(HNMO) - Đó là thông tin được đưa ra tại hội nghị tổng kết dự án chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng đối với nạn nhân chất độc hóa học/dioxin giai đoạn 2018-2022 do Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) tổ chức ngày 13-3 tại Hà Nội.
Theo đó, tính đến hết năm 2022, dự án “Chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng đối với nạn nhân chất độc hóa học/dioxin” đã giúp cho 35.817 nạn nhân chất độc hóa học/dioxin và con đẻ của họ được khảo sát và lập danh sách theo dõi sức khỏe (đạt 100% mục tiêu đề ra); 11.973 nạn nhân và con đẻ của họ được sàng lọc định kỳ nhằm phát hiện sớm các vấn đề về sức khỏe.
Ngoài ra, tại các cơ sở khám, chữa bệnh, 6.137 nạn nhân được cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh, điều dưỡng, phục hồi chức năng (đạt 72% chỉ tiêu); 17.821 nạn nhân và thành viên của gia đình nạn nhân được tập huấn tại cơ sở khám chữa bệnh về kỹ năng phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe, chăm sóc, phục hồi chức năng tại nhà (đạt 100% chỉ tiêu).
Còn tại các trạm y tế xã, 18.785 nạn nhân và người nhà nạn nhân, cộng tác viên, cán bộ y tế xã được tập huấn, hướng dẫn về chăm sóc, các kỹ thuật phát hiện sớm và phục hồi chức năng cho nạn nhân, người khuyết tật.
Bên cạnh đó, 31.562 trẻ dưới 6 tuổi được sàng lọc, phát hiện sớm, can thiệp sớm, phục hồi chức năng khuyết tật; 1.290 trẻ tự kỷ được khám, chẩn đoán xác định, phát hiện nhu cầu cần can thiệp phục hồi chức năng; 478 gia đình trẻ tự kỷ được hướng dẫn can thiệp cả lý thuyết và thực hành...
Đặc biệt, tại điểm nóng về phơi nhiễm chất độc hóa học/dioxin (huyện Phù Cát và huyện Ngô Mây, tỉnh Bình Định), đã có 10.761 người dân sinh sống quanh tại đây được khám, lập hồ sơ quản lý sức khỏe...
Trước đó, dự án này đã được triển khai thực hiện từ năm 2018 ở 11 tỉnh, thành phố, gồm: Lào Cai, Thái Nguyên, Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Bình Định, Đồng Tháp, Bến Tre. Bộ Y tế giao cho Cục Quản lý khám, chữa bệnh phối hợp với 6 đơn vị tuyến trung ương và các đơn vị có liên quan để triển khai dự án.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho rằng, mặc dù khi triển khai dự án gặp nhiều khó khăn, kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước hạn hẹp nhưng các đơn vị tham gia dự án đã nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Nhờ đó, hàng chục nghìn nạn nhân và người khuyết tật được lập hồ sơ quản lý sức khoẻ, được hướng dẫn khám chữa bệnh, phục hồi chức năng tại bệnh viện và tại nhà. Hàng nghìn cán bộ y tế và nhân viên y tế cơ sở, cộng tác viên, người thân nạn nhân được tập huấn nâng cao kiến thức kỹ năng tự chăm sóc cho nạn nhân tại nhà...
“Trong thời gian tới, các đơn vị, địa phương cần tiếp tục nhân rộng mô hình chăm sóc sức khoẻ, phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng đối với nạn nhân chất độc hóa học/dioxin, người khuyết tật và mô hình phát hiện sớm, can thiệp sớm trẻ em khuyết tật tới nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước”, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đề nghị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.