Theo dõi Báo Hànộimới trên

Môi trường sống tại KTT Dệt 8-3... SOS !

ANHTHU| 02/04/2008 09:13

(HNM) - Rót nước mời chúng tôi, ông Trần Công Định ở P214 nhà A2 khu tập thể Dệt 8-3, phường Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng nói giọng buồn buồn, có đôi chút ngượng ngùng:

- Nhà báo uống nước đã, kẻo lát nữa đi tham quan khu nhà về không uống nổi...

Chưa cần ông Định “giới thiệu”, khi vừa bước chân lên bậc thang đầu tiên của khu nhà này chúng tôi cũng đã bị mùi xú uế xộc vào mũi. Và đúng như lời ông nói, nơi đảm nhiệm “đầu ra” của 7 hộ gia đình với hàng chục con người vỏn vẹn vài mét vuông, một nhà tắm, hai ngăn vệ sinh, không có cánh cửa hoặc có thì cũng thủng mọt lỗ chỗ, mất bản lề, không thể đóng mở theo cách thông thường. Bất kể thời điểm nào, ai bước chân vào đây cũng phải đội nón mũ nếu không muốn nước bẩn nhỏ xuống người. Đêm tối không có điện chiếu sáng, đường đi lối lại trơn trượt, bẩn thỉu. Vậy mà vào những giờ “cao điểm” mỗi ngày, hàng chục người vẫn phải xếp hàng đợi đến lượt. Những gia đình có nhà liền kề khu vệ sinh thì còn cực hơn. Ngày cũng như đêm, khi ăn cũng như lúc ngủ, mùi xú uế luôn quẩn quanh, phảng phất trong phòng ở.

Theo người dân khu vực, các tòa nhà bốn tầng từ A1 đến A6 và A10 khu tập thể Dệt 8-3 đều được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước, vốn thiết kế chỉ dành cho những công nhân độc thân làm việc tại Nhà máy Dệt 8- 3. Mỗi căn phòng rộng khoảng 19m2không có nhà bếp, mỗi tầng sử dụng chung một khu vệ sinh. Sau này các phòng được phân chia cho hộ gia đình, số lượng thành viên tăng lên theo năm tháng, trong khi cuộc sống khó khăn, không phải ai cũng có thể tìm một chỗ ở tươm tất. Thế là hai, thậm chí ba thế hệ gia đình chen chúc trong một căn phòng rộng chưa đến hai chục mét vuông. Mọi diện tích chính thức được tận dụng để ở thành ra hành lang, khoảng không trước và sau nhà bị trưng dụng tối đa làm nơi đun nấu, giặt giũ, phơi phóng. Hầu hết các hộ đều đua lồng sắt che kín khoảng không trước nhà, biến hành lang thành những con hẻm tối tăm và trong nhà suốt ngày đêm phải bật điện. Vào giờ cả xóm “nổi lửa”, hàng chục bếp than tổ ong cùng nhả khói khiến không khí như đặc quánh... Nhìn những mảng tường đen kịt, những dãy bếp than, thùng chứa nước bày la liệt ngoài hành lang cũng có thể hiểu một phần cuộc sống vất vả của người dân khu tập thể này.

Qua một thời gian dài sử dụng, nhiều hạng mục công trình của tòa nhà đã xuống cấp. Những miếng bê tông lắp ghép trần nhà đã cách nhau hàng chục centimet, tường bong tróc từng mảng lớn, trơ lõi thép hoen gỉ. Xuống cấp nặng nề nhất là khu vệ sinh chung, nơi ai cũng ngại nhưng không thể không bước vào hàng ngày... Nguyện vọng lớn nhất của người dân khu vực này là mong cấp có thẩm quyền xem xét, tạo điều kiện sớm cải tạo các khu nhà giúp họ có một nơi ở rộng rãi hơn, có công trình phụ riêng biệt...

Bà Nguyễn Thị Oanh, Phó Chủ tịch UBND phường Quỳnh Mai cho biết, chính quyền phường cũng đã nhiều lần đề đạt nguyện vọng của người dân đến cấp có thẩm quyền. Cuối năm 2007, phường đã làm việc với đại diện Công ty CP xây dựng Sông Hồng - Tổng công ty Sông Hồng để khảo sát hiện trạng các khu nhà, thống nhất có văn bản trình thành phố xem xét phương án cải tạo. Trong khi chờ đợi quyết định của cấp có thẩm quyền, phường luôn tạo điều kiện cho các hộ được sửa chữa nhà theo hiện trạng cũ trên nguyên tắc thỏa thuận với các hộ liền kề, tránh phát sinh khiếu kiện.

Hơn 40 năm sử dụng và nhiều năm trong tình trạng quá tải so với thiết kế ban đầu, các khu nhà A1 đến A6 và A10 phường Quỳnh Mai hiện như những cơ thể già nua khó có thể gượng dậy nếu chỉ sửa chữa chắp vá. Cấp thẩm quyền và các cơ quan chức năng cần sớm cho khảo sát, xem xét để có phương án cải tạo, xây dựng lại.

Bài, ảnh:Thủy Ngọc

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Môi trường sống tại KTT Dệt 8-3... SOS !

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.