(HNM) - Hiện nay, vấn đề kiểm tra vệ sinh thú y (VSTY) thực phẩm đối với gia súc, gia cầm (GSGC) được đặc biệt quan tâm nhằm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, ngăn chặn dịch bệnh lây lan trên địa bàn.
Việc kiểm tra VSTY thực phẩm tại các lò mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn Hà Nội vẫn còn nhiều bất cập. Ảnh: Anh Quân
Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, trung bình một ngày Hà Nội tiêu thụ 500-600 tấn thực phẩm có nguồn gốc từ động vật, nhưng ngành chăn nuôi trên địa bàn mới đáp ứng 60%, còn lại nhập từ các tỉnh khác. Tuy nhiên, nhiều năm qua, mặc dù liên ngành (thú y, công an, quản lý thị trường) thường xuyên tổ chức kiểm tra VSTY thực phẩm ở các chợ và người kinh doanh, buôn bán sản phẩm động vật nhưng lượng GSGC được kiểm soát tận gốc mới đạt khoảng 30% số lượng lưu thông trên thị trường.
Ông Nguyễn Đình Đảng, Chi cục phó Chi cục Thú y Hà Nội cho biết, việc kiểm tra VSTY thực phẩm có nguồn gốc từ động vật rất khó kiểm soát toàn bộ vì phần lớn cơ sở chăn nuôi và giết mổ của Hà Nội đều nhỏ lẻ, nằm trong khu dân cư. Nhiều cơ sở giết mổ không đủ điều kiện bảo đảm VSATTP, không được cấp phép nhưng vẫn hoạt động rất mạnh. Việc kiểm tra VSTY chủ yếu mới thực hiện được tại các chợ mà chưa đến được các cơ sở giết mổ trên địa bàn. Không những thế, do số chợ của TP khá nhiều (khoảng 300 chợ), chưa kể GSGC được bày bán ở các điểm dân sinh và ngõ xóm nên kết quả kiểm tra chẳng đáng là bao. Hiện nay, việc kiểm tra VSTY thực phẩm mới chỉ dừng ở "phần ngọn" bởi trong quá trình kiểm tra, cán bộ thú y rất khó xác định GSGC có bị bệnh trước khi giết mổ hay không, trừ một số bệnh dễ nhìn như bệnh tai xanh, tụ huyết trùng ở lợn… nên nguy cơ sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ lưu thông trên thị trường rất lớn.
Ông Cấn Xuân Bình, Phó phụ trách Chi cục Thú y nhận định, chỉ còn chưa đầy hai tháng là đến Tết Nguyên đán, nhu cầu thực phẩm những ngày này sẽ tăng lên khoảng 20% nên hoạt động kinh doanh, buôn bán GSGC sẽ rất sôi động. Đây là thời điểm thuận lợi để tư thương luồn lách sản phẩm không rõ nguồn gốc vào tiêu thụ tại thị trường nên các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra VSTY tại các nơi tiêu thụ trọng điểm. Bên cạnh đó là cải tạo, nâng cấp điều kiện vệ sinh cho các cửa hàng bán thịt tại các chợ và mở rộng những loại hình kinh doanh thịt sạch trên địa bàn TP. Đối với 11 chốt kiểm dịch động vật liên ngành cần trực 24/24h để kiểm soát hết lượng GSGC lưu thông trong khu vực. Đồng thời tăng cường khuyến cáo người dân về tiêu dùng thực phẩm an toàn, rõ nguồn gốc, không mua sản phẩm không có dấu kiểm dịch của cơ quan chức năng. Các địa phương cũng cần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về kiểm dịch, vệ sinh thú y và trách nhiệm, đạo đức kinh doanh của người chăn nuôi và người kinh doanh thực phẩm động vật đối với cộng đồng…
Về lâu dài, TP chỉ đạo UBND các quận, huyện, thị xã nhanh chóng triển khai, quy hoạch, xây dựng các cơ sở chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, bảo đảm vệ sinh an toàn dịch bệnh, nhằm phát triển sản xuất chăn nuôi hàng hóa theo hướng công nghiệp. Đặc biệt là khuyến khích người dân và các doanh nghiệp nuôi sản phẩm theo mô hình thực hành nông nghiệp tốt (GAP), đồng thời chỉ đạo các chủ đầu tư, các ngành có liên quan đẩy nhanh tiến độ xây dựng 7 cơ sở giết mổ GSGC tập trung ở các huyện. Trước mắt, các địa phương và các ngành chức năng cần kiên quyết đóng cửa các cơ sở giết mổ GSGC không bảo đảm tiêu chuẩn quy định trên địa bàn. UBND quận, huyện tăng cường quản lý chặt chẽ hoạt động tại các cơ sở giết mổ tạm thời, xử lý triệt để các vi phạm trong lĩnh vực thú y.
Trong tháng 11-2011, Chi cục Thú y đã kiểm tra 364 cơ sở kinh doanh, giết mổ, chế biến, bảo quản động vật, sản phẩm động vật và đã phát hiện xử lý 7 trường hợp vi phạm, tiêu hủy 81kg thịt lợn, 12kg chân gà, 150 con gia cầm không có nguồn gốc rõ ràng, không bảo đảm chất lượng VSATTP.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.