(HNM) - Dù luật cho phép, nhiều tỉnh, thành phố khác đã thực hiện, nhưng đến nay TP Hồ Chí Minh vẫn đang
Việc quảng cáo trên xe buýt vẫn chưa được thực hiện tại TP Hồ Chí Minh. |
Trong khi nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu… đã áp dụng cho phép quảng cáo trên xe buýt thì đến thời điểm này TP Hồ Chí Minh vẫn chưa cho phép thực hiện. Nhiều năm qua, TP Hồ Chí Minh vẫn "quy hoạch treo" vấn đề này. Cụ thể, từ năm 2008, Sở GTVT đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh cho phép ngành giao thông khai thác quảng cáo trên xe buýt nhưng không được chấp nhận và yêu cầu sở cần… nghiên cứu kỹ hơn. Đến tháng 6-2009, UBND TP Hồ Chí Minh ra Quyết định 39/2009, cấm quảng cáo trên các phương tiện giao thông, phương tiện vận tải. Tới năm 2011, thành phố chấp thuận cho Sở GTVT nghiên cứu lại việc quảng cáo trên xe buýt. Đến năm 2012, thành phố tiếp tục chỉ đạo Sở GTVT phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định lại đề án này để trình UBND thành phố thông qua, nhưng đến nay mọi sự vẫn… y như cũ.
Theo Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, thành phố chưa cho triển khai áp dụng là do đang tính toán và cân nhắc kỹ mọi yếu tố để triển khai hoạt động hiệu quả nhất, trong đó có vấn đề về mỹ quan đô thị, an toàn giao thông và các chính sách trợ giá, cơ chế đấu thầu khai thác…
Tuy nhiên, theo TS Phạm Sanh, nguyên giảng viên ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh, luật đã cho phép, nhiều tỉnh, thành phố cả nước áp dụng nhưng chỉ mỗi TP Hồ Chí Minh cứ "băn khoăn" cân nhắc suốt hơn 10 năm qua là rất khó hiểu: "Việc do dự thậm chí cấm đoán như vậy là không có cơ sở, chưa nói đến đánh mất cơ hội marketing ít tốn kém và hiệu quả nhất", TS Sanh nhận định.
Theo ThS Lê Trung Tính, nguyên Trưởng phòng Quản lý vận tải đường bộ (Sở GTVT TP Hồ Chí Minh, người tiên phong xây dựng đề án này) hầu hết các nước có hệ thống xe buýt đều cho phép quảng cáo trên xe buýt. Nguồn thu từ hoạt động này giúp giảm đáng kể giá vé xe buýt và giảm khá nhiều chi phí trợ giá từ ngân sách. Việc chậm trễ nêu trên đã gây thất thu lớn cho ngân sách thành phố.
Đồng quan điểm, TS Phạm Sanh chỉ rõ một nghịch lý khó hiểu khi hằng năm đều phải tăng ngân sách trợ giá cho xe buýt. Cụ thể, nếu như năm 2008 ngân sách trợ giá xe buýt của thành phố hơn 570 tỷ đồng thì năm 2009 đã gần 700 tỷ đồng, năm 2010 hơn 730 tỷ đồng, năm 2011 gần 1.270 tỷ đồng, năm 2012 hơn 1.300 tỷ đồng, năm 2013 gần 1.400 tỷ đồng và dự kiến năm nay gần 1.500 tỷ đồng. Trong khi đó, với trên 3.000 xe buýt, mỗi năm thành phố có thể thu về không dưới 200 tỷ đồng từ quảng cáo, đủ trang trải từ 10 đến 15% chi phí ngân sách trợ giá.
Nhiều chuyên gia giao thông, kinh tế cho rằng, loại hình quảng cáo di động sẽ rất hiệu quả, cần tính toán để mang lại hiệu quả tối ưu. Nguyên Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc thành phố Võ Kim Cương cho rằng, không nên áp dụng một cách tùy tiện (màu sơn, thông tin quảng cáo, diện tích trang trí…) trên hệ thống xe buýt thành phố, sẽ gây mất mỹ quan đô thị, tạo ra không gian chật hẹp và phản cảm cho người đi đường lẫn hành khách. Còn TS Nguyễn Hữu Nguyên, chuyên gia phân tích thuộc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam cho rằng, thành phố cần "mạnh dạn" xây dựng một bộ quy chuẩn về hoạt động quảng cáo trên xe buýt. Ví như màu sơn đặc trưng cho từng loại hình quảng cáo và phù hợp với màu xe, diện tích vừa đủ, nội dung quảng cáo phù hợp, mang tính nhân văn, có tính giáo dục cao...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.