Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một bước đi mạo hiểm

Hoàng Linh| 10/12/2019 07:05

(HNM) - Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 8-12 cho biết: Bình Nhưỡng đã tiến hành một vụ thử "rất quan trọng" tại bãi phóng Sohae (Dongchang-ri, Cholsan, tỉnh Bắc Pyongan). Theo giới chuyên gia quân sự, rất có thể đây là động cơ mới trang bị cho tên lửa. Động thái này được coi là nhằm gây sức ép đối với Mỹ trong đàm phán về phi hạt nhân hóa...

Vụ phóng tên lửa ngày 7-12 vừa qua được xem là lời cảnh báo của Bình Nhưỡng đối với Washington về kết quả các đàm phán.

Trong tuyên bố đăng trên KCNA, người phát ngôn của Viện Khoa học Quốc phòng Triều Tiên nêu rõ, kết quả của vụ thử này là thành công và sẽ được trình lên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên. Kết quả này cũng sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi vị thế chiến lược của Triều Tiên.

Bãi phóng Sohae chính là nơi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un từng cam kết sẽ đóng cửa vĩnh viễn, như một phần trong những thỏa thuận phi hạt nhân hóa mà lãnh đạo hai miền Triều Tiên đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều lần thứ ba (diễn ra tại Bình Nhưỡng vào tháng 9-2018). Chính vì vậy, giới quan sát cho rằng, động thái thử động cơ tên lửa lần này là thông điệp cảnh báo mà Bình Nhưỡng muốn gửi tới Tổng thống Mỹ Donald Trump. Triều Tiên đe dọa sẽ nối lại các cuộc thử nghiệm vũ khí nếu các cuộc đàm phán với Mỹ về phi hạt nhân hóa không đạt bước đột phá trước khi năm 2019 kết thúc. Tuy nhiên, tới nay cả Bộ Quốc phòng Mỹ và Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đều chưa đưa ra bình luận nào.

Thực tế, trong năm 2018, nhiều cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa Triều Tiên đã diễn ra theo chiều hướng tích cực, trong khi Bình Nhưỡng cũng ngừng thử vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, bước sang năm 2019, thế giới chứng kiến rất ít tiến triển trong các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa giữa Mỹ và Triều Tiên. Mới đây, hai bên đã tổ chức các cuộc đàm phán cấp chuyên viên tại Stockholm (Thụy Điển) nhưng bất thành do Bình Nhưỡng cáo buộc Washington không đưa ra được bất cứ đề xuất mới nào. Cùng với những bế tắc trong đàm phán, chỉ tính từ tháng 5 đến nay, Triều Tiên đã tiến hành tổng cộng 13 vụ phóng thử tên lửa đạn đạo.

Tình hình càng trở nên xấu đi khi ngày 7-12, Đại sứ Triều Tiên tại Liên hợp quốc Kim Song tuyên bố vấn đề phi hạt nhân hóa đã bị rút khỏi các cuộc đàm phán với Mỹ. Nhà ngoại giao này khẳng định, việc Mỹ hướng tới “các cuộc đối thoại được duy trì liên tục và quan trọng” chỉ là cách để Washington đạt được lợi ích ở chương trình nghị sự trong nước. Do đó, Bình Nhưỡng cho rằng những cuộc đàm phán như vậy là không còn cần thiết. Bình Nhưỡng cũng kêu gọi Washington từ bỏ chính sách thù địch và ngừng đưa ra các yêu cầu đơn phương. Về phần mình, trong phát biểu mới đây, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng quan hệ hai bên tốt đẹp cho dù vẫn có sự đối đầu nhất định; đồng thời nhấn mạnh rằng “sẽ rất ngạc nhiên” nếu Bình Nhưỡng có hành động thù địch.

Ngoài Mỹ, hiện nay Triều Tiên cũng không hài lòng với một số nước châu Âu, đặc biệt là sau khi các thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Bỉ, Estonia, Pháp, Đức, Ba Lan và Anh lên án việc Triều Tiên tiếp tục thử tên lửa đạn đạo, đồng thời kêu gọi thực thi nghiêm ngặt các lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng.

Chỉ còn chưa đầy 3 tuần nữa là kết thúc năm 2019 - thời hạn chót mà Bình Nhưỡng đe dọa sẽ nối lại thử nghiệm vũ khí nếu các cuộc đàm phán với Mỹ về phi hạt nhân hóa không đạt được đột phá. Theo giới phân tích, hàng loạt động thái trên cho thấy Triều Tiên đang gây sức ép nhằm tìm kiếm sự nhượng bộ từ phương Tây. Tuy nhiên, đây là bước đi mạo hiểm bởi việc thử tên lửa có thể sẽ khiến Triều Tiên phải đối mặt với những quan ngại và phản ứng của dư luận quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một bước đi mạo hiểm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.