Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhân Ngày Đại dương (8-6): Cứu san hô, cứu môi trường biển...

Quỳnh Vy| 05/07/2023 21:15

Hệ sinh thái rạn san hô có tầm quan trọng vô cùng lớn đối với khu vực biển đảo ven biển và xa bờ trong việc bảo tồn đất đai và sự tồn tại của con người. Rạn san hô có ý nghĩa thực sự mật thiết đối với cộng đồng ngư dân ven biển... Tại Vườn quốc gia Cát Bà, việc giám sát rạn san hô để bảo tồn, giữ gìn môi trường biển đang có sự chung tay góp sức của nhiều thành phần, trong đó đặc biệt là các doanh nghiệp.

Tập đoàn TH chung tay giám sát rạn san hô để bảo tồn, giữ gìn môi trường biển.

Nơi lưu giữ những “báu vật”

Vườn quốc gia Cát Bà được thành lập ngày 31-3-1986 với tổng diện tích hiện nay là 17.362,96ha (trong đó diện tích phần đảo là 10.912,51ha, diện tích phần biển là 6.450,45ha). Vườn là một trong những nơi có tài nguyên sinh vật biển đa dạng cao, nhiều loài có giá trị kinh tế và quý hiếm.

Vườn quốc gia Cát Bà có tầm quan trọng kể cả trong nước và quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học. Trong đó, hệ sinh thái rạn san hô có tầm quan trọng vô cùng lớn. Với sự thu hút đa dạng các nhóm loài sinh vật biển cư trú và sinh sống, các rạn san hô được coi là hệ sinh thái có năng suất bậc nhất trên thế giới. Đối với hệ sinh thái ven biển, rạn san hô tạo nên một sinh cảnh đa dạng với số lượng lớn các hang hốc trên rạn, cung cấp nguồn vật chất hữu cơ, nơi trú ẩn, ươm dưỡng cho các sinh vật, tạo nên ổ sinh thái quan trọng duy trì và tái tạo nguồn lợi biển. Giá trị của các rạn san hô còn được biết đến trong khía cạnh giải trí và du lịch.

Với những giá trị quan trọng đó, hệ sinh thái rạn san hô là một trong những hệ sinh thái tự nhiên cần được ưu tiên bảo vệ. Tuy nhiên, trong 15 năm gần đây, các chương trình nghiên cứu ven biển tại quần đảo Cát Bà cho thấy rạn san hô suy giảm mạnh theo thời gian, một số rạn san hô bị hủy hoại hoàn toàn.

Chung tay gìn giữ rạn san hô

Ý thức được tầm quan trọng của rạn san hô, lãnh đạo thành phố Hải Phòng, Ban Quản lý Vườn quốc gia Cát Bà, người dân huyện đảo Cát Bà đã có nhiều hành động để bảo vệ tấm “thảm môi trường” bảo vệ vùng biển này. Điều đáng chú ý, tiến trình này đã thu hút được sự tham gia của doanh nghiệp đóng góp và tham gia rất chặt chẽ trong việc giám sát rạn san hô và cùng lan tỏa những hành động ý nghĩa bảo vệ môi trường biển và đại dương.

Cụ thể, trong khuôn khổ Liên minh Doanh nghiệp vì môi trường Việt Nam (VB4E), Công ty cổ phần Chuỗi thực phẩm TH (THFC thuộc Tập đoàn TH) đã tài trợ, đồng hành cùng Vườn quốc gia Cát Bà và Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) trong 2 năm (năm 2021 và 2022) đã triển khai thực hiện chương trình “Giám sát rạn san hô nhằm đề xuất một số giải pháp quản lý và bảo tồn hiệu quả rạn san hô tại Vườn quốc gia Cát Bà”.

Qua kết quả giám sát 2 năm cho thấy, độ phủ rạn san hô tại 3 điểm chỉ ở mức trung bình, có xu hướng phát triển chậm. Từ kết quả giám sát, các cơ quan chuyên môn đã có đề xuất cần có những giải pháp cụ thể nhằm quản lý và bảo tồn hiệu quả rạn san hô. Một trong những giải pháp đã và đang đem lại những hiệu quả cao trong công tác bảo tồn rạn san hô hiện nay là khoanh vùng bảo vệ và trồng phục hồi rạn san hô nhằm nâng cao độ phủ của rạn, tăng mức độ đa dạng trong thành phần loài nhằm tái tạo sự cân bằng và sức khỏe cho hệ sinh thái rạn san hô.

Chuyên gia đang thực hiện hoạt động giám sát san hô.

Hiện nay, phần lớn các khu vực bảo tồn rạn san hô tại đảo Cát Bà chưa có hoặc chưa có đầy đủ hệ thống phao neo khoanh vùng bảo vệ và phao cảnh báo. Do vậy, các hoạt động như khai thác, nuôi trồng thủy sản, các hoạt động dịch vụ du lịch đã và đang tác động trực tiếp đến các rạn san hô dẫn đến hệ sinh thái rạn san hô bị suy giảm. Vì vậy, việc thiết lập một hệ thống các phao neo khoanh vùng bảo vệ và phao neo cảnh báo là rất cần thiết.

Thông qua tài trợ của Công ty cổ phần Chuỗi thực phẩm TH hoạt động thiết lập hệ thống phao neo bảo vệ vùng sinh thái rạn san hô được triển khai thực hiện tại 3 điểm. Hoạt động này sẽ góp phần nhằm quản lý, bảo tồn và phát triển hệ sinh thái rạn san hô tại Vườn quốc gia Cát Bà theo hướng: Xác định rõ các khu vực phân bố của rạn san hô tại Vườn quốc gia Cát Bà, phục vụ cho việc quản lý, bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học biển; để các phương tiện đánh bắt hải sản, dịch vụ du lịch xác định được ranh giới vùng bảo vệ nghiêm ngặt hệ sinh thái rạn san hô tại Vườn quốc gia Cát Bà.

Chuyên gia Ủy ban Phát triển bền vững của Tập đoàn TH làm việc với các bên nhằm tìm kiếm giải pháp bảo vệ rặng san hô ở Vườn quốc gia Cát Bà.

Cùng với đó, hệ thống cũng tạo điều kiện thuận lợi cho việc tuần tra, kiểm tra và xử lý các vụ vi phạm pháp luật trong hợp phần bảo tồn biển Vườn quốc gia Cát Bà và hạn chế đến mức thấp nhất việc đánh bắt trái phép trong các phân vùng sinh thái bảo vệ rạn san hô. Hệ thống cũng góp phần cảnh báo cho tàu thuyền không neo đậu tại vùng sinh thái bảo vệ rạn san hô, không thả neo trực tiếp xuống đáy biển nhằm bảo vệ tốt hệ sinh thái rạn san hô và các sinh vật biển khác trong khu vực, đồng thời phục vụ công tác nghiên cứu khoa học và tham quan học tập.

Bà Hoàng Thị Thanh Thủy, Trưởng ban điều phối Ủy ban Phát triển bền vững, Tập đoàn TH cho biết, các nguồn kinh phí tài trợ cho hoạt động ý nghĩa này xuất phát từ một hoạt động bảo vệ môi trường của TH. Đó là hoạt động bán túi vải canvas cho người tiêu dùng sử dụng thay túi ni lông tại hệ thống cửa hàng TH true MART, góp phần giảm thiểu việc xả thải túi ni lông ra môi trường. Toàn bộ chi phí bán túi vải được sử dụng tài trợ cho chương trình này. Đó là một trong những hành động, cũng là lời cam kết của Tập đoàn TH về trách nhiệm xã hội trong việc bảo vệ mẹ thiên nhiên - đất, rừng và biển.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nhân Ngày Đại dương (8-6): Cứu san hô, cứu môi trường biển...

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.