(HNM) - "Gửi tới mai sau" 1000 vật phẩm nhân dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội là một ý tưởng tuyệt vời. Đằng sau những vật phẩm sẽ là bức thông điệp hàm chứa ý nghĩa nhân văn sâu sắc mà những con người hôm nay gửi tới thế hệ con Lạc, cháu Hồng của 1000 năm sau. Nhưng liệu có cần món quà 1001?
Thế hệ những con người 1000 năm trước đã không gửi thông điệp cụ thể nào tới thế hệ chúng ta hôm nay là những quà tặng bằng kỹ thuật và công nghệ cao. Nhưng không có nghĩa là người Hà Nội hôm nay không có quà hay không nhận được thông điệp. Hà Nội ngàn tuổi đã có rất nhiều quà, kể cả vật chất lẫn phi vật chất. Những món quà vật chất của Hà Nội 1000 năm trước thì ai cũng biết. Khách thập phương vẫn dập dìu đổ về Thủ đô tham quan đền đài, di tích phong phú về số lượng, đa dạng về kiến trúc và còn được phủ dày những lớp văn hóa kỳ thú. Còn những giá trị phi vật chất, Hà Nội đang hàm chứa rất nhiều. Tất cả đã làm nên đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến của chúng ta cùng với danh thơm người Tràng An văn minh, thanh lịch... Đó là vinh hạnh lớn cho Hà Nội ngày nay.
Nhiều năm qua, TP Hà Nội đã ra sức đầu tư cho việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa, lịch sử mà cha ông truyền lại, mà đáng kể nhất là hàng loạt công việc được triển khai trong năm 2009 và đang được triển khai trên diện rộng trong năm nay nhằm tạo dựng cho Thủ đô một diện mạo mới. Nhưng đó là công việc phức tạp và phải đối diện với nhiều thách thức vì đô thị hóa, thương mại hóa và ít nhiều còn là sự tha hóa của con người. Những người yêu Thủ đô vẫn không ngừng trăn trở trước sự mai một của những giá trị văn hóa, văn hiến Hà Nội xưa mà biểu hiện rõ nhất là những cử chỉ ứng xử chưa hay, chưa đẹp của nhiều người Hà Nội: xả rác nơi công cộng, bôi bẩn lên di tích, chặt cây, bẻ cành, nói tục, chửi thề, chen lấn, xô đẩy, thậm chí là cãi chửi, đánh nhau... Điều đáng lo hơn là trước những trái tai gai mắt đó, nhiều người (kể cả những người già, trí thức) vẫn nhắm mắt làm ngơ, âm thầm bỏ mặc. Những món quà của tiền nhân đang hao khuyết trong mắt mỗi người yêu Hà Nội, không ngừng thách thức sự cố gắng cũng như trách nhiệm của các cơ quan hữu trách.
Phép ứng xử theo đúng lễ nghĩa thông thường của người được nhận quà, nhất là bậc con cháu, là phải giữ gìn món quà cho cẩn trọng. Đó là cách thể hiện mình xứng đáng được nhận quà và là sự kính trọng đối với người truyền tặng. Hà Nội, trong đó có mỗi chúng ta có trách nhiệm và nghĩa vụ phải thực hiện cho được cái lễ nghĩa thông thường đó. Điều dễ làm nhất, đáng làm nhất lúc này là tự mình (đã là tốt lắm rồi) và giúp đỡ những người xung quanh (nếu có thể) làm cho Hà Nội "xanh, sạch và đẹp" hơn mỗi ngày cả về môi trường đô thị lẫn môi trường văn hóa.
Nhân, nghĩa, lễ, trí, tín là những giá trị cơ bản ở con người, chúng ta không thể để mất dù là một ít giá trị trong đó. Đây là cách chúng ta góp thêm món quà thứ 1001 "gửi tới mai sau", một món quà không nên thiếu và nhất định không thể thiếu trong dịp lễ trọng đại kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.