(HNM) - Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới vẫn chưa hoàn toàn hồi phục và nhiều nguy cơ an ninh tiếp tục đe dọa triển vọng kinh tế toàn cầu, Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) về Đông Á năm 2014, diễn ra từ ngày 21 đến 23-5 tại thủ đô Manila của Philippines với chủ đề
Với 18 nền kinh tế (7 nền kinh tế Đông Bắc Á và 11 nền kinh tế Đông Nam Á), từ lâu Đông Á đã được xem là một trong những động lực tăng trưởng của thế giới. Chiếm tới 1/4 GDP toàn cầu (tương đương 13.000 tỷ USD) và 2,15 tỷ người (khoảng 1/3 dân số thế giới), Đông Á cũng chiếm tới gần 30% tổng thương mại và hằng năm thu hút gần 1/3 tổng FDI toàn cầu. Đây là khu vực có hai nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới (sau Mỹ) là Nhật Bản và Trung Quốc. Theo báo cáo triển vọng kinh tế mới nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tăng trưởng GDP của các nước khu vực Đông Á khá ổn định trong năm 2014 với mức 7,1%, trở thành khu vực tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Tăng trưởng kinh tế khu vực Đông Á đang có dấu hiệu chậm lại. |
Tuy nhiên, sự phát triển không đồng đều và thiếu bền vững đang đặt ra cho các nền kinh tế Đông Á không ít thách thức. Một trong những thử thách là việc các nền kinh tế khu vực phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Thêm vào đó, chính sách nới lỏng định lượng của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) khiến dòng vốn nước ngoài bắt đầu chảy ra khỏi Đông Á, tạo ra một số biến động khiến đồng nội tệ của các nước khu vực này bị giảm giá, ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế. Đồng thời, bất ổn an ninh khu vực, đặc biệt tại biển Hoa Đông và Biển Đông đang trở thành chủ đề nóng bỏng và được xác định là một trong những nguy cơ lớn nhất sẽ phá hủy tăng trưởng, phục hồi của kinh tế khu vực và thế giới.
Mối nguy hiểm này đã được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đề cập thẳng thắn trong bài phát biểu tại phiên khai mạc toàn thể WEF Đông Á 2014. Thủ tướng nhấn mạnh việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 trái phép trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam không chỉ làm nguy hại đến an ninh khu vực mà còn đe dọa trực tiếp đến an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Là con đường vận tải hàng hóa quan trọng của thế giới, bất ổn hoặc xung đột tại Biển Đông vì thế chắc chắn sẽ làm gián đoạn lưu thông hàng hải quốc tế. Trên thực tế, thời gian qua các tranh chấp tại biển Hoa Đông và Biển Đông đã biến Đông Á từ một trung tâm kinh tế toàn cầu thành một điểm nóng an ninh. Sự lỏng lẻo về hợp tác kinh tế như hậu quả của quan hệ chính trị căng thẳng đã kéo tụt tăng trưởng của nhiều quốc gia. Điều đó đã phản ánh sự cần thiết phải giải quyết hòa bình các khác biệt hiện có, bởi theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, "sẽ không thể có phát triển nếu không có hòa bình và ổn định". Là một trong những thành viên tích cực của WEF về Đông Á trong nhiều năm qua, sự hiện diện của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị này cũng tiếp tục khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam là chủ động đóng góp vào thành công chung của WEF về Đông Á 2014, qua đó khẳng định vai trò và vị thế của Việt Nam trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.
Báo cáo cập nhật mới nhất về "Tình hình và triển vọng kinh tế thế giới năm 2014" do Liên hợp quốc công bố cho thấy, kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tăng trưởng vững chắc trong hai năm tới, mặc dù một số nền kinh tế đang phát triển và chuyển đổi sẽ có tốc độ tăng trưởng thấp và triển vọng việc làm vẫn ảm đạm. Trong đó, Châu Á nói chung và Đông Á nói riêng vẫn được dự báo tăng trưởng mạnh nhờ tăng nhu cầu nội địa và đẩy mạnh xuất khẩu sang các nước phát triển. Tuy nhiên, với những diễn biến nguy hiểm liên quan chủ quyền biển đảo tại khu vực, Đông Á cần đẩy mạnh thực hiện các cơ chế để bảo đảm an ninh nếu muốn đạt được những thành quả trong mục tiêu tăng trưởng bền vững.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.