Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mỗi bức vẽ như nhật ký hành trình

Đặng Thủy| 30/07/2013 07:34

(HNM) - Tranh của một kiến trúc sư có điều gì hấp dẫn? Câu trả lời có trong tập sách

Nhiều người biết KTS Lê Văn Lân, những tác phẩm kiến trúc của ông cũng như sự đóng góp về lý luận và tư vấn kiến trúc nhưng ít người biết ông có một số lượng ký họa đáng kể mà một phần quan trọng trong đó là ký họa kiến trúc - những tác phẩm nghệ thuật đích thực khiến ngay cả giới mỹ thuật cũng tò mò muốn xem. KTS Lê Văn Lân chia sẻ: "Tôi không khỏi đắn đo khi chọn và cho in những tác phẩm mình còn giữ lại được, vì biết rằng sẽ phải đối mặt với sự đón nhận khó tính của giới kiến trúc và cả giới mỹ thuật. May mắn là bạn bè, đồng nghiệp hết lòng ủng hộ".

Ký họa của KTS Lê Văn Lân.



Gần 70 bức tranh xuất hiện rải rác trong khoảng thời gian 50 năm (bức đầu tiên có từ năm 1962). Với Lê Văn Lân, đó là cách ông lưu lại cảm xúc trong mỗi chuyến đi tới những vùng đất xa xôi như Nga, Đức, Mỹ, Tây Ban Nha…; những chuyến đi tới các địa danh trong nước. Có những bức như nét chấm phá, có những bức tựa như tác phẩm mỹ thuật thực thụ, tất cả lưu giữ cảm xúc dạt dào của tác giả, đưa người xem ngược về miền quá khứ, đánh thức dĩ vãng tưởng đã ngủ yên. Đó là vẻ đẹp trầm mặc trong "Phố ven đồi ở Harz", "Phố cổ Quedlinburg", "Nhà thờ bên sông", "Cối xay gió làng Lichtenhagen". Đó là cảnh quê êm đềm ở "Ribnittz", "Nhà thờ Pankow". Đó là những xóm nhỏ cheo leo bên đồi ở Tùng Dinh - Cát Bà, những đồi cát và rừng phi lao vươn ra biển Đồng Hới, là xóm thuyền Hạ Long, gác chùa Trăm Gian, làng chài Lăng Cô hay cây đa làng Phù Đổng… Với KTS Lê Văn Lân, mỗi bức vẽ như một trang nhật ký trong hành trình rong ruổi với nghề của ông. Nó khiến ông nhớ lại bao lần một mình tìm đến nơi mình từng yêu thích, nhớ tiếng thúc giục của bạn bè vẽ nhanh cho kịp giờ đi, nhớ những nét cọ nhòe tan trong mưa, nhớ những sớm mai ngồi vẽ dưới tiết trời Âu lạnh cóng.

Nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, chia sẻ: "Những bức tranh lặng lẽ và đầy suy tưởng của Lê Văn Lân thấm đượm kỷ niệm khó quên và phần nào gửi gắm hoài vọng của tác giả". Theo KTS Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, sự phát triển của công nghệ thông tin hiện đại dễ khiến cho nhiều kiến trúc sư không còn gắn bó với các loại bút vẽ truyền thống dù niềm say mê mỹ thuật vẫn còn trong mọi thế hệ kiến trúc sư. "Với những đồng nghiệp trẻ, nhất là sinh viên kiến trúc, cuốn sách này góp phần động viên việc học tập, công tác của họ" - KTS Nguyễn Tấn Vạn nói.

Khiêm nhường khi nói về mình nhưng KTS Lê Văn Lân không ngại sẻ chia niềm hạnh phúc khi được đón nhận tình cảm yêu mến và trân trọng của bạn bè đồng nghiệp dành cho cuốn sách của ông. Cuốn ký họa này đã thay lời tỏ bày của ông với đồng nghiệp và bạn đọc về tình yêu nghệ thuật, về khát khao trước cái đẹp của cuộc sống quanh ta.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Mỗi bức vẽ như nhật ký hành trình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.