Dùng tài khoản viễn thông thanh toán hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (mobile money) đã được Chính phủ cho phép thí điểm từ năm 2021 và tiếp tục được gia hạn đến hết năm 2024.
Thực tế cho thấy, việc triển khai dịch vụ mobile money đã mang lại nhiều lợi ích, đặc biệt là tạo sự cân bằng giữa các trung gian thanh toán. Để thúc đẩy dịch vụ này tiếp tục phát triển sau thời gian thí điểm, cần xây dựng quy định chính thức phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội.
Thanh toán qua mobile money tăng
Khác với ví điện tử thông thường, tài khoản mobile money gắn liền với thuê bao di động mà không cần đến tài khoản ngân hàng. Tài khoản này tương tự như tài khoản viễn thông, nhưng được phép sử dụng để chuyển tiền, thanh toán dịch vụ, hàng hóa.
Theo đại diện Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), đến nay, VNPT có hơn 2 triệu thuê bao mobile money (trong số hơn 8 triệu thuê bao VNPT Money). VNPT hiện có hơn 80.000 điểm chấp nhận thanh toán, trong đó dịch vụ mobile money đã thanh toán trên cả Cổng dịch vụ công quốc gia, các cửa hàng, điểm bán hàng có mã QR theo chuẩn VietQR trên toàn quốc. Từ đầu năm 2024 đến nay, khách hàng VNPT Money thực hiện hơn 240.000 giao dịch với giá trị gần 60 tỷ đồng/tháng qua mobile money.
Còn theo Tổng công ty Dịch vụ số Viettel (Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội), Viettel có 6 triệu thuê bao mobile money trong tổng số 25 triệu thuê bao Viettel Money. Thuê bao mobile money của Viettel chiếm hơn 70% tổng số thuê bao dịch vụ này trên toàn quốc, và có tới 80% người dùng sinh sống ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đáng chú ý, hơn 50% thuê bao mobile money phát sinh giao dịch thanh toán hằng tháng. Viettel Money đã và đang đứng đầu về quy mô giao dịch trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là các dịch vụ thiết yếu, như thanh toán tiền điện, nước, học phí, giao thông, viễn thông và các dịch vụ hành chính công… Thông qua mobile money, khách hàng có thể dễ dàng mua bán, thanh toán không cần tài khoản ngân hàng, không cần điện thoại thông minh hay internet. Bên cạnh đó, mobile money của Viettel Money được định hướng xây dựng và quản trị 100% trên hệ thống OCS (hệ thống tính cước theo thời gian thực) của Viettel.
Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, việc thí điểm mobile money là một chủ trương lớn nhằm thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, nhất là tại khu vực nông thôn, miền núi và hải đảo, nơi người dân không tiếp cận được với các điểm giao dịch ngân hàng. Trong nửa đầu năm 2024, số người sử dụng dịch vụ mobile money tại Việt Nam đã đạt hơn 8,8 triệu, tăng 3,3% so với năm 2023. Trong đó, hơn 6,3 triệu khách hàng sinh sống tại nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, chiếm 72% số khách hàng sử dụng dịch vụ. Các nhà mạng cũng đã thiết lập 275.879 điểm chấp nhận thanh toán, tăng 9,56% so với năm 2023. Tổng số lượng giao dịch (nạp, rút, chuyển tiền, thanh toán) bằng mobile money là hơn 119 triệu giao dịch, tăng 8% với tổng giá trị khoảng 4.462 tỷ đồng, tăng 7%.
Kiến nghị tháo gỡ khó khăn
Theo quy định, việc cấp phép dịch vụ mobile money do Ngân hàng Nhà nước thực hiện với các điều kiện rất chặt chẽ. Ngoài yêu cầu định danh khách hàng, người mở tài khoản phải là thuê bao có thời gian sử dụng dịch vụ di động liên tục ít nhất 3 tháng; hạn mức sử dụng tối đa 10 triệu đồng/tháng; chỉ thuê bao mobile money trong cùng nhà mạng mới được chuyển tiền cho nhau. Những quy định này, theo đại diện các nhà mạng, làm giảm đi tính hấp dẫn của dịch vụ mobile money.
Đại diện VNPT cho biết, việc cơ quan quản lý nhà nước chỉ áp dụng thời gian thí điểm gia hạn từng lần dẫn đến doanh nghiệp gặp khó khăn trong kinh doanh, cung cấp dịch vụ cho khách hàng, cũng như lập phương án, kế hoạch trung và dài hạn. Ngoài ra, do cung cấp dịch vụ theo cơ chế thí điểm nên các điều kiện thí điểm rất chặt chẽ (về hạn mức, đăng ký và sử dụng dịch vụ…), khiến nhà mạng gặp khó trong lập kế hoạch kinh doanh.
Đại diện Viettel cũng chia sẻ, tại Việt Nam, hầu hết các ví điện tử lớn hay các công ty mẹ sở hữu ví điện tử đều có bóng dáng nhà đầu tư hoặc doanh nghiệp nước ngoài. Vì vậy, dịch vụ mobile money sẽ là đòn bẩy phát triển kinh tế, tài chính, giúp người dân quản lý, chi tiêu minh bạch, tiện lợi. “Chúng tôi rất mong thời gian tới, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước sẽ tháo gỡ vướng mắc để dịch vụ mobile money phát huy hết thế mạnh và tạo giá trị nhiều hơn cho xã hội”, đại diện Viettel nhấn mạnh.
Đại diện các nhà mạng đã kiến nghị, đề xuất Chính phủ, sau khi hết thời hạn thí điểm (hết năm 2024), Chính phủ sớm xem xét, xây dựng quy định chính thức về hoạt động của dịch vụ mobile money. Trong đó, cơ quan quản lý nên có những sửa đổi theo hướng chú trọng điều kiện cung ứng dịch vụ phù hợp, như gia tăng hạn mức thanh toán lên 30 triệu đồng/tháng, cho phép chuyển tiền giữa các thuê bao mobile money chung mà không phân biệt nhà mạng… Việc sửa đổi, bổ sung các quy định này cũng là phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội hiện nay.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, một chuyên gia trong ngành phân tích, tại Việt Nam, các doanh nghiệp như Viettel, VNPT đều nắm trong tay công nghệ, hơn thế lại có hệ thống bán hàng rộng khắp. Nếu tận dụng được các yếu tố này, dịch vụ mobile money sẽ rất phát triển. Mặt khác, việc tạo điều kiện cho các trung gian thanh toán vốn là những tập đoàn nhà nước lớn, có nhiều lợi thế như Viettel, VNPT, không chỉ thúc đẩy dịch vụ này phát triển, đem đến sự lựa chọn đa dạng cho người dùng, mà còn tạo sự cân bằng trong cán cân thanh toán giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.