần phải được xem xét, đổi mới kịp thời, đồng bộ mới tạo được hiệu lực, hiệu quả. Phải coi đây là dịp để chọn lựa được những người xứng đáng. Bộ máy mới phải có con người vận hành chứ không phải là “tự động hóa”. Nhân tố con người, nhất là người lãnh đạo, người đứng đầu luôn có vai trò quyết định.
- Tiêu chuẩn gì là quan trọng khi lựa chọn bố trí cán bộ, nhất là với người đứng đầu, thưa đồng chí?
- Thật khó để có thể nhớ hết “bộ tiêu chí đánh giá” theo quy định. Ngay cả khi nói ngắn gọn là tài và đức, hồng và chuyên… thì cũng là khái quát, chung chung. Theo tôi, điều dễ xem xét, dễ đánh giá chính xác, thuyết phục hơn cả, đó là nhìn vào kết quả, thành tích những lĩnh vực mà người cán bộ đã kinh qua. Đặc biệt là khi phải giải quyết những việc mới, việc khó. Nói “trung thành”, “bản lĩnh” một cách chung chung, trừu tượng, xem ra ai cũng giống ai. Ngay cả tiêu chí bằng cấp cũng chỉ mang tính hành chính, tương đối mà thôi. Vô khối người bằng cấp thấp nhưng lãnh đạo, điều hành giỏi hơn người có nhiều bằng. Trong chiến tranh, đánh giá anh diệt được bao nhiêu địch, bắn rơi được mấy máy bay, đánh thắng bao nhiêu trận… Cứ nhìn vào thực tế công việc mà đánh giá, đề bạt cán bộ.
“Chạy chức, chạy quyền - lỗi của anh em nửa ít, lỗi của lãnh đạo nửa nhiều”
- Vậy, cách tiến hành cụ thể ra sao để bảo đảm bộ máy sau hợp nhất vận hành trơn tru, hiệu lực, hiệu quả; xin đồng chí chia sẻ những bài học kinh nghiệm có thể vận dụng vào cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy lần này?
- Một là, phải làm thật tốt công tác tư tưởng, giải thích, động viên đúng mức, kịp thời.
Hai là, phải có những cơ chế, chính sách thỏa đáng đối với cán bộ, không để cho ai bị thiệt thòi, bất công. Phải có những cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc thù để thực hiện nhiệm vụ đặc biệt quan trọng này.
Ba là, phương pháp, cách làm phải công khai, dân chủ, công bằng để tạo sự đồng thuận trong đội ngũ cán bộ.
- Còn nhớ, khi hợp nhất, Hà Nội phải lựa chọn trong số sáu bảy mươi đồng chí giám đốc sở, ngành, hơn 10 đồng chí trưởng các ban Đảng và Văn phòng Thành ủy; trong từng cơ quan ai xuống làm phó, ai làm trưởng. Đồng chí đã chỉ đạo giải quyết bài toán khó này như thế nào để sau đấy không có đơn thư khiếu nại, tố cáo và dư luận cán bộ lúc đó cũng “tâm phục khẩu phục”?
- Ngày ấy, Hà Nội đã chủ động đề ra một số cơ chế, chính sách đặc thù. Khi ấy có thuận lợi là chỉ có mình Hà Nội tiến hành hợp nhất nên không bị ràng buộc phải theo một khuôn mẫu nào. Hà Nội tự đề xuất cơ chế, chính sách và nói chung những sự vận dụng này đều được Trung ương chấp thuận. Ví dụ, hai cấp ủy và hai HĐND Hà Nội và Hà Tây được giữ nguyên số lượng nhân sự. Trao đổi với Ban Tổ chức Trung ương, tôi nói phương án này tuy đông nhưng cấp ủy do Đại hội Đảng của hai địa phương bầu ra, HĐND do cử tri bầu, nên dù đông cũng phải giữ nguyên, chờ sang khóa sau mới giảm bớt được. Tổ chức không thể tự ý để ai, bỏ ai được. Còn các sở, ban, ngành, hội... thì nhất định phải giảm cấp trưởng, cấp phó và giảm đầu mối.
Chính sách đặc thù thứ hai là những cấp trưởng nhưng do hợp nhất không làm cấp trưởng nữa thì được giữ nguyên lương và phụ cấp trách nhiệm cho đến hết nhiệm kỳ. Anh em không có sai lầm, khuyết điểm gì, vì thực hiện chủ trương hợp nhất không nên cắt bỏ chế độ của họ.
Khi hợp nhất, số lượng cấp phó nói chung đều tăng gấp đôi, có nơi hơn gấp đôi. Ví dụ Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khi ấy có hai cấp trưởng và 13 cấp phó. Sau đó, thành phố phải điều động một số đồng chí về quận, huyện. Những đồng chí này cũng được giữ nguyên lương, phụ cấp trách nhiệm cho đến hết nhiệm kỳ. Tiếp đến, những cán bộ đang làm việc ở thành phố nay điều động về địa phương, cơ sở sẽ được phụ cấp tiền xăng xe đi lại. Cuối cùng, khuyến khích cán bộ xin nghỉ hưu sớm và được hưởng chế độ hưu trí tại thời điểm nghỉ hưu. Xin nói thêm, với chính sách như hiện nay, rất khó khuyến khích cán bộ nghỉ hưu sớm.
- Nhưng cốt lõi để có thành công, để sau đấy không có đơn thư, điều tiếng gì thì chắc chắn là phải công tâm, khách quan, thưa đồng chí?
- Đúng vậy. Trong công tác cán bộ, Đảng quy định phải làm rất nhiều khâu, nhiều bước. Nhưng sự công tâm, khách quan mới là quan trọng. 16 năm đã trôi qua là khoảng thời gian đủ để minh chứng cho những kết quả trong thực tế. Trong những lần về làm việc với thành phố, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều ghi nhận, biểu dương thành công của Hà Nội khi thực hiện mở rộng địa giới hành chính, trong đó đặc biệt là về công tác sắp xếp, bố trí cán bộ. Công tác cán bộ ngày ấy không có tiêu cực, không có chạy chức chạy quyền. Không phải ai khéo ăn khéo nói thì được bố trí vị trí tốt. Làm được việc này không hề dễ. Vừa phải tập thể, dân chủ, vừa đòi hỏi phải sâu sát, khách quan, công tâm, đạo đức. Đó là bài học kinh nghiệm lớn.
- Vậy, có trường hợp nào mà thành phố phải xử lý do không chấp hành sự phân công, thưa đồng chí?
- Có, tuy không nhiều. Tôi nhớ có một phó giám đốc sở được phân công đi làm phó chủ tịch một huyện, vì không muốn đi địa phương nên đồng chí đó viết đơn trình bày "tôi không có năng lực làm lãnh đạo quản lý chính quyền nên xin phép lãnh đạo cho tôi ở lại". Khi họp Ban Thường vụ, tôi nói đồng chí này đã tự nhận mình không có khả năng làm công tác lãnh đạo, quản lý thì ở lại cũng được, nhưng không được giữ chức vụ Phó Giám đốc sở nữa. Ý kiến của tôi được truyền đạt và đồng chí đó lập tức nhận quyết định đi về huyện. Lúc ấy, nếu đồng ý cho cán bộ đó ở lại thì bao nhiêu cán bộ khác cũng sẽ xin ở lại. Làm công tác cán bộ mà công tâm, khách quan thì kỷ cương, kỷ luật mới nghiêm được.
Kinh nghiệm thực tế cho thấy, nếu để cho anh em tự “chạy” thì lỗi của anh em nửa ít, lỗi của lãnh đạo nửa nhiều. “Ở trên ở chẳng chính ngôi, cho nên ở dưới chúng tôi hỗn hào” là như vậy.
Để đánh giá thành công của việc tinh gọn bộ máy, cần phải xem xét chất lượng, hiệu quả vận hành bộ máy. Trong đó, việc phân công, bố trí cán bộ có thật sự “tinh”, “gọn”, hợp lý hay không? Nếu sắp xếp mà người tốt bị loại ra, người xấu ở lại thì bộ máy dù có tinh cũng không mạnh được.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.