(HNM) - Giá thực phẩm liên tục biến động trong thời gian gần đây khiến người tiêu dùng không thể yên tâm. Chỉ trong thời gian ngắn, giá các mặt hàng thiết yếu như thịt lợn, rau xanh... tăng gấp rưỡi, gấp đôi so với cùng kỳ năm trước là chuyện không bình thường. Dù hiện nay giá cả đã tương đối ổn định nhưng việc đứng ở mức cao cùng những thông tin về dịch bệnh, thiếu rau xanh, thịt lợn... cũng gây những xáo động trong tâm lý người dân.
Trên các phương tiện thông tin đại chúng, Bộ Công thương cho biết, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm trong 6 tháng cuối năm sẽ tăng 3-5% so với 6 tháng đầu năm, riêng về thịt lợn là khoảng từ 2,4 đến 2,5 triệu tấn thịt hơi so với lượng cung dự kiến là 2,2 - 2,3 triệu tấn. Do tổng đàn lợn của cả nước hiện nay giảm so với cùng kỳ 2010 nên lượng thịt thiếu hụt khoảng 0,2 triệu tấn này sẽ phải bù đắp bằng nhập khẩu.
Ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) lại khác. Để bảo đảm nguồn cung thịt lợn cho thị trường, bộ đang phối hợp chặt chẽ với các địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm giống, nguồn thức ăn và điều kiện cần thiết để khôi phục và phát triển đàn lợn cũng như phòng, chống dịch, kiểm soát giá đầu vào đối với sản xuất chăn nuôi, điều chuyển vật nuôi giữa các vùng, miền khi có chênh lệch giá quá cao... Thực hiện tốt các giải pháp trên sẽ đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Việc có quan điểm chưa thống nhất trong điều hành vĩ mô của các bộ, ngành chức năng cũng là bình thường nhưng xuất phát từ góc độ cuộc sống, người tiêu dùng chỉ mong sao có hàng hóa dồi dào trên thị trường và sự dồi dào này phải ổn định, dựa trên nguồn cung bền vững, bắt nguồn từ sản xuất trong nước, không bị lệ thuộc vào bên ngoài.
Tại buổi làm việc với Bộ Công thương, Bộ NN & PTNT và một số bộ, ngành liên quan về bình ổn thị trường vừa qua, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ NN&PTNT phối hợp với các địa phương tập trung sản xuất, bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường từ nay đến hết Tết Nguyên đán 2012 thông qua các cơ chế hỗ trợ cây, con giống phù hợp, thiết thực. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại đẩy mạnh cho vay phục vụ sản xuất lương thực, thực phẩm, nhất là các cơ sở chăn nuôi theo quy định hiện hành với lãi suất hợp lý... Đây là những biện pháp hiệu quả nhất, bởi mọi ưu đãi chỉ khi trực tiếp đến người sản xuất thì mới có tác dụng làm giảm giá trên thị trường.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.