Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mốc sản lượng 100 triệu thùng dầu mỏ Tê Giác Trắng: Thành quả từ chiến lược phát triển mỏ ưu việt của Hoàng Long - Hoàn Vũ JOCs

24/06/2022 10:05

Có nhiều yếu tố làm nên thành công trong vận hành, khai thác mỏ Tê Giác Trắng với dấu mốc 100 triệu thùng dầu, trong đó phải kể đến đầu tiên là chiến lược phát triển mỏ ưu việt của Công ty Liên doanh điều hành chung Hoàng Long - Hoàn Vũ.

1. Mỏ Tê Giác Trắng (TGT) thuộc Công ty Liên doanh điều hành chung Hoàng Long - Hoàn Vũ (HL-HV JOCs) đã chính thức đạt mốc sản lượng 100 triệu thùng dầu vào hồi 10h10 ngày 5-4-2022. Có thể nói, đây là một dấu mốc vô cùng quan trọng và có ý nghĩa đặc biệt đối với Công ty Hoàng Long JOC (HLJOC), đánh dấu kết quả lao động không mệt mỏi của tập thể lãnh đạo, cán bộ công nhân viên công ty sau 24 năm hình thành và phát triển.

Hiện tại, HLJOC đang là nhà khai thác dầu khí đứng thứ 3 đóng góp sản lượng khai thác dầu trong nước, đã có lúc vươn lên vị trí thứ 2 ở thời điểm vài năm trước. Tính đến nay, tổng doanh thu của HLJOC đạt 8,3 tỷ USD (khoảng 200 nghìn tỷ đồng), nộp ngân sách nhà nước hơn 2,8 tỷ USD (tương đương 65 nghìn tỷ đồng). Điều đó cho thấy sự đóng góp quan trọng của HLJOC đối với sự phát triển kinh tế đất nước trong nhiều năm qua.

Khai thác dầu khí tại mỏ Tê Giác Trắng.

Ngoài ra, dấu mốc sản lượng 100 triệu thùng dầu của mỏ TGT còn khẳng định sự hợp tác hiệu quả giữa các bên trong việc triển khai các hoạt động dầu khí tại thềm lục địa Việt Nam, bao gồm PVEP (Việt Nam), PTTEP (Thái Lan), SOCO (Anh), OPECO (Hoa Kỳ) và đặc biệt là vai trò quản lý, giám sát của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) đại diện cho nước chủ nhà.

Có nhiều yếu tố làm nên thành công trong vận hành, khai thác mỏ TGT. Trong đó phải kể đến đầu tiên đó là chiến lược phát triển mỏ, quản lý động thái mỏ và đặc biệt đưa mỏ vào phát triển theo từng giai đoạn nhằm giảm thiểu rủi ro.

Địa chất công nghệ mỏ TGT thuộc hàng phức tạp, việc lựa chọn vị trí giếng khoan gặp rất nhiều khó khăn. Cộng thêm đó là các vỉa nước, dầu đan xen nhau nên hàm lượng nước của tất cả các giếng rất cao 80-90%, gây khó khăn trong việc quản lý mỏ… Tuy nhiên, bằng nhiều phương án hiệu quả của HL-HV JOCs, dòng dầu, khí thương phẩm đầu tiên từ giàn TGT-H1-WHP thuộc mỏ TGT đã bắt đầu được khai thác vào hồi 6h55 ngày 22-8-2011, sớm 12 ngày so với kế hoạch; khối H4 vào ngày 6-7-2012, sớm 56 ngày và khối H5 vào ngày 13-8-2015, sớm 75 ngày so với kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Kế đến, HLJOC đã có phương án hoàn thiện giếng phù hợp với điều kiện địa chất góp phần đáng kể gia tăng sản lượng khai thác hằng năm. Điều này cho phép các công việc can thiệp giếng như bắn mìn bổ sung, ngăn tầng nước với chi phí thấp nhưng gia tăng sản lượng khai thác đáng kể. Đặc biệt, việc lựa chọn vị trí giếng khoan đan dày một cách kỹ lưỡng, hiệu quả, phù hợp với điều kiện địa chất mỏ, mô hình mỏ là một thành công lớn trong công tác địa chất. Cụ thể nhất là trong năm 2021 vừa qua, việc lựa chọn đối tượng khai thác cho giếng H1-4PST1 là một điển hình khi toàn bộ các giếng khai thác với hàm lượng nước lên tới 80-90%, đối tượng khi đưa vào khai thác từ giếng này là 0%. Có thể nói, đây còn là bài học cho phương pháp lựa chọn đối tượng khoan đan dày không những ở mỏ TGT và xem xét nhân rộng các mỏ khác có cấu trúc địa chất tương tự.

Tập thể lao động HL-HV JOCs trên giàn khai thác mỏ Tê Giác Trắng.

2. Trong hơn 22 năm qua, tập thể người lao động HLJOC đã nỗ lực không ngừng cho việc tìm kiếm, thăm dò, thẩm lượng, phát triển và khai thác mỏ TGT. Công tác vận hành, bảo dưỡng thiết bị được thực hiện tốt đã giúp công ty duy trì thời gian hoạt động liên tục cao, trung bình 11 năm qua đạt 98,3%. Trong đó, chính tinh thần lao động sáng tạo, dám nghĩ dám làm, liên tục tổ chức áp dụng những sáng kiến cải tiến kỹ thuật vào sản xuất của người lao động đã góp phần quan trọng làm giảm chi phí và gia tăng sản lượng khai thác ở mỏ TGT.

Tính đến nay, HLJOC đã có hàng chục sáng kiến cải tiến kỹ thuật được công nhận sáng kiến cấp Tổng công ty PVEP và cấp Tập đoàn. Trong đó, đặc biệt nhất phải kể đến là sáng kiến phát triển mỏ theo phương án kết nối với các mỏ khác để sử dụng công suất dư thừa, tạo điều kiện cho mỏ khác kết nối vào để phát triển nhằm tiết giảm chi phí đầu tư ban đầu, đó là mỏ Hải Sư Đen/Hải Sư Trắng của nhà điều hành Thăng Long JOC. Kết quả là, dự án đã đem lại lợi ích cho Nhà nước hàng trăm triệu USD...

Làm việc trên giàn khai thác mỏ Tê Giác Trắng.

Hiện nay, TGT đang vào giai đoạn khai thác cuối đời mỏ, sản lượng tại các giếng cũ đã bắt đầu giảm mạnh, nhiều giếng ngập nước đến 95%... Trong bối cảnh đó, việc phát triển mỏ đặt ra rất nhiều thách thức đối với HL-HV JOCs. Chia sẻ về kế hoạch của công ty trong giai đoạn tới, Tổng Giám đốc HL-HV JOCs Đặng Việt Long cho biết, việc gia hạn hợp đồng dầu khí để gia tăng lợi ích của nước chủ nhà, các bên tham gia hợp đồng dầu khí là ưu tiên số 1 của công ty. Bởi một khi đã được gia hạn hợp đồng, thời gian có hiệu lực dài hơn, việc thăm dò thêm những cấu tạo nhỏ sẽ được ưu tiên và phát triển trên cơ sở hệ thống công nghệ có sẵn. Đồng thời, tập thể sẽ quyết tâm tiếp tục đẩy mạnh áp dụng các sáng kiến cải tiến kỹ thuật để tối ưu hóa chi phí; nghiên cứu các giải pháp khai thác tận thu để gia tăng trữ lượng khai thác, nâng cao hệ số thu hồi dầu của mỏ trong giai đoạn cuối đời mỏ.

Có thể nói, mốc sản lượng 100 triệu thùng dầu vừa là thành quả đáng tự hào, vừa là nguồn cổ vũ tinh thần to lớn đối với tập thể người lao động HL-HV JOCs, giúp mọi người thêm quyết tâm, đoàn kết, sáng tạo để thực hiện thắng lợi các mục tiêu quan trọng trong vận hành, khai thác mỏ TGT giai đoạn tới, từ đó tiếp tục có những đóng góp tích cực vào sự phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và kinh tế đất nước nói chung.

Những dấu mốc lịch sử của mỏ Tê Giác Trắng:

Mỏ Tê Giác Trắng nằm trong Lô 16-1 bồn trũng Cửu Long, cách Vũng Tàu 100km về phía Đông Nam, ngoài khơi thềm lục Việt Nam (cách mỏ Bạch Hổ 20km).

Ngày 15-11-1999, ký hợp đồng dầu khí Lô 16-1 giữa các bên PVSC (tiền thân của PVEP ngày nay), SOCO Vietnam LTD, AMERADA HESS Vietnam Limited, OPECO Viet Nam LTD.

Ngày 8-12-1999, thành lập JOC trên cơ sở Hợp đồng dầu khí Lô 16-1; tháng 2-2002, PTTEP tham gia vào hợp đồng dầu khí (farm-in); ngày 4-9-2008, mỏ Tê Giác Trắng được tuyên bố thương mại; ngày 22-8-2011, First oil từ khối H1; ngày 6-7-2012, First oil từ khối H4; ngày 13-8-2015, First oil từ khối H5; ngày 5-4-2022 đạt 100 triệu thùng dầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mốc sản lượng 100 triệu thùng dầu mỏ Tê Giác Trắng: Thành quả từ chiến lược phát triển mỏ ưu việt của Hoàng Long - Hoàn Vũ JOCs

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.