(HNMO) – “Mộ sóng” là ca khúc mà nhạc sĩ Quỳnh Hợp mới hoàn thành vào sáng sớm ngày 13/3 vừa qua, phổ từ thơ của nhà thơ Trần Mai Hường. Bản nhạc cùng bản phối khí của nhạc sĩ Yên Lam đã gửi ra Hà Nội để ca sĩ Quỳnh Hoa thể hiện tưởng niệm 28 năm trận Hải chiến Trường Sa vào ngày 14/3/1988.
Những vòng hoa trên biển tưởng nhớ các liệt sĩ hy sinh vì chủ quyền biển đảo quê hương khiến nhiều người liên tưởng thành những "mộ sóng" |
“Mộ sóng” được phổ từ bài thơ “Những ngọn sóng tỏa hương” của nhà thơ Trần Mai Hường. Bài thơ được nhà thơ Trần Mai Hường viết ngay trong chuyến ra Trường Sa vào tháng 5/2012, được tham gia lễ tưởng niệm các liêt sĩ và đứng từ đảo Len Đao nhìn Gạc Ma bị chiêm đóng. Tác giả bài thơ kể rằng, chị đã hai lần đốt bài thơ trên biển mong anh linh các liệt sĩ chứng giám.
“Những ai biết chút ít về trận hải chiến ngày 14/3/1988, đã từng ra Trường Sa, tham gia lễ tưởng niệm trên biển, chắc sẽ không kìm được nước mắt khi những vòng hoa được thả xuống biển, sóng dềnh lên, tạo thành những “mộ sóng” chở che các anh. Nơi ấy, nước dẫu trong nhưng sâu và lạnh lẽo lắm”, nhạc sĩ Quỳnh Hợp chia sẻ. Đó cũng là lý do mà nhạc sĩ có đồng xúc cảm với nhà thơ Trần Mai Hương để từ đó phổ nhạc cho bài thơ.
Mở đầu bài hát “Mộ sóng” là những câu hát giữ chân người nghe: “Mười bốn tháng ba – Gạc Ma/Lật sóng tìm quá khứ/Thềm lục địa đây rồi/Ngày Trường Sa bầm đỏ”. Với giọng nữ trầm ấm, kịch tính và dâng tràn xúc cảm, ca sĩ Quỳnh Hoa đã nghẹn ngào thể hiện ca khúc với tất cả niềm mến yêu, xót thương anh linh các liệt sĩ đã hy sinh anh dũng bảo về biển đảo và thềm lục địa thiêng liêng củaTổ quốc vào ngày 14/3/1988.
Ca sĩ Quỳnh Hoa thu âm ca khúc với nhiều cảm xúc |
“Bài hát “Mộ sóng” khai thác được âm khu trầm, đầy, đẹp và có kịch tính của giọng Quỳnh Hoa nên bản thu âm đã toát ra được tinh thần của bài hát. Đó là một nỗi đau âm ỉ thét gào, nỗi uất nghẹn và sự hy sinh lặng thầm. Ca sĩ Quỳnh Hoa thực sự đã “cháy” hết mình cùng “Mộ sóng” – nhạc sĩ Quỳnh Hợp nhận xét về bản thu âm.
Ekip thực hiện “Mộ sóng” cho biết, bản thu thanh này được ca sĩ Quỳnh Hoa thu ở Hà Nội rồi gửi vào TP Hồ Chí Minh để mix cho đúng ý đồ của nhạc sĩ Quỳnh Hợp. Cả ekip đã phải “chầu” ở phòng thu 94 Hào Nam, Hà Nội hơn 2 tiếng để nghe bản mix gửi ra.
Ca sĩ Quỳnh Hoa chia sẻ: “Trong bản thu âm, Quỳnh Hoa vocal cùng dàn nhạc ngay từ đoạn nhạc dạo đầu, sẽ khiến người nghe phải chú ý có gì đó rất ám ảnh. Đoạn điệp khúc lần cuối cùng, Quỳnh Hoa đã thực sự “cháy” cùng giai điệu. Dường như có tiếng thét gào của biển, tiếng vang vọng của các anh. Rồi tất cả lắng lại như an ủi, vỗ về. Bài hát bi thương mà tự hào”.
Tấm hình của nhạc sĩ Quỳnh Hợp đăng trên báo Hànộimới sổ ra ngày 17/4/1988 |
Sáng qua, 14/3, facebook Hà Nhật Quỳnh (nick của nhạc sĩ Quỳnh Hợp) khoe tấm hình chụp cách đây 28 năm, khi chị đang thể hiện ca khúc “Nghe em hát ở Trường Sa” do nhà báo, nhà nhiếp ảnh – đại tá Trần Hồng chụp khi chị đang thể hiện ca khúc này tại khán phòng Hội Nhạc sĩ Việt Nam – 51 Trần Hưng Đạo – Hà Nội. Bài hát được Quỳnh Hợp viết ngay sau trận hải chiến Trường Sa ngày 14/3/1988. Tấm hình đã được báo Hànộimới đăng trang nhất số ra ngày 17/4/1988.
Và, 28 năm qua, những người lính biển vẫn “Nghe em hát ở Trường Sa” với hàng chục album của chị viết về những người lính biển đã ra mắt khán giả cả nước, trong đó có album lấy chủ đề “Nghe em hát ở Trường Sa” với tiếng hát của ca sĩ Dương Quốc Hưng ra mắt tháng 3/2013, kỷ niệm 25 năm trận hải chiến Trường Sa bi thương và oanh liệt.
Được biết, trong hai ngày 13 - 14/ 3 vừa qua, nữ nhạc sĩ Quỳnh Hợp đã hoàn thành ba ca khúc về trận hải chiến Trường Sa ngày ấy. Ngoài “Mộ Sóng” (thơ Trần Mai Hường) còn có “Gạc ma – nỗi đau khắc khoải” phổ thơ của nhà thơ lính biển Hồng Diệu và “Hoa đại dương” phổ thơ của nhà thơ Đỗ thị Hoa Lý đang sống tại Ucraina.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.