(HNM) - Hà Nội có hệ thống cơ sở y tế khá dày đặc của cả trung ương và cơ sở, tập trung chủ yếu ở khu vực nội đô. Là môi trường có nhiều đặc thù, các cơ sở y tế không chỉ đón bệnh nhân sinh sống ở Hà Nội mà còn từ khắp các địa phương trên cả nước dồn về khám, chữa bệnh.
Những năm gần đây, với lượng bệnh nhân đến khám, điều trị tại các bệnh viện ngày càng lớn, môi trường bệnh viện cũng chịu những tác động gay gắt.
Nhiều người khi đến bệnh viện đều có chung ấn tượng không mấy thiện cảm là sự lộn xộn ngay từ “vòng ngoài” khi khu vực cổng và nơi gửi xe luôn bát nháo; tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm điểm trông giữ xe và buôn bán hàng rong, thu tiền trông giữ xe không đúng quy định vẫn khá phổ biến... Đi vào “vòng trong” của khu vực khám, chữa bệnh là những lo lắng về nạn móc túi, trộm cắp, cò mồi... Đặc biệt, không riêng bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, cả các y, bác sĩ cũng đứng trước nguy cơ bị tấn công ngay trong chính “ngôi nhà thứ hai” của mình...
Trước thực trạng trên, năm 2013, Bộ Công an và Bộ Y tế đã ký kết Quy chế phối hợp số 03/QC-BCA-BYT về công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong lĩnh vực y tế. Tại Hà Nội, đầu năm 2014, Công an thành phố Hà Nội cũng tổ chức ký kết Quy chế phối hợp với Sở Y tế và các bệnh viện trên địa bàn.
Theo đó, 5 năm qua, Công an thành phố đã đấu tranh, xử lý 242 vụ trộm cắp tài sản, 5 vụ cố ý gây thương tích, 206 vụ gây rối trật tự công cộng, 94 vụ cò mồi... Với hiệu quả đó, mô hình phối hợp này đã được mở rộng từ 15 cơ sở y tế trước đây lên 33 cơ sở y tế hiện nay...
Song, mối lo ngại của người dân khi tới các cơ sở khám, chữa bệnh vẫn còn đó do tình hình an ninh trật tự tại nhiều bệnh viện vẫn còn diễn biến phức tạp. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng khám, điều trị bệnh; gây tâm lý lo lắng, bất an cho toàn xã hội.
Do đó, điều cần thiết là Công an thành phố và Sở Y tế Hà Nội cần tập trung khắc phục những hạn chế trong thực hiện Quy chế phối hợp. Trong đó, ngành Công an đẩy mạnh hơn nữa việc hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ để lực lượng bảo vệ của bệnh viện có thêm kiến thức, kinh nghiệm trong phòng, chống tội phạm. Giữa hai bên phải tạo được cơ chế phối hợp chặt chẽ, có kế hoạch cụ thể trong từng giai đoạn. Đặc biệt, sắp tới là thời điểm tháng “củ mật”, công tác này càng cần được tăng cường để người bệnh và cán bộ, nhân viên ngành Y tế thêm phần yên tâm.
Cùng với đó, mỗi cơ sở y tế cũng phải xây dựng kế hoạch bảo đảm an toàn cho đơn vị mình. Cụ thể, về tổ chức, các cơ sở y tế phải có lực lượng bảo vệ tinh thông nghiệp vụ; có kỹ năng phản ứng nhanh, sẵn sàng đối phó với các tình huống bất thường; đồng thời, hướng dẫn cho thầy thuốc, nhân viên y tế cách thức nhận dạng, phòng ngừa những tình huống bạo hành, tội phạm có thể xảy ra và khuyến cáo cách để họ tự bảo vệ.
Về phương tiện hỗ trợ, các đơn vị nên trang bị hệ thống camera an ninh, hệ thống báo động khẩn cấp; rà soát, củng cố tường rào khuôn viên bệnh viện; kiểm soát lối ra - vào; đặc biệt là ưu tiên bảo đảm cho các phòng, khoa có nguy cơ cao về mất an ninh, trật tự...
Mỗi cơ sở y tế đều đóng trên những địa bàn nhất định. Vì thế, lực lượng công an các địa phương, cơ sở phải chủ động bảo đảm an toàn cho các bệnh viện. Trước mắt cần xử lý dứt điểm, triệt để các vi phạm về lấn chiếm lòng đường, vỉa hè; dừng đỗ xe lộn xộn trước cổng bệnh viện...
An toàn cho môi trường bệnh viện không chỉ mang lại lợi ích cho người dân, đội ngũ thầy thuốc, mà còn góp phần hoàn thiện hệ thống ngành Y tế để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.