(HNM) - Các đại dương trên trái đất đang bị axit hóa với tốc độ chưa từng có trong lịch sử và sẽ đe dọa tới đời sống của toàn bộ sinh vật biển trên thế giới nếu con người không sớm có hành động.
Mới đây, Ủy viên về Môi trường, Đại dương và Ngư nghiệp của Ủy ban châu Âu, ông Virginijus Sinkevicius dẫn báo cáo vừa được công bố của Cơ quan Môi trường châu Âu (AEE) cho biết, tình trạng axit hóa của đại dương trong các thập kỷ qua đã cao hơn 100 lần so với sự chuyển biến của thiên nhiên cách đây 55 triệu năm. Ông Sinkevicius nhấn mạnh, axit hóa là một sức ép môi trường nghiêm trọng với các đại dương và tác động tới hệ sinh thái biển, đồng thời kêu gọi các chính phủ cần nỗ lực để bảo vệ môi trường biển. Giảm thiểu và giải quyết các tác động của axit hóa đại dương cũng là một trong những mục tiêu của Liên hợp quốc về phát triển bền vững tới năm 2030, qua đó bảo tồn và khai thác một cách bền vững các đại dương, biển và nguồn tài nguyên biển (ODD14).
Theo AEE, hiện đại dương đang hấp thụ khoảng 25% lượng khí thải CO2 của thế giới sinh ra do hoạt động của con người. Điều này gây ra hiện tượng axit hóa các đại dương do thành phần pH trong nước giảm. Lượng pH ở bề mặt của đại dương đã chuyển từ 8,2 xuống dưới 8,1 trong thời công nghiệp do sự gia tăng lượng khí CO2. Nồng độ pH giảm tương ứng với độ axit của đại dương tăng khoảng 30%.
Những tác động của nhiệt độ cao ở các đại dương kết hợp với sự suy giảm oxy tại những nơi này cũng như hiện tượng axit hóa sẽ tác động tiêu cực tới hệ sinh thái biển, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống sinh vật biển với mức độ khác nhau trên từng loài. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo, dù một số loài không chịu tác động trực tiếp từ axit hóa đại dương cũng sẽ không thể tránh được tác động gián tiếp từ những xáo trộn trong chuỗi thức ăn hay thay đổi môi trường sống.
Để giảm tốc độ của hiện tượng đáng lo ngại này, đã từng có những đề xuất hấp thụ axit dư thừa bằng cách thả sắt, đá vôi hoặc đá olivin xuống biển, thúc đẩy các sinh vật phù du sinh trưởng, thêm các khối cư trú cho các loài giáp xác hoặc hấp thụ CO2 theo phương pháp hóa học. Tuy nhiên, phản ứng chung trước các kế hoạch trên thường là những cái lắc đầu hoài nghi về tính khả thi và mức độ hiệu quả khiến những kế hoạch này khó khả thi.
Thời gian gần đây, một số nghiên cứu cho thấy, thực vật trong đại dương, từ cỏ biển đến sinh vật phù du chỉ bằng 0,05% sinh khối thực vật trên đất liền nhưng hấp thụ CO2 rất hiệu quả. Mỗi ngày, chúng xử lý gần như cùng lượng CO2 so với tất cả thực vật sinh trưởng trên mặt đất. Tuy nhiên, các hệ sinh thái cỏ biển đang bị xóa sổ do bệnh dịch, ô nhiễm nguồn nước và ảnh hưởng của các dự án xây dựng. Những nỗ lực để khôi phục hoặc trồng lại các loài cỏ này sẽ mang lại nhiều lợi ích, bao gồm cả việc hấp thụ CO2 trong khí quyển.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng, công tác bảo vệ đại dương cần triển khai đồng bộ trên diện rộng ở nhiều khía cạnh, trong đó, quan trọng nhất là những giải pháp đối với tình trạng ô nhiễm môi trường. Nếu chỉ thực hiện một vài lĩnh vực đơn lẻ, tốc độ axit hóa đại dương sẽ rất khó có thể ngăn chặn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.