(HNM) - Như Báo Hànộimới đã đưa tin, hiện nay, các văn bản pháp luật đều chưa có quy định về tiền điện tử trên thuê bao di động (Mobile Money) và đơn vị sẽ cung cấp dịch vụ này.
Mobile Money (hoặc eMoney) đang được các nhà mạng triển khai ở một số quốc gia. Hiện, có hai hình thức Mobile Money: Mobile Money hoạt động như một ví điện tử (có tài khoản ở ngân hàng) và hình thức Mobile Money là dùng tài khoản viễn thông để thanh toán (không qua hệ thống ngân hàng).
Tại Việt Nam, thời gian qua Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đã đề xuất và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho phép các nhà mạng thí điểm triển khai dịch vụ Mobile Money là dùng tài khoản viễn thông để thanh toán dịch vụ có giá trị nhỏ. Hiện hai tập đoàn là Viettel và VNPT đã làm thủ tục xin cấp phép triển khai dịch vụ Mobile Money, còn Tổng công ty MobiFone xin cấp phép triển khai dịch vụ trung gian thanh toán. Trong tháng 4-2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã trình Chính phủ về đề án thí điểm Mobile Money của hai tập đoàn trên...
Tuy vậy, do chưa có quy định pháp lý về Mobile Money nên đây sẽ là vấn đề mà cả Ngân hàng Nhà nước và Bộ TT-TT cùng phối hợp để xây dựng các quy định cụ thể. Được biết, trong phương án trình Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đưa ra định nghĩa, Mobile Money về bản chất là eMoney - ví điện tử, nhưng không có tài khoản ngân hàng, tài khoản định danh điện tử tương ứng với số tiền khách hàng nạp vào.
Nếu nhà mạng cung cấp Mobile Money như ví điện tử (có kết nối với tài khoản ngân hàng) thì vấn đề pháp lý không có gì cần bàn. Nhưng, nếu cung cấp Mobile Money với hình thức thanh toán qua tài khoản viễn thông vốn không qua ngân hàng thì đây là sự khác biệt lớn nhất giữa Mobile Money và ví điện tử. Ví điện tử có liên kết với tài khoản ngân hàng, nên ngân hàng phải chịu trách nhiệm. Còn với Mobile Money thì việc xác thực, lưu trữ dữ liệu và các vấn đề liên quan đến an toàn, bảo mật cho khách hàng do công ty viễn thông chịu trách nhiệm.
Chia sẻ kinh nghiệm này trong việc bảo mật thanh toán, theo Tập đoàn DOCOMO NTT (Nhật Bản), người sử dụng trả sau khi đăng ký dịch vụ thanh toán sẽ được cung cấp một mật khẩu 4 chữ số để sử dụng cho việc mua sắm trên di động.
Cho đến nay, mức độ an toàn của hình thức thanh toán này rất cao khi chỉ có 5% là thanh toán không thành công. Tại Nhật Bản có 51% người dùng chọn thanh toán qua tài khoản viễn thông, 25% thanh toán qua thẻ tín dụng, còn lại theo các hình thức khác.
Về phía nhà mạng trong nước, ông Phạm Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Viễn thông Viettel cho biết, đơn vị đã có quá trình tích lũy kinh nghiệm tham gia lĩnh vực tài chính - ngân hàng điện tử từ năm 2009.
Ngoài ra, nhà mạng này cũng đã đi đầu trong nghiên cứu, sản xuất để có thể tự sản xuất thiết bị, hệ thống phần mềm..., nên hoàn toàn có thể bảo đảm các vấn đề liên quan đến an toàn, bảo mật cho khách hàng dùng thanh toán qua tài khoản di động.
Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho rằng, các nhà mạng vẫn phải đặt việc bảo đảm an toàn thanh toán và tài sản cho khách hàng lên hàng đầu.
Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đã đề xuất với Thủ tướng Chính phủ về một số điều kiện triển khai Mobile Money: Tổng dư của Mobile Money phải tương ứng với số tiền của công ty ví gửi tại tài khoản bảo đảm ở ngân hàng (phương thức 1:1). Số tiền này chỉ được sử dụng với mục đích của ví, dù công ty cung cấp dịch vụ Mobile Money có thể làm ăn thua lỗ, nhưng tiền trong tài khoản khách hàng vẫn phải bảo đảm trong ngân hàng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.