Theo dõi Báo Hànộimới trên

''Mỏ vàng'' xuất khẩu trực tuyến

Lam Giang| 03/04/2022 06:22

(HNM) - Xuất khẩu trực tuyến đang được xác định là kênh quan trọng giúp doanh nghiệp khai phá thị trường quốc tế, tăng sản lượng xuất khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19. Đây là "mỏ vàng", hướng đi hiệu quả để doanh nghiệp khai thác, nâng tầm sản xuất, kinh doanh bền vững trong tương lai.

Bộ Công Thương phối hợp với sàn thương mại điện tử Alibaba.com khai trương “Gian hàng quốc gia Việt Nam - Vietnam Pavillion” vào ngày 18-3. Ảnh: Tuyết Mai

Tăng trưởng trong đại dịch

Đánh giá về thị trường thương mại điện tử, các chuyên gia kinh tế nhận định, Việt Nam đang từng bước hướng tới nền kinh tế số, trong đó, thương mại xuyên biên giới đang trở thành nhân tố cốt lõi. Đáng chú ý, Việt Nam từng bước khẳng định được uy tín đối với các khách hàng toàn cầu trên thị trường thương mại điện tử với năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm, giá cả cạnh tranh và định hướng tập trung xuất khẩu. Các mặt hàng của doanh nghiệp Việt Nam được thị trường quốc tế yêu thích như thực phẩm, đồ uống, sản phẩm làm đẹp, chăm sóc cá nhân và nông nghiệp…

Thực tế đã có nhiều doanh nghiệp Việt Nam đạt được thành công khi đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế qua kênh trực tuyến. Giám đốc điều hành Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ DSW Trần Thị Yến Phi cho biết, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 cản trở các hoạt động kinh tế, DSW đã thử mở gian hàng trên nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới. Trải qua nhiều khó khăn, sau một năm, doanh thu của DSW đã có tăng trưởng khả quan.

Cũng tìm hướng ra từ thương mại điện tử xuyên biên giới, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và thương mại Proline Việt Nam Nguyễn Xuân Hải Yến cho biết, năm 2021 doanh nghiệp đạt mức tăng trưởng 200% so với năm 2020. Xuất khẩu trực tuyến là cách giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận khách hàng nhanh nhất, hiệu quả nhất, chi phí tối ưu nhất. Thực tế nêu trên càng khẳng định, xuất khẩu trực tuyến là hướng đi tất yếu trong giai đoạn hiện nay.

Chứng kiến sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế và xuất khẩu Việt Nam thông qua sức mạnh kỹ thuật số và thương mại điện tử, Giám đốc quốc gia Alibaba.com Việt Nam Roger Lou đánh giá: “Bất chấp những khó khăn và trở ngại lớn, một số ngành của Việt Nam đã đạt được kỷ lục xuất khẩu, đáng chú ý như sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm, đồ uống… Tôi tin rằng, thương mại điện tử toàn cầu có thể làm được nhiều việc hơn nữa, giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nâng tầm quy mô sản xuất, khai phá thị trường quốc tế, tăng sản lượng xuất khẩu”.

Rộng cửa đưa hàng Việt ra thế giới

Dù cơ hội mà thương mại điện tử xuyên biên giới đem đến cho doanh nghiệp rất lớn nhưng theo các chuyên gia, doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức khi hơn 97% doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tiếp cận những “ông lớn” thương mại điện tử toàn cầu, đẩy mạnh xuất khẩu trực tuyến, mới đây, Bộ Công Thương đã phối hợp với sàn thương mại điện tử Alibaba.com triển khai “Gian hàng quốc gia Việt Nam - Vietnam Pavillion”. Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú thông tin, “Gian hàng quốc gia Việt Nam - Vietnam Pavillion” sẽ được triển khai trong một năm kể từ tháng 3-2022. Đây là không gian tập hợp, giới thiệu các thương hiệu uy tín, sản phẩm chất lượng, các câu chuyện thành công của doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu.

Tham gia gian hàng, doanh nghiệp có cơ hội đưa sản phẩm Việt Nam lên Alibaba.com, sàn thương mại điện tử quốc tế có hơn 34 triệu người mua từ hơn 190 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hàng hóa Việt Nam sẽ có thêm lợi thế cạnh tranh về chi phí giá thành, nhất là các ngành hàng nông sản, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng, thủ công mỹ nghệ, may mặc, cơ khí chế tạo, chế phẩm nhựa và chất dẻo, bao bì đóng gói... Phó Tổng Giám đốc Alibaba.com Andrew Zheng chia sẻ, với sự hỗ trợ của Cục Xúc tiến thương mại và các đối tác địa phương tại Việt Nam, Alibaba.com sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam vượt qua thách thức, hướng tới phát triển bền vững hơn trong năm 2022. Thời gian tới, nền tảng này sẽ phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại tổ chức các hội thảo trực tuyến nhằm hỗ trợ 2.500 doanh nghiệp nhỏ và vừa xây dựng tư duy và công cụ tham gia thương mại điện tử.

Cũng với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đẩy mạnh xuất khẩu trực tuyến, trong năm 2021, Bộ Công Thương lần đầu tiên đã phối hợp với sàn thương mại điện tử quốc tế JD.com (Trung Quốc) mở “Gian hàng quốc gia Việt Nam”. JD.com cũng là "gã khổng lồ" thương mại điện tử tại Trung Quốc giúp doanh nghiệp Việt Nam “rộng cửa” tiếp cận với các đối tác nhập khẩu và đưa hàng trực tiếp tới người tiêu dùng thế giới.

Tuy nhiên, vươn ra "biển lớn" đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải có tầm nhìn quốc tế trong việc kết nối chuỗi cung ứng qua logistics, bảo đảm chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn của nhà nhập khẩu, các quy định khắt khe của nước nhập khẩu… Vì vậy, Bộ Công Thương khuyến cáo doanh nghiệp cần trang bị kiến thức, hiểu biết về thị trường nhập khẩu; tập trung vào những sản phẩm là lợi thế; đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, áp dụng phương thức quản trị tiên tiến. Đồng thời, doanh nghiệp cần có kỹ năng quảng bá sản phẩm, nắm rõ quy trình vận hành logistics xuyên biên giới...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
''Mỏ vàng'' xuất khẩu trực tuyến

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.