(HNM) - Cuối tuần qua, tại Oasinhtơn, Bộ Ngoại giao Mỹ đã công bố bản Báo cáo hằng năm đánh giá tình hình nhân quyền năm 2009 ở khoảng 190 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã bác bỏ những luận điệu xuyên tạc, bóp méo sự thật mà bản báo cáo đưa ra; đồng thời khẳng định đó là những nhận xét không khách quan, dựa trên những thông tin sai lệch về tình hình thực tế tại Việt Nam. Những ai đã từng đến Việt Nam thời gian qua đều không thể phủ nhận một sự thật là, sự cất cánh của nền kinh tế với những thành công trong chiến lược xóa đói, giảm nghèo toàn diện, bền vững, bảo đảm quyền của người dân trên các lĩnh vực dân sự, chính trị, giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội... Đó là những bằng chứng cụ thể, sinh động và thuyết phục cho chính sách nhất quán của Việt Nam là tôn trọng và bảo đảm quyền con người. Trải qua những đêm dài dưới ách chiếm đóng của ngoại bang, người dân Việt Nam hiểu rõ họ đang thụ hưởng những quyền con người phù hợp với các chuẩn mực pháp lý quốc tế. Luật pháp Việt Nam bảo đảm người dân được sống bình đẳng, có quyền tham gia quản lý công việc của Nhà nước và xã hội; được bầu cử lựa chọn người lãnh đạo các cấp... song cũng kiên quyết không nhân nhượng trước những hoạt động đội lốt dân chủ để gây rối trật tự, kích động bạo loạn, làm mất ổn định đất nước. Như một đánh giá công bằng về sự ổn định chính trị tại Việt Nam, Tổ chức Economist Intelligence Unit (EIU) đã xếp Việt Nam đứng thứ 39 trong danh sách các nước an toàn nhất trên thế giới năm 2009 theo Chỉ số hòa bình toàn cầu (GPI) trong khi Mỹ đứng thứ 83. Chỉ số GPI được đánh giá dựa trên các yếu tố chiến tranh, xung đột, tôn trọng quyền con người, số vụ giết người, số người bị cầm tù, tổng lượng mua bán vũ khí và mức độ dân chủ...
Bên cạnh đó, luận điệu xuyên tạc Việt Nam đàn áp tôn giáo trong bản Báo cáo nhân quyền 2009 của Mỹ đã tự trở nên lạc lõng trước thực tế hùng hồn là ở Việt Nam hiện có nhiều tôn giáo và có khoảng 20 triệu người theo các tôn giáo khác nhau. Chính sách khuyến khích tín đồ của tất cả các tôn giáo cùng đoàn kết, chung tay xây dựng đất nước là bằng chứng không thể chối cãi về sự tôn trọng tự do tôn giáo ở Việt Nam. Chính Hạ nghị sỹ Mỹ Eni Faleomavaega sau nhiều lần đến Việt Nam đã khẳng định con số hơn 7,5 triệu người là người Công giáo và việc các nhà thờ lớn hiện diện trên khắp đất nước cho thấy Chính phủ Việt Nam cho phép người dân có quyền tự do tín ngưỡng và họ có thể quyết định theo hoặc không theo tôn giáo nào.
Sự phát triển nhanh chóng, đa dạng về loại hình và phong phú về nội dung của các phương tiện thông tin đại chúng thời gian qua đã phản ánh một khía cạnh quan trọng của đất nước Việt Nam đổi mới, nơi quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí và thông tin luôn được coi trọng. Hiện nay, báo chí đã trở thành công cụ hữu hiệu trong việc bảo vệ lợi ích xã hội, phát hiện những hành vi tiêu cực, sai trái và bảo vệ các quyền tự do của nhân dân. Trên tinh thần đó, tại Việt Nam hoàn toàn không có việc một người nào đó bị giam giữ vì bày tỏ chính kiến, mà chỉ có những người vi phạm luật pháp bị xét xử trước pháp luật. Những kẻ bị kết án đã thừa nhận các hành vi vi phạm pháp luật trước các phiên tòa xét xử công khai.
Kể từ khi bản Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền ra đời năm 1948, nhân quyền ngày càng trở thành vấn đề toàn cầu và có sự khác biệt sâu sắc về quan điểm giữa Đông và Tây. Thời gian qua đi, người ta nhận thấy nhân quyền đang được Mỹ sử dụng như một chiêu bài nhằm áp đặt các giá trị phương Tây, giá trị Mỹ cho cả nhân loại. Tuy nhiên, điều trớ trêu là về cả tư cách pháp lý và thực tiễn, nước Mỹ hoàn toàn không có quyền đứng ở vị trí "thẩm phán nhân quyền" để phán xét nước khác. Chính tại Mỹ, quyền con người đã và đang trở thành dấu hỏi lớn khi mỗi năm nước này có khoảng 30.000 người chết do các vụ bạo lực liên quan đến vũ khí cá nhân, những hành động lạm quyền của cảnh sát Mỹ trong thừa hành nhiệm vụ đã trở nên phổ biến trong khi số người vô gia cư và thất nghiệp ngày càng gia tăng. Việc Chính phủ Mỹ giám sát hoạt động mạng internet, ban hành luật mới về nghe trộm điện thoại hồi tháng 7-2008, tiến hành cuộc chiến tranh Irắc, ngược đãi tù nhân tại Guantanamo, duy trì lệnh cấm vận kéo dài tới 5 thập kỷ chống Cuba... là những vết đen nhân quyền mà những người nhào nặn báo cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ đã cố tình không nhận ra.
Sau những biến cố, thăng trầm, quan hệ Việt - Mỹ đã vượt qua nhiều trở ngại để có những bước phát triển tích cực. Do đó, việc "xuất xưởng" bản báo cáo với những thông tin bịa đặt xuyên tạc về tình hình nhân quyền ở Việt Nam đã đi ngược lại xu thế và mong muốn xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa chính phủ và nhân dân hai nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.