Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mộc mạc thú chơi gốm

Phố Hoa| 14/01/2023 06:30

(HNMCT) - Từ xa xưa gốm đã hiện hữu trong đời sống của người Việt. Những món đồ được kết tinh từ đất, nước và nung qua lửa thật mộc mạc mà chứa đựng biết bao mồ hôi, công sức, tâm huyết của người thợ gốm tài hoa ấy giờ đây được sưu tầm, trở thành thú chơi gốm mà nhiều người say mê.

Chơi gốm dễ mà khó. Mua vài món đồ gốm phổ thông giá vài chục nghìn cũng là chơi. Nhưng để thực sự hiểu gốm, đi sâu vào thế giới gốm như một thú chơi nghệ thuật thì phải đầu tư nhiều thời gian, công sức lẫn tiền bạc. “Mình bắt đầu yêu gốm từ khi còn là sinh viên, thường cùng bè bạn sang Bát Tràng. Đi nhiều, ngắm nhiều rồi ngấm, rồi mê lúc nào chẳng hay. Mỗi lần sang Bát Tràng lại mua một vài món về làm kỷ niệm. Sau khi lập gia đình, mình quay trở lại Bát Tràng nhiều hơn, đưa các con đi cùng để tham quan, tự tay trải nghiệm làm gốm thủ công” - chị Nguyễn Tuyết Thanh, một giáo viên ngoại ngữ ở Hà Nội chia sẻ.

Niềm đam mê gốm của chị Thanh được thể hiện rõ trên trang facebook cá nhân của chị. Mùa nào hoa trái nấy, trên “phây” của chị là những bức ảnh gốm và hoa trái tuyệt đẹp mà chị tỉ mỉ sắp đặt. Những bình hoa đào, sen, cúc mi hay những cành táo mèo, cành hồng, ổi găng... lúc lỉu quả qua đôi bàn tay khéo léo của chị như trở thành những bức tranh tĩnh vật đầy màu sắc. Đôi khi, chỉ một vài bông hoa đồng nội hái ven đường, một chiếc lá dọc mùng cắt trong vườn nhà hay nắm lúa chín vàng trĩu bông gặt trên cánh đồng quê hương..., chị “thả nhẹ” vào trong một chiếc bình gốm thủ công, thế thôi cũng đủ để gợi nhớ về một miền nông thôn bình yên đến lạ. Nhiều bức ảnh gốm và hoa lá của chị đã nhận được hàng nghìn lượt yêu thích và chia sẻ.

Chị Thanh tâm sự: “Là bởi yêu gốm mà mình thích cắm hoa. Vì mình muốn các bình gốm của mình được tỏa sáng. Cắm hoa giúp nâng tầm thẩm mỹ và giá trị của các bình gốm”. Đa số những bình gốm mà chị sưu tầm đều là gốm thủ công vuốt bằng tay, nung bằng lò củi truyền thống, mỗi bình mỗi dáng vẻ, ít “đụng hàng” và rất có hồn chứ không nhàn nhạt, thiếu cảm xúc như gốm khuôn đại trà. Nhiều bình có men hỏa biến, độc nhất vô nhị. Chị đã bỏ thời gian tìm hiểu về các dòng gốm cổ Bát Tràng, gốm Phù Lãng, gốm Nhật... Chị cất công lặn lội đến các lò gốm, đặt hàng từ rất sớm, khi gốm mộc còn chưa vào lò, rồi hồi hộp, mong ngóng chờ đợi ngày mẻ gốm ra lò.

Thú chơi đòi hỏi công phu. Để có được những món đồ gốm đẹp, độc, lạ, chị Thanh và những người mê gốm khác phải bỏ ra số tiền không nhỏ. Trung bình, giá một món gốm nhỏ xinh vào khoảng vài trăm nghìn đồng. Nếu là tác phẩm vuốt tay thủ công, với hoa văn và nước men kiểu cổ quý hiếm của những nghệ nhân nổi tiếng thì có giá đến vài triệu đến vài chục triệu. Những người mê gốm thường dành hẳn một khoảng không gian trong nhà cho gốm, đóng kệ, giá gỗ để bày biện tác phẩm gốm yêu thích của mình một cách trang trọng.

Anh Bùi Văn Sơn - một cán bộ công chức nhà nước, cũng từng dốc hết số tiền ít ỏi của mình để mua vài bình hoa ưng ý ở một hàng bán rong trên xe đạp mà mãi sau này anh mới biết, đó nhiều khi lại chính là những bình gốm xuất khẩu chất lượng cao nhưng bị lỗi chút xíu mà họ mang ra phố bán rẻ. Mối duyên với gốm của anh Sơn bắt đầu từ “thời trai trẻ” ấy và “theo tôi suốt thời gian dài đằng đẵng đến tận bây giờ”. Là người thường xuyên phải đi công tác khắp trong Nam ngoài Bắc, đến đâu anh cũng tranh thủ tìm đến các làng gốm để tham quan và tìm mua sản phẩm gốm độc đáo. Không chỉ yêu gốm Việt, anh còn sưu tầm cả gốm Nhật, Trung Quốc và cả gốm châu Âu.

Người đam mê gốm như chị Thanh, anh Sơn không hề ít. Chẳng thế mà “Hội những người yêu gốm” đã được thành lập. Dù mỗi người một nghề, một điều kiện khác nhau nhưng vì cùng chung niềm đam mê gốm mà thi thoảng gặp gỡ, uống trà bằng những bộ ấm chén gốm thuần Việt hay sắp đặt một tiệc trà chiều với ấm, chén, đĩa hoa văn quý tộc Âu châu cùng bánh ngọt và hoa hồng, chuyện trò với nhau về những dòng gốm cũ - mới. Họ thông tin về những tác phẩm độc đáo của nghệ nhân này, lò gốm kia, hào hứng chia sẻ về tác phẩm gốm mà mình mới sưu tầm được.

Một điều đặc biệt, đa số người yêu gốm có tâm hồn sâu sắc, tinh tế, và có đôi bàn tay khéo léo. Với họ, mỗi lần được nhìn ngắm, nâng niu những tác phẩm gốm là tâm hồn được thư thái, phiêu du theo đường nét hoa văn, sắc men của gốm. Sau một ngày căng thẳng, mệt mỏi vì áp lực của cuộc sống ngoài kia, họ trở về tổ ấm của mình, nấu nướng, bày biện những món ăn ngon lên bộ bát đĩa gốm, thưởng trà bằng những bộ ấm chén gốm rồi thả mình vào giai điệu nhạc du dương, mơ màng ngắm những đóa hoa tỏa hương, cành quả khoe sắc trong những bình gốm nơi góc phòng. Chỉ thế thôi cũng đủ làm tan đi mọi mệt nhọc, tái tạo sức lao động và cảm hứng sống yêu đời, tràn đầy năng lượng tích cực.

Tết đến, xuân về, nhà nhà, người người náo nức sắm sanh đồ đạc, quần áo, thực phẩm phục vụ Tết. Với những người mê gốm, họ có thêm một thú vui là sửa soạn, lau chùi bộ sưu tập gốm của mình. Cứ như thế, gốm không chỉ là tạo tác của đất - nước - lửa hiện hữu trong đời sống hằng ngày của người dân Việt, mà còn là hồn quê hương mộc mạc và tinh tế được những người yêu gốm nâng niu, giữ gìn...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mộc mạc thú chơi gốm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.