Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mỗi người dân Hà Nội sẽ có sổ theo dõi sức khỏe

Thu Trang| 10/02/2017 06:49

(HNM) - Ngày 9-2, sau khi thăm Trạm Y tế phường Tây Mỗ (quận Nam Từ Liêm), Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã có buổi làm việc với Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý và Ngành Y tế Thủ đô.

Tại buổi làm việc, Ngành Y tế Thủ đô cam kết hoàn thành việc khám bệnh, lập sổ theo dõi sức khỏe của tất cả người dân trong tháng 9-2017 và hướng tới quản lý sức khỏe ban đầu cho người dân như đối với cán bộ.


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung thăm Trạm Y tế phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm.Ảnh: Nhật Nam


Không còn cảnh có bệnh mới đi khám

Trạm Y tế phường Tây Mỗ hiện có 9 cán bộ y tế và phải đảm nhận nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe, khám chữa bệnh (KCB) cho hơn 24.000 người dân trên địa bàn. Trò chuyện với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, một số người dân mong muốn được tư vấn, cấp các loại thuốc bảo hiểm y tế (BHYT) đối với các bệnh mạn tính như: Tiểu đường, tim mạch, huyết áp…, thậm chí tầm soát, kiểm tra sức khỏe ngay tại trạm y tế, thay vì phải đi đến các bệnh viện tuyến trên.

Trạm trưởng Trạm Y tế phường Tây Mỗ Trần Thị Hoa cho biết, người dân đánh giá tích cực về hoạt động KCB ban đầu, tư vấn sức khỏe của trạm. Tuy nhiên, do vướng mắc về cơ chế liên quan đến tài chính, nên hoạt động này chưa triển khai được hiệu quả. Hằng năm, nguồn kinh phí BHYT cấp cho Trạm Y tế phường Tây Mỗ chỉ khoảng 80 triệu đồng.

Phó Thủ tướng Chính phủ đặt vấn đề: Với 24.000 người dân thì nguồn thu BHYT ở phường Tây Mỗ là hơn 14 tỷ đồng. Như các nước phát triển, tối thiểu 50% kinh phí BHYT cho y tế tuyến quận, huyện; xã, phường. Thế nhưng, trung bình ở các trạm y tế xã, phường nước ta hiện nay, tỷ lệ này chưa đầy 1%, còn tuyến huyện chưa đến 20%. Nếu chỉ dành 10% nguồn kinh phí BHYT cho công tác KCB định kỳ, lập hồ sơ quản lý sức khỏe điện tử cho từng người dân, kết hợp tư vấn sức khỏe, định hướng chuyển tuyến cho người dân khi có bệnh và quản lý các bệnh mạn tính trên địa bàn, thì đây chính là lời giải cho những vướng mắc, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các trạm y tế xã, phường.

Một vấn đề nữa được Phó Thủ tướng Chính phủ chia sẻ rằng, đã đi khảo sát tại nhiều trạm y tế xã, phường được đầu tư rất khang trang, nhưng cán bộ y tế có ít việc để làm, thu nhập thấp, trình độ chuyên môn cũng… đi xuống. Vì vậy, nếu triển khai được việc lập sổ quản lý sức khỏe cho từng người dân, trước hết người dân được chăm sóc sức khỏe ban đầu thực sự, chứ không phải có bệnh mới đi khám. Hơn nữa, cán bộ y tế cơ sở có thêm nhiều việc để làm, thu nhập được cải thiện và năng lực chuyên môn cũng tăng lên. Cùng với đó, người dân hình thành thói quen khám sức khỏe định kỳ cũng như nhận thức được lợi ích của việc mua thẻ BHYT.

Đồng thời, Ngành Y tế phải tăng cường hoạt động tư vấn sức khỏe, thực hiện khám và điều trị một số bệnh; có các đợt khám chuyên khoa sâu về nhãn khoa, tim mạch, hô hấp, xương khớp…; tập huấn, nâng cao hiệu quả trong định hướng, giới thiệu chuyển tuyến, đẩy mạnh tự chủ cho các trạm y tế.

“Hiện nay, trong 10 người có thẻ BHYT, thì chỉ có 4 người sử dụng thẻ đó để đi khám ở y tế cơ sở. Ở nông thôn, rất nhiều người dân đi khám khi đã bệnh nặng, còn khi chưa có bệnh, họ không bao giờ được mời kiểm tra sức khỏe. Chỉ có cán bộ, những người giàu, có điều kiện mới đi khám sức khỏe định kỳ…” - Phó Thủ tướng nêu vấn đề.

Lập sổ theo dõi sức khỏe người dân

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, trong 5 năm vừa qua, bình quân một trạm y tế ở Hà Nội được đầu tư 11,2 tỷ đồng, nên cơ sở vật chất, trang thiết bị đều được bảo đảm. Hiện toàn thành phố có 560/584 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế cơ sở. Thời gian qua, Hà Nội đã triển khai thí điểm việc khám sàng lọc, theo dõi, quản lý sức khỏe một số bệnh mạn tính tại trạm y tế. “Với 42 cơ sở y tế công lập, hơn 5.000 bác sĩ, Hà Nội hoàn toàn có thể lập các tổ, bổ sung thiết bị máy móc để khám sức khỏe định kỳ cho người dân theo hình thức cuốn chiếu tại tất cả các quận, huyện, thị xã” - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định.

Theo Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền, Hà Nội sẽ triển khai việc lập sổ, khám bệnh lần đầu cho tất cả người dân ở các quận, huyện, thị xã. Các bác sĩ ở các bệnh viện tuyến trên sẽ được huy động hỗ trợ. Hà Nội cam kết hoàn thành việc lập sổ theo dõi sức khỏe của tất cả người dân trong tháng 9-2017. Tới đây, mỗi người dân Thủ đô sẽ được lập sổ KCB với các thông tin cơ bản: Chiều cao, cân nặng, khám cận lâm sàng; các chỉ số cơ bản về máu và siêu âm. Để triển khai công việc này, thành phố sẽ hoàn thành lắp đặt đường truyền kết nối đến các trạm y tế cũng như triển khai phần mềm nối mạng chung cho 42 cơ sở y tế. Mỗi người có một mã số riêng, sau này KCB ở đâu trên địa bàn thành phố cũng được cập nhật vào hệ thống nhưng thông tin cá nhân được bảo mật, bác sĩ chỉ mở hồ sơ khi được người bệnh đồng ý.

Biểu dương sự vào cuộc quyết liệt của Hà Nội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị thành phố cân nhắc huy động thêm nguồn lực xã hội hóa để sổ KCB của người dân có thêm các chỉ số quan trọng khác. Phó Thủ tướng Chính phủ cũng lưu ý, việc cần làm tiếp theo là đào tạo, tập huấn để cán bộ y tế cơ sở còn có thể tư vấn sức khỏe theo đặc điểm riêng của mỗi người dân Thủ đô.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mỗi người dân Hà Nội sẽ có sổ theo dõi sức khỏe

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.