(HNM) - Chuyện: Những năm đầu của thập kỷ 9 thế kỷ XX, ngành cơ khí mới đáp ứng được 8-10% nhu cầu trong nước, hiện tại đáp ứng được 40-45% nhu cầu. Theo tính toán, ngành cơ khí đã đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 40% hằng năm trong vòng 15 năm lại đây.
Tám lĩnh vực trong chiến lược phát triển ngành cơ khí được cho là có tiến bộ vượt bậc là đóng tàu, thiết bị toàn bộ, thiết bị thủy công... Chẳng hạn, trong lĩnh vực đóng tàu, Việt Nam đã đóng được các loại tàu đạt chuẩn quốc tế như tàu chở hàng trọng tải 6.500-53.000 tấn và một số loại tàu cao tốc khác. Về thiết bị toàn bộ, lần đầu tiên ngành cơ khí đã chế tạo ra các thiết bị phục vụ cho các dự án, nhà máy trong lĩnh vực nhiệt điện, lọc hóa dầu, xi măng, công nghiệp giấy... Nếu như trước đây để xây dựng một nhà máy thủy điện cỡ 300MW, nước ta phải nhập khẩu toàn bộ thiết bị cơ khí thủy công thì nay ngành cơ khí nội địa đã có thể đảm nhận. Nhìn từ góc độ xuất nhập khẩu, từ một nước chuyên nhập khẩu các mặt hàng cơ khí, Việt Nam hiện đã xuất khẩu được trên 2,5 tỷ USD, góp phần giảm nhập siêu.
Câu hỏi đặt ra: Cách đây chưa lâu, nhiều ý kiến đã "mạnh bạo" cho rằng Việt Nam sẽ sớm trở thành một cường quốc về đóng tàu.
Tuy nhiên, dù đã đóng được các loại tàu đạt chuẩn quốc tế có trọng tải 6.500-53.000 tấn thì ngành cơ khí mới chỉ phát triển ở... "phần vỏ", tức là khung, sườn, còn máy móc phải nhập khẩu.
Cả nước đang có hàng loạt nhà máy liên doanh sản xuất ô tô, xe máy. Tuy nhiên, công nghiệp cơ khí Việt Nam làm được những gì? Các nhà sản xuất cho biết, muốn nội địa hóa cũng khó vì các đơn vị gia công của Việt Nam không đáp ứng được, kể cả cái ốc.
Ngay tại thời điểm này, hễ cần máy móc, nông cụ phục vụ sản xuất, nhiều nông dân đã... mày mò tự chế...
Hạn chế lớn nhất của ngành cơ khí hiện không chỉ là nguồn vốn hạn hẹp, đội ngũ tư vấn - thiết kế và thợ lành nghề thiếu... Hạn chế lớn nhất là ngành cơ khí hiện chưa có một quy hoạch có tầm nhìn, đặc biệt chưa đặt ra được đâu là ưu tiên phát triển.
Bao giờ Việt Nam có được một ngành công nghiệp cơ khí đáp ứng được yêu cầu phát triển của nền kinh tế, chưa nói gì đến "hàm lượng chất xám cao"? Đồng thời, để tránh cảnh "thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào", có nên lựa chọn một lĩnh vực ưu tiên để tập trung đầu tư thay vì chồng chéo, dẫm chân nhau như hiện tại?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.