(HNM) - Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật giới thiệu với bạn đọc cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử
Đã gần bốn thập kỷ trôi qua, kể từ giờ phút lịch sử trưa 30-4-1975 lá cờ cách mạng được kéo lên trên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu giờ phút toàn thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta, nhưng những hồi ức về cuộc chiến tranh vẫn chưa phai nhạt trong lòng người dân Việt Nam cũng như người dân Mỹ. Thời gian ngày càng lùi xa thì diễn biến những sự kiện lịch sử ngày ấy càng được sàng lọc, kiểm nghiệm và thông điệp của nó gửi lại cho chúng ta hôm nay càng sâu sắc hơn.
Cuốn sách được ấp ủ trong gần 40 năm của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh vừa ra mắt bạn đọc. |
Trên tinh thần đó, có thể nói "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" là cuốn sách được chờ đợi của những người quan tâm tới cuộc chiến tranh tại Việt Nam, đặc biệt những người từng sống ở Sài Gòn, từng sống dưới chính thể Việt Nam Cộng hòa (chính quyền Sài Gòn) trước 30-4-1975. Cuốn sách mà tác giả ấp ủ thực hiện ra đời sau gần 40 năm, kể từ giờ phút lịch sử trưa 30-4-1975 ở Dinh Độc Lập, khi ông may mắn được chứng kiến và viết bài tường thuật đầu tiên của giới báo chí Việt Nam về những giờ phút trọng đại của dân tộc. Từng là phóng viên chiến tranh của Việt Nam Thông tấn xã (nay là Thông tấn xã Việt Nam) ở chiến trường miền Nam, đầu năm 1975 tác giả được cử tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử với nhiệm vụ là đặc phái viên Việt Nam Thông tấn xã đi trong đoàn do đích thân Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam khi đó dẫn đầu. Bám sát các binh đoàn chủ lực, tác giả đã theo đoàn quân tiến vào giải phóng hầu hết các thành phố, thị xã suốt từ Huế tới Sài Gòn và may mắn có mặt, chứng kiến những giờ phút lịch sử trưa 30-4-1975 tại Dinh Độc Lập. Những tài liệu nguyên bản thu được, những trang ghi chép tại thực địa trong quá trình tham gia chiến dịch và trong những ngày tháng đầu tiên của Sài Gòn giải phóng, đặc biệt những tư liệu quý giá từ phía chính quyền Sài Gòn mà tác giả may mắn được các cơ quan có thẩm quyền trong và ngoài quân đội cho phép tiếp xúc, khai thác đã giúp ông xây dựng nên cuốn sách.
Trên cơ sở những tài liệu nguyên bản, những tư liệu, sự kiện, sự việc có tính xác thực từ phía bên kia được dựng lại xuyên suốt và hệ thống, với một cái nhìn điềm tĩnh, khách quan, không thiên kiến, không chen bất cứ bình luận nhận xét cá nhân nào của tác giả, với độ lùi gần bốn thập kỷ sau khi chiến tranh kết thúc, có thể nói "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" là bức phác thảo toàn cục và chi tiết về quá trình sụp đổ cùng chân dung của hầu hết tướng lĩnh quân đội và số phận những người cầm đầu chính thể Sài Gòn trong 4 tháng cuối cùng của chiến tranh: Tháng 1, 2, 3, 4-1975 (từ chiến thắng Phước Long - 1-1975 tới những giờ phút lịch sử trưa 30-4-1975 tại Dinh Độc Lập). Cuốn sách dày gần 500 trang, gồm 19 chương. Cuối mỗi chương ghi chú rõ những nguồn tài liệu đáng tin cậy giúp tác giả xây dựng nên chương sách đó. Những bức thư và điện văn của Tổng thống Mỹ R.Nixon và G.Ford gửi Nguyễn Văn Thiệu và trả lời của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa; toàn bộ các văn bản đệ trình của Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn, các quyết định, sắc phong; toàn bộ các bức điện chỉ huy tác chiến của Nguyễn Văn Thiệu và Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn trong quá trình diễn ra sự sụp đổ; các bản tường trình cùng lời khai của hàng chục tướng lĩnh các quân đoàn, sư đoàn, các tướng lĩnh thuộc Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn được tác giả viện dẫn trong cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử này đều là những tài liệu nguyên bản. Độ tin cậy không chỉ thể hiện ở nội dung mà còn ở thời gian ban hành văn bản cũng như thời khắc các bức điện tuyệt mật chỉ huy tác chiến được phát đi. Diễn biến trên chiến trường cũng như trên chính trường cùng đời sống thường nhật trong quá trình diễn ra sự sụp đổ tại các tỉnh, thành phố thuộc Tây Nguyên, tại Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết, Đà Lạt, Xuân Lộc, Biên Hòa và Sài Gòn - Gia Định được phản ánh một cách chân xác, sống động.
Chính vì độ tin cậy như vậy, sau khi thẩm định, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật đã giới thiệu cuốn sách với bạn đọc. Đây cũng là trường hợp đặc biệt bởi rất hiếm khi nhà xuất bản này cho in một cuốn tiểu thuyết, ở đây là cuốn tiểu thuyết tư liệu lịch sử. Cuốn sách không chỉ phục vụ nhu cầu tìm hiểu của bạn đọc nói chung, mà phần nào còn có tác dụng tham khảo, tra cứu tư liệu khi các nhà nghiên cứu và sáng tác văn học nghệ thuật. Chính vì vậy, có thể nói "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75" như một biên niên sử với những trang nhật ký thời cuộc sống động về những giờ phút xoay vần quyết định của lịch sử. Trong đó, làm nổi bật chiến thắng vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta, mà rõ nét và có ý nghĩa quyết định nhất là sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng ta. Nó bác bỏ luận điệu sai trái của những kẻ muốn xuyên tạc lịch sử hòng bào chữa cho thất bại và mưu toan hạ thấp chiến thắng của dân tộc ta.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.