Khoảng tháng 8-2018, tôi được mời đến dự ngày truyền thống của Câu lạc bộ Tướng lĩnh, sĩ quan công an đồng hương Thanh Hóa tại Hà Nội. Hôm ấy có nhiều khách được mời dự.
Nhưng tôi chú ý đến việc tặng sách của nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị. Một cuốn sách khá dày. Nhìn lướt từ xa, tên sách XIN CHỮ làm tôi có ấn tượng về một tác giả nho nhã, khiêm nhường. Sau hôm ấy, tôi bắt đầu chú ý đến những sách ông viết và những bài của các tác giả đã viết về ông.
Mùa Xuân Giáp Thìn, năm 2024, tôi may mắn được nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị tặng một loạt sách quý của ông. Tôi xếp sách cao đến gần nửa mét. Và tôi lại cân nhắc: Nên đọc về ông như thế nào?
Tôi chú ý đầu tiên đến cuốn Duyên nợ cuộc đời (Nhà xuất bản Hà Nội năm 2023), gồm những bài viết của các tác giả và bạn bè của ông Phạm Quang Nghị về cuốn sách Đi tìm một vì sao (Nhà Xuất bản Hội Nhà văn năm 2022). Ông chua ngay từ đầu là Tự kể chuyện mình. Có lẽ cách nói về mình chân thành và khiêm tốn nên được người đọc chú ý. Thực chất đây là một cuốn hồi ký, nhưng ông kiêng dùng từ "hồi ký" chăng? Nhiều hồi ký đã xuất bản trước đó muốn thanh minh chuyện này chuyện nọ, muốn tô điểm một sự kiện nào đó của mình nhưng tự truyện của ông lại nói một cách bộc trực và chân thật. Và những cuốn khác của ông như: Nơi ấy là chiến trường, Nỗi nhớ vùng ven (Tập thơ), Thủ đô Hà Nội-Tầm vóc mới-Vị thế mới, Miền thương nhớ… tôi không thể không xem.
Tôi nể trọng khi nhìn khối lượng các tác phẩm mang tên Phạm Quang Nghị cao gần nửa mét nhưng rồi nhiều đêm trăn trở khi chưa biết nên viết cái gì về ông. Lãnh đạo thành phố Hà Nội các thế hệ, từ các tiền bối như Trần Duy Hưng, Lê Văn Lương, Phạm Thế Duyệt, Lê Xuân Tùng, Nguyễn Phú Trọng và rồi Phạm Quang Nghị… Những con người sừng sững một thời. Mỗi người có cách riêng để lãnh đạo Thủ đô phù hợp với hoàn cảnh lịch sử lúc đó. Với Phạm Quang Nghị, ông viết về Hà Nội, về công việc ở Thủ đô như một nhà văn.
Tháng 7-2024, rất nhiều việc của tôi bị dồn lại như viết về Văn hóa xứ Thanh 10 năm qua 2014-2024, thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TƯ, ngày 9-6-2014, Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước và bất ngờ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất. Tôi phải dành thì giờ để viết những bài mang tính thời sự, làm tôi không tập trung cho chủ đề Phạm Quang Nghị... Nhưng sau nhiều đêm nghiền ngẫm, kết hợp những cuốn đã đọc của Phạm Quang Nghị, tôi phát hiện ra rằng: Tư tưởng xuyên xuốt của Phạm Quang Nghị trong cả cuộc đời ông và trên các trang viết chính là 4 chữ mà ông đã xin 2 lần: Quang Minh Chính Đại.
Điều tôi nghĩ về ông, muốn viết về ông khi ông đã xa rời nhiệm sở là một việc vô cùng khó. Nhưng sau tôi nghĩ khác: Khi tôi được ông tặng những bộ sách quý ông viết dày hàng nửa mét thì đó là một thuận lợi chứ không phải khó nữa. Đọc những tư liệu ấy, những tác phẩm ấy, tôi bỗng phát hiện ra một điều: Nghiên cứu những tư liệu đó là đủ, không cần phải nghiên cứu tham khảo ai. Chính bằng tư tưởng Quang Minh Chính Đại, sách của ông đã nói hết rồi.
Trong mắt tôi, ông là một chính trị gia. Tư tưởng, phong cách lãnh đạo của ông là nhất quán. Ông nghiên cứu sinh làm bằng Tiến sĩ triết học ở Liên Xô (cũ), 20 năm ông ở cơ quan nghiên cứu lý luận (Phó ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương), ông đã từng làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin, làm Bí thư Thành ủy Hà Nội hai nhiệm kỳ, thì cho dù ông đã học lớp bồi dưỡng Viết văn Nguyễn Du hay đã viết nhật ký chiến trường, làm thơ từ những ngày mới ngoài hai mươi tuổi... thì tư tưởng chủ đạo cuộc đời ông là một chính trị gia. Ông chỉ thiên về một hướng thôi: Một cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nghiên cứu về ông, tôi cảm nhận được ở ông một chí hướng xuyên suốt: Ông chỉ phấn đấu làm một người tốt. Sống trong sáng theo một lý tưởng đã định sẵn: Làm một công dân yêu nước và phấn đấu vì Tổ quốc. Lý tưởng ấy thì nhiều người trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đều có nhưng ở ông tôi nhìn thấy cụ thể hơn. Dường như từ những năm tháng ấy ông đã chuẩn bị để trở thành một tác giả, chưa biết là nhà văn, nhà báo hay nhà khoa học. Tôi có cảm giác ấy từ khi tôi đọc nhật ký của ông: Nơi ấy là chiến trường (Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, năm 2019). Ông không có ý định phấn đấu để làm lãnh đạo, là Bộ trưởng hay Bí thư... mà hằng ngày trong mọi công việc ông dốc lòng phấn đấu để làm tròn nghĩa vụ của một người lính, một công dân có trách nhiệm với đất nước. Từ lúc còn là học sinh ông phấn đấu để trở thành con ngoan, trò giỏi. Khi vào chiến trường là một người lính gan dạ, hoàn thành nhiệm vụ thiêng liêng: Chiến đấu vì độc lập, tự do cho Tổ quốc.
Ở nơi trận mạc ông không hề sợ đạn bom, nhưng với cuộc đời, ông yêu thương từng con chó của dân bị bỏ đói. Tôi rất ấn tượng đoạn văn ông kể, khi đoàn giải phóng quân từ thôn ấp ra đi, cả đàn chó đói chạy theo như để tiễn đưa. Ông dừng lại chia sẻ cho chúng nửa nắm cơm phần của người lính. Hình ảnh nhân bản ấy thật hiếm có. Đấy là nhân cách của một nhà văn hóa dù lúc ấy ông chỉ là một người lính trẻ.
* *
*
Tôi có cảm giác một cách rất rõ, khi hết chiến tranh ông chỉ thầm mong sớm được trở về Bắc với bố mẹ, gia đình, không hề nghĩ là sẽ làm chức này, chức kia... Những sắp xếp sau đó của tổ chức lại diễn ra như một cái gì trời định. Kể cả việc ông đi nghiên cứu sinh, về Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương... như là đã có ai đó sắp đặt sẵn và ông không hề chạy vạy, xin xỏ gì.
Ông sống với tư tưởng Quang Minh Chính Đại từ lâu rồi. Cho dù mấy chục năm sau ông mới xin 4 chữ ấy và xin đến 2 lần. Xin chữ chẳng qua là để nhắc nhở, khẳng định thêm tư tưởng của mình mà thôi.
Với tư tưởng ấy, khi ông về làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam, ông giải quyết mọi vấn đề lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể của một tỉnh nhỏ, nghèo khó, mất đoàn kết trầm trọng... mà dễ như không. Bởi cái tâm ông trong sáng, đoàn kết được mọi người... và ông đã thành công. Còn nói chuyện năm "Hạn 49-53" là ông nói cho vui thôi, cũng có thể khi khó khăn đến ông lo nghĩ mà nói thế. Từ Phó ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương về làm Bí thư Tỉnh ủy một tỉnh nội bộ đang xảy ra mất đoàn kết trầm trọng đâu phải chuyện đùa. Không biết lúc ấy ai là người ký quyết định đưa ông về tỉnh Hà Nam? Tổng Bí thư Đỗ Mười chăng? Nếu thế, Tổng Bí thư Đỗ Mười đã nhìn thấy một cán bộ lãnh đạo giỏi trong tương lai.
Ngay cả khi ông về làm Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin, tôi cũng có cảm giác như là trời đã định sẵn. Những vấn đề giải quyết ở bộ mà ông đã từng kể: Vấn đề chùa Hương, tháo dỡ 45 điểm chùa giả động giả; ca sĩ Ái Vân và những giọt nước mắt ngày trở về; câu chuyện Nhà Vương ở Đồng Văn Hà Giang; vấn đề di tích số 18 phố Hoàng Diệu... ông vẫn giải quyết theo một tư tưởng chủ đạo: Quang Minh Chính Đại. Lấy thực tế làm cơ sở đề xử lý, luật lệ phép tắc truyền thống chỉ là tham khảo. Thực tế xảy ra ở lĩnh vực Bộ quản lý, nhiều việc chưa có tiền lệ, đòi hỏi Bộ trưởng phải cân nhắc để nhận được sự ủng hộ của nhân dân.
Và về Hà Nội làm Bí thư Thành ủy cũng thế. Công việc được giao đến với ông khá bất ngờ. Ông kể, ông muốn được về lại Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương nhưng tổ chức lại xếp ông về làm Bí thư Thành ủy Hà Nội. Vẫn cái tâm sáng ấy, lấy thực tiễn khách quan làm trọng, đặt mình vào mọi người... Vẫn cái tư tưởng chủ đạo Quang Minh Chính Đại, ông đã thành công trong hai nhiệm kỳ liên tiếp.
Hà Nội không vội được đâu! Đúng như ông Phạm Quang Nghị viết trong bài: Ngẫm câu nói Hà Nội không vội được đâu! Đấy cũng là suy nghĩ của nhiều người về cách ứng xử với công việc của Thủ đô: Từ từ mà làm. Vội nhiều khi sẽ hỏng việc! Nhưng rất tiếc, với Hà Nội việc nào cũng yêu cầu phải nhanh, không thể từ từ được. Trong khi mọi việc đều phải cân nhắc để quyết định đúng thời điểm. Cần có nguyên tắc đến mức phải có LUẬT THỦ ĐÔ, có nghĩa là phải thận trọng khi quyết định các vấn đề lớn. Phải là người lãnh đạo có trình độ cao, có bản lĩnh mới hiểu và quyết định được những công việc của Hà Nội. Và lại còn cái câu đầy mâu thuẫn nhưng lại rất biện chứng: Muốn nhanh phải từ từ. Thực ra, 5 từ ấy bản chất cũng là đường đường chính chính, phải thận trọng, rõ ràng, mạch lạc. “Dục tốc bất đạt”, các cụ xưa đã dạy. Hà Nội những năm THIÊN NIÊN KỶ nghìn năm Thăng Long, bao nhiêu sự kiện: Nghìn năm chiếu dời đô, Hà Tây hợp nhất về Hà Nội... những công việc quá lớn, chưa có tiền lệ, không rõ ràng, minh bạch, không Quang Minh Chính Đại thì không thể xử lý được. Ông Phạm Quang Nghị đã làm một việc hợp lòng người trong 10 năm làm Bí thư Thành ủy Hà Nội. Khi có một độ lùi của lịch sử 15-20 năm mới thấy những quyết sách của ông là chính xác.
Việc xin 4 chữ Quang Minh Chính Đại chỉ là một cử chỉ, là một ứng xử thể hiện một phong cách lãnh đạo đã được hình thành từ lâu trong đầu của một nhà văn hóa PHẠM QUANG NGHỊ.
Việc ông yêu cầu đưa bộ bàn ghế đã từng được các thế hệ Bí thư Thành ủy Hà Nội tiếp khách về bảo tàng Hà Nội cũng cho thấy, ông Phạm Quang Nghị muốn những Quang Minh Chính Đại một thời của những nhà lãnh đạo tiêu biểu của Hà Nội phải được lưu giữ về sau, không bị thời gian làm cho Hà Nội hào hoa, thanh lịch bị phai mờ. Đấy cũng là một cách ứng xử Quang Minh Chính Đại, Phạm Quang Nghị không muốn làm lẫn lộn với những gì là cầu kỳ, pha tạp khác. Một cách ứng xử văn hóa.
Tôi rất cảm động khi đọc những dòng con rể ông tổng kết những bài học đã học được ở ông khi đọc cuốn Đi tìm một vì sao. Khi vác ba lô ra chiến trường, không ai nghĩ là mai sau mình sẽ làm Bộ trưởng, làm Bí thư Tỉnh ủy. Ra chiến trường, chiến đầu vì Tổ quốc. Đấy là ý nghĩ Quang Minh Chính Đại. Mơ ước trong sáng nhất của người thanh niên Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh là được làm nghĩa vụ thiêng liêng vì Tổ quốc. Tuy nhiên, hiểu là một việc, còn học để làm theo được lại là một việc hoàn toàn khác.
Tôi cũng rất ấn tượng khi Phạm Quang Nghị nói về việc, khi ông mở cửa xe để đi làm thấy 2 bà cháu đã ngồi trong xe định đi nhờ, nhưng ông yêu cầu phải ra khỏi xe. Điều đó có nghĩa công tư rõ ràng. Vợ con, bà cháu cũng thế! Có vẻ như nguyên tắc ấy mới nghe thì không được thoải mái lắm nhưng hiểu ra thì thấy đấy là sự ứng xử nhất quán của ông.
Người ta viết về Phạm Quang Nghị rất nhiều và tôi đã đọc nhiều về những tác phẩm ông viết. Nhưng tôi đã đọc được điểm nhấn nổi bật của phong cách làm việc, nhân cách đáng quý của ông, điểm sáng nhất xuyên suốt cuộc đời ông, gói gọn vào 4 chữ Quang Minh Chính Đại. Bốn chữ ấy, như ông đã tự kể, dường như nó đã vận vào ông. Bốn chữ ấy giải thích được tất cả những gì thành đạt cả cuộc đời của một chính khách Phạm Quang Nghị.
Tôi cảm ơn ông Phạm Quang Nghị đã cho tôi đọc những trang viết về cuộc đời ông khi ông đã đến tuổi nghỉ ngơi. Tôi có cơ hội tiếp cận để có thể tranh luận với ông về thế sự.
Tôi đã đọc mấy chục bài viết về ông, dù họ là tác giả, nhà văn, nhà thơ hay chính khách... Mỗi người đều có một góc nhìn riêng. Tôi có may mắn được đọc những cuốn sách do chính tay ông viết.
Tôi cảm thấy thật là may mắn, cho dù là muộn, đã được đọc và viết về Phạm Quang Nghị. Ông đã cho tôi những bài học quý: Nhân cách để làm người.
Hà Nội, mùa thu, tháng 9-2024
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.