Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mỗi ngày có hơn 18 triệu mã độc và thư lừa đảo liên quan tới Covid-19

Hoàng Linh| 17/04/2020 08:04

(HNMO) - Theo thống kê do Google vừa công bố, riêng trong tuần vừa qua, mỗi ngày thế giới “đón” hơn 18 triệu mã độc và các loại thư điện tử lừa đảo liên quan tới đại dịch toàn cầu Covid-19.

Theo Ủy ban Thương mại Mỹ, khoảng 18.000 người dân nước này đã thiệt hại 13,4 triệu USD vì các vụ lừa đảo liên quan tới Covid-19 từ đầu năm tới nay.

Con số trên còn chưa tính tới hơn 240 triệu thư rác liên quan tới vi rút SARS-CoV-2 mỗi ngày. Theo hãng khổng lồ tìm kiếm trực tuyến, các vụ tấn công và lừa đảo thường lợi dụng tâm lý sợ hãi và những lo lắng về tình hình tài chính của nạn nhân, để kích thích cảm giác nguy cấp, dẫn tới việc đưa ra những quyết định sai lầm. 

Kẻ lừa đảo thường giả danh các cơ quan y tế có uy tín như Tổ chức Y tế thế giới (WHO), để kêu gọi đóng góp hoặc yêu cầu người dùng tải về các mã độc. Thậm chí, trong một số trường hợp, kẻ xấu còn cho biết có “thông tin quan trọng” về các gói kích thích kinh tế của chính phủ. Ngoài ra, nhiều người dùng làm việc từ xa cũng đối mặt nguy cơ sa bẫy, khi nhầm lẫn các thư điện tử giả mạo tưởng như được gửi từ công ty hoặc tổ chức mà họ đang làm việc.  

Để loại bỏ các nội dung độc hại nói trên, Google cho biết đã triển khai các hệ thống sàng lọc sử dụng trí tuệ nhân tạo. Tỉ lệ “dọn dẹp” được tuyên bố có thể đạt tới hơn 99%. Hiện nay, Google cũng đang hợp tác với WHO để thiết lập cơ chế xác thực thông điệp, báo cáo và sự phù hợp thông tin (DMARC) dựa trên tên miền. Cơ chế này sẽ khiến kẻ lừa đảo gặp khó trong việc giả mạo tên miền who.int, đồng thời tránh việc những thông điệp từ WHO có thể bị mắc kẹt trong các bộ lọc thư rác. 

Một bức thư điện tử giả danh đến từ văn phòng của công ty, yêu cầu các nhân viên nhấn vào đường dẫn chứa mã độc.

Cũng theo Google, nguy cơ mã độc và lừa đảo liên quan tới Covid-19 không mới về mặt kỹ thuật, mà chỉ thay đổi về nội dung. Vì vậy, người dùng vẫn nên duy trì các nguyên tắc an toàn truyền thống khi tham gia môi trường mạng để bảo đảm an toàn, trong đó có việc: Không nhấn vào các đường dẫn trong thư điện tử lạ; hãy báo cáo ngay khi nhận được thư lừa đảo; không cung cấp thông tin đối với các trang web với đường dẫn có dấu hiệu bất thường… 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mỗi ngày có hơn 18 triệu mã độc và thư lừa đảo liên quan tới Covid-19

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.