Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Mong muốn phát triển du lịch Việt Nam lên tầm chuyên nghiệp”

Anh Thư| 13/09/2013 07:16

(HNM) - Du lịch Việt Nam đang có nhiều cơ hội trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn với nhu cầu nhân lực ngày càng tăng. Tuy nhiên chúng ta vẫn chưa thật sự có chiến lược lâu dài trong việc đào tạo, dẫn đến tình trạng nguồn nhân lực vừa thiếu, vừa yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu, xu thế của hội nhập.

Là “người trong cuộc” - TS Vũ Khắc Chương, Hiệu trưởng Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn (Saigonact), bộc bạch: “Việt Nam bắt đầu đẩy mạnh du lịch từ đầu những năm 1990 và việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ lĩnh vực này được bắt đầu chú ý. Tuy nhiên, hơn 20 năm nay, việc đào tạo nhân lực ngành này cũng cơ bản chỉ đáp ứng nhu cầu và ngành du lịch Việt Nam hiện tại vẫn chỉ được đánh giá là… tiềm năng”.

TS Vũ Khắc Chương trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên.



- Cơ sở nào mà ông đưa ra nhận định như thế?

TS Vũ Khắc Chương: Thực tế ở những khách sạn lớn, khu nghỉ dưỡng hay resort… các vị trí điều hành và chủ chốt hầu như đều là người nước ngoài và họ được trả lương cao ngất ngưởng. Trong khi đó đa số nguồn nhân lực ngành du lịch Việt Nam chỉ được làm ở những vị trí khá thấp như lễ tân, phục vụ… Thậm chí, nhiều DN người Việt đang khai thác kinh doanh ngành “công nghiệp không khói” này cũng không mặn mà với việc tuyển sinh viên du lịch mới ra trường vì đa số đều phải đào tạo lại. Ngoài ra, nhiều cơ sở đào tạo hiện nay vẫn chưa chú trọng đến tính thực tế, thời gian thực tập ít, lại không được va chạm nhiều trong thực tế nên chất lượng đầu ra của sinh viên yếu kém.

- Nhìn được thực tế đó, liệu Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn có lối đi riêng?

TS Vũ Khắc Chương: Quy mô đào tạo của chúng tôi tăng hằng năm, tuy nhiên để đào tạo ra những người có thực tài, chúng tôi không đào tạo ồ ạt mà chú trọng vào chất lượng. Để làm được như thế, Saigonact đặt vấn đề rèn luyện kỹ năng lên hàng đầu. Các em sinh viên từ năm thứ nhất ngoài được thực tập ngay tại trường để áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế thì còn được tham gia thực tế ở các cơ sở đào tạo du lịch, các khu du lịch… Từ năm thứ hai trở lên, nếu các em có nguyện vọng chúng tôi sẽ gửi các em đến các đơn vị kinh doanh du lịch để các em vừa học vừa làm. Hơn thế nữa nhà trường còn mời các chuyên gia về hướng dẫn sinh viên các kỹ năng nghề nghiệp, thái độ phục vụ và phong cách phục vụ khách... theo tiêu chuẩn Á - Âu. Đặc biệt, nhà trường còn liên kết với một số trường, trung tâm, đơn vị kinh doanh du lịch ở nước ngoài như Hàn Quốc, Singapore… để các em có thể tiếp cận, học tập tại những môi trường làm việc chuyên nghiệp. Điều đáng phấn khởi là các đối tác trong và ngoài nước đã gửi về những đánh giá rất tích cực đối với sinh viên Khoa du lịch của Saigonact và tiếp tục ký kết với khoa để nhận sinh viên về thực tập trong các năm tiếp theo.

- Theo ông, đâu là tiêu chuẩn của một “chuyên viên” du lịch chuyên nghiệp?

TS Vũ Khắc Chương: Ngoài chuyên môn và kiến thức vững vàng, đội ngũ nhân lực làm ngành du lịch phải có tri thức đạo đức nghề nghiệp và có khả năng thích ứng, sáng tạo trong xu thế hội nhập - cạnh tranh. Ngoài ra, du lịch còn là tổng hòa của nhiều khía cạnh nên một người làm du lịch chuyên nghiệp phải là một người có tính nhân văn, văn hóa…

- Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn được quan tâm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam?

TS Vũ Khắc Chương: Mới đây, trường đã vinh dự được ông Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam và Bộ trưởng Bộ Du lịch Campuchia - ngài Thong Khon đến thăm. Tại buổi gặp mặt này, ông Hoàng Tuấn Anh đánh giá cao những thành quả nhà trường đã đạt được và những cố gắng nỗ lực của tập thể CB-GV-NV nhà trường. Đồng thời, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết sẽ có văn bản gửi Bộ GD-ĐT và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét việc nâng cấp nhà trường lên thành trường đại học trong thời gian sớm nhất.

Về phía Campuchia, Bộ Du lịch Campuchia cũng đồng ý cấp cho trường 3ha đất tại Thủ đô Phnom Penh, 4ha đất tại Siêm Rệp hoặc 7ha đất tại Thủ đô Sihanouk để xây dựng chi nhánh trường đại học nhằm đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho ngành du lịch đang ngày càng phát triển tại đất nước này.

- Ông có lời khuyên gì dành cho sinh viên ngành du lịch mới ra trường?

TS Vũ Khắc Chương: “Hãy bắt đầu từ những việc nhỏ nhất”. Tôi nói điều này là vì ở các nước, bài học vỡ lòng của sinh viên ngành quản trị khách sạn là thực tập lau chùi toilet, dọn dẹp phòng, phục vụ trong nhà ăn sinh viên; còn ở Việt Nam thì việc đó là của lao công - Tâm lý này đã khiến nhiều sinh viên đành chấp nhận thất nghiệp chứ không chịu bắt đầu từ những việc rất nhỏ. Và khi việc nhỏ sinh viên còn chưa biết làm, ai dám giao việc lớn?!

- Xin cảm ơn ông!

Trường được thành lập ngày 17-10 -2006 theo Quyết định số 5845/QĐ-BGD&ĐT. Hiện trường có 14 ngành bậc CĐ và 16 ngành bậc trung cấp chuyên nghiệp và 5 cơ sở đào tạo có khả năng đào tạo từ 15.000 đến 17.000 sinh viên gồm: Cơ sở 1 tại 83/1 Phan Huy Ích, phường 12, quận Gò Vấp, có diện tích đất rộng khoảng 2.055m2, được xây dựng thành một cao ốc 6 tầng và khu ký túc xá khang trang đi vào hoạt động từ tháng 11-2008; cơ sở 2 tại đường số 8, phường 16, quận Gò Vấp; cơ sở 3 tại số 75 - 77 Thống Nhất quận Gò Vấp; cơ sở 4 tại 73/49A Phan Huy Ích, phường 12, quận Gò Vấp; cơ sở 5 số 57/10 xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Mong muốn phát triển du lịch Việt Nam lên tầm chuyên nghiệp”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.